Mất dân chủ trường học: Lỗi là do giáo viên thờ ơ khi đánh giá hiệu trưởng?

Dân chủ trường học hiện nay vẫn là vấn đề “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Trong một số trường học, Ban giám hiệu giống như những vị “vua con”, nắm “quyền sinh, quyền sát” khiến không ít giáo viên phải ngậm ngùi im lặng.

Dân chủ trường học hiện nay vẫn là vấn đề “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Trong một số trường học, Ban giám hiệu giống như những vị “vua con”, nắm “quyền sinh, quyền sát” khiến không ít giáo viên phải ngậm ngùi im lặng.


Ban giám hiệu nhà trường hiện nay thiếu sự phấn đấu và đổi mới, đó là nhận định của nhiều giáo viên

Theo phản ánh của nhiều giáo viên, trường học hiện nay là một “lãnh địa thu nhỏ” mà ở đó Ban giám hiệu mặc sức hoành hành, quyết định mọi việc.

Liên quan đến vấn đề dân chủ trường học, báo Infonet xin trích ý kiến của một giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM):

Thiếu sự phấn đấu và đổi mới

Trường học đáng lẽ phải là môi trường dân chủ nhất nhưng thực tế hiện nay lại hoàn toàn ngược lại. Cụm từ “dân chủ” chưa bao giờ có trong ngôi trường mà tôi công tác bấy lâu nay.

Vị trí của hiệu trưởng (HT) đối với một ngôi trường rất quan trọng. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, mà còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của hàng chục, thậm chí hàng trăm giáo viên (GV), cán bộ công nhân viên của trường.

Khi đã được bổ nhiệm làm HT, phó hiệu trưởng (PHT) đa số Ban giám hiệu (BGH) hiện nay đều có “sức ì” vì quan điểm “làm lãnh đạo nên không cần phải cố gắng nữa”.

Chính vì vậy, BGH của nhiều trường đã không chịu đổi mới cách quản lí, đánh giá giáo viên: HT bắt giáo viên phải viết tay các quyển vở tự học bồi dưỡng thường xuyên, kiểm tra từng đề mục, thậm chí từng lỗi chính tả.

GV nào viết dài sẽ được đánh giá là “tinh thần học tập tốt”, xếp loại giỏi. Những GV viết ngắn hơn thì xếp loại trung bình. Nhưng thực tế, chưa chắc HT đã biết và hiểu được các nội dung của phần học Bồi dưỡng thường xuyên.

Để được xét các danh hiệu trong giáo dục, phần lớn BGH thường lấy thành tích của GV, của HS để làm thành tích cho riêng cá nhân. Đây là một hình thức “đánh cắp chất xám” mà không cần phải tự thân HT, PHT nỗ lực đạt được.

Bản thân GV khi muốn có thành tích khen thưởng phải nỗ lực tham gia các cuộc thi, phải tìm tòi, nghiên cứu, làm đồ dùng dạy học,… nhưng khi đạt giải thì HT, PHT lại lấy thành tích đó để báo cáo về “khả năng quản lí, phát triển chuyên môn” của BGH.

Dân chủ là vấn đề "chưa bao giờ có" tại các cơ sở giáo dục

Vấn đề bổ nhiệm hiệu trưởng

Theo quy định Thông tư Số: 41/2010/TT-BGDĐT – Ban hành Điều lệ trường Tiểu học, điều 20, mục 3: “Nhiệm kì của Hiệu trưởng trường tiểu học là 5 năm".

Sau 5 năm, Hiệu trưởng, hiệu phó được đánh giá và có thể được bổ nhiệm lại hoặc công nhận lại theo đúng tinh thần thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2009 và thông báo số 630/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 16/2/2012 V/v hướng dẫn đánh giá, xếp loại phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và phó giám đốc Trung tâm GDTX.

Kết quả này xem là một trong các căn cứ để cấp trên bổ nhiệm lại chức vụ hoặc công nhận khen thưởng với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Chính điều này, đã tạo nên một “lỗ hổng” rất lớn để BGH có thể tại vị và tiếp tục “làm mưa làm gió”.

Nhìn chung, quy trình đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là rất chặt chẽ, nghiêm túc, đầy đủ. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là kết quả đánh giá, xếp loại đã thật sự khách quan và thực chất hay chỉ mang tính hình thức? Những ai công tác trong môi trường giáo dục sẽ hiểu rất rõ!

Mặc dù trong phiếu đánh giá, xếp loại, giáo viên có thể ghi hoặc không ghi tên của mình. Theo đó, đa số giáo viên vì muốn được “an toàn” cho bản thân và họ cũng chẳng quan tâm cho lắm việc đánh giá và xếp loại này.

Chính vì thế nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đánh giá bao nhiêu điểm và xếp loại gì chăng nữa thì họ cũng đều đưa tay đồng ý. Và thường rất ít có ý kiến phản đối lại với việc tự đánh giá và xếp loại của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Bởi một lí do hết sức đơn giản vì họ sợ “bị liệt vào thành phần chống đối, dám góp ý” BGH.

Đó là chưa kể, cấp trên, cũng chỉ đọc các biên bản với những lời nhận xét “đẹp” về HT, PHT, không đi kiểm tra tính chính xác của biên bản và cứ căn cứ vào đó để tiếp tục bổ nhiệm lại BGH cho các trường.

Là một giáo viên lâu năm, tôi nghĩ rằng: Các cấp quản lí nên tạo một diễn đàn để đọc các góp ý nhận xét của GV về BGH của trường họ. Chính điều này, sẽ tạo nên sự công bằng và khách quan và có thể tạo những bước đột phá trong giáo dục”.

Chia sẻ vấn đề dân chủ trường học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Dân chủ trong ngành giáo dục là yếu tố quyết định tới việc đổi mới toàn diện trong giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Để xảy ra điều đó thì trách nhiệm đầu tiên là của là của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường và hệ thống quản lý các cấp. Vì thế, để giải quyết vấn đề dân chủ trong giáo dục phải bắt đầu từ hệ thống quản lý giáo dục, từ phòng tới sở và không thể thiếu được sự tham gia đóng góp của các giáo viên và lãnh đạo các trường”.

Theo Infonet


Giáo dục

Dân chủ

Dân chủ trường học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.