Học sinh Trường Thực nghiệm lên tiếng: “Chúng em tự hào về GS Hồ Ngọc Đại”

Trước những tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt theo bộ sách “Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục”, nhiều học sinh Trường thực nghiệm đã lên tiếng.

Trước những tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt theo bộ sách “Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục”, nhiều học sinh Trường thực nghiệm đã lên tiếng bảo vệ chương trình "Công nghệ giáo dục" và GS Hồ Ngọc Đại.

Mai Khanh (thứ ba từ trái qua) và thầy cô, bạn bè Trường thực nghiệm trong buổi hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Mai Khanh

“Trong lúc học sinh trường khác loay hoay đánh vần, chúng em đã biết làm thơ!"

Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết tranh cãi quanh phương pháp học tiếng Việt theo tài liệu “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại. Các bài tập đọc như “Quả bứa”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Mụ phù thủy”… trong cuốn sách của ông cũng bị phân tích, mổ xẻ về tính giáo dục, nhân văn.

Trước sự việc này, Nguyễn Mai Khanh (hiện đang học lớp 7, Trường THCS Thực nghiệm, Hà Nội), một học sinh từng học chương trình “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ quan điểm.

Em cho biết mình bức xúc và rất buồn khi thấy phản ứng của dư luận về ngôi trường thực nghiệm và người thầy mà em kính trọng.

"Sẽ là tàn nhẫn khi vội vàng chê bai mà không hỏi ý kiến chúng con, những người trong cuộc, những người đang ngồi trên ghế nhà trường và được trải nghiệm phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại.

Chúng con là người trong cuộc, sao không hỏi chúng con mà lại hỏi một số phụ huynh, giáo sư tiến sĩ chưa trải nghiệm tiết học nào ở trường chúng con? Chúng con cảm thấy chương trình công nghệ giáo dục rất hay và hiệu quả” - Mai Khanh chia sẻ.

Cũng theo Mai Khanh, Trường Thực nghiệm không chỉ dạy chương trình Công nghệ Giáo dục mà có cả những lớp dạy theo chương trình đại trà.

“Trước khi có cơ hội được học chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, em học lớp dạy theo chương trình đại trà. Học 1 tháng ở lớp này, em mới chuyển sang lớp học phương pháp giáo dục công nghệ, nên cảm nhận rõ rệt sự khác biệt giữa hai phương pháp dạy.

Khi mới chuyển sang lớp Công nghệ giáo dục, em thấy lạ lắm. Trước khi đi học, mọi người thường nói chấm dứt thời gian chơi, tập trung học tập... nhưng khi đi học thì không phải thế. Chương trình học thiết kế vui, dễ học nên chúng em cũng dễ tiếp thu và nhớ lâu.

Không chỉ có học, xen kẽ những bài học, các thầy, các cô còn kể chuyện cười cho chúng em nghe. Em không hề thấy căng thẳng vì học, mà vui như đang chơi" - Mai Khanh chia sẻ.

Cũng theo Mai Khanh, nhờ chương trình giảng dạy "hình tròn, ô vuông", ghép phụ âm + vần thành từ mà các em nhanh biết đọc, biết viết. Trong lúc học sinh trường khác vẫn loay hoay với những bài học vần, các em đã biết ghép vần, làm thơ.

"Tự hào về GS Hồ Ngọc Đại"

Cũng theo Mai Khanh, thầy trò Trường Thực nghiệm dạy và học theo một phương pháp hoàn toàn khác với những ngôi trường khác bên ngoài.

Mai Khanh khẳng định em và các thế hệ Trường Thực nghiệm luôn tự hào về GS Hồ Ngọc Đại - người sáng lập nên Trường Thực nghiệm. Em cũng cảm thấy may mắn khi được học chương trình "Công nghệ giáo dục", vì đã giúp em trải nghiệm những ngày đi học “vui như đi chơi”.

GS Hồ Ngọc Đại vui mừng khi gặp lại nhiều học trò, là khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm trong một sự kiện vào cuối tuần qua. Ảnh: Bích Hà

Cũng chung tâm trạng bức xúc, không hiểu tại sao dư luận lại chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại và "Công nghệ giáo dục", chị Nguyễn Thị Hương Giang (công tác tại Đại sứ quán Ba Lan, học sinh khóa đầu tiên của Trường Tiểu học thực nghiệm) khẳng định: Chị thấy may mắn vì được học chương trình Công nghệ giáo dục và là học trò của GS Hồ Ngọc Đại.

Chị Giang kể lớp mình có 30 học sinh, mỗi môn một giáo viên. Thầy cô của Trường Thực nghiệm lấy học trò làm trung tâm. Ở đó, các chị được tôn trọng sự khác biệt, không ai chê bai, cười nhạo khi nói gì sai, không chạy theo thành tích, điểm số.

Anh Nguyễn Khương Trang (đang công tác tại Bộ Ngoại giao), cũng là học sinh khóa đầu tiên của Trường thực nghiệm cho biết, chương trình "Công nghệ Giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại không chỉ có cách đánh vần nhiều người cho là khó hiểu, mà ở đó có những triết lý giáo dục vô cùng tiến bộ của GS Hồ Ngọc Đại.

"Học với thầy Đại, kỳ 1 lớp 1, chúng tôi chỉ học vuông, tròn, tam giác nhưng đọc vanh vách hàng loạt ca dao tục ngữ. Lớn hơn chút nữa, chúng tôi được thỏa sức tưởng tượng qua những đề Văn, Toán mang tính sáng tạo. Thầy Đại giúp chúng tôi được là chính mình, không cần so với ai"- anh Khương Trang chia sẻ.

Cựu học sinh khóa đầu trường Thực Nghiệm cũng mong muốn phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được nhân rộng hơn và dư luận đừng vội vàng phán xét, chỉ trích  "Công nghệ giáo dục" khi chưa tìm hiểu kỹ.


Theo Lao động


trường Thực Nghiệm

công nghệ giáo dục

GS Hồ Ngọc Đại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.