Mệnh lệnh nào buộc phải truy tìm gian lận thi THPT quốc gia ở Hà Giang?

Ngày 13/7, những người “tay ngang” hoặc thành thạo kỹ năng xử lý Excel đang dò dẫm theo những dấu vết bất thường từ điểm thi THPT quốc gia của Hà Giang.

Ngày 13/7, tại khách sạn Marriot (Hà Nội) trong khi robot Sophia đang diễn thuyết và cảnh báo nguy cơ tụt hậu nếu Việt Nam không theo kịp “cách mạng 4.0” thì ở nhiều căn phòng nhỏ, những người “tay ngang” hoặc thành thạo kỹ năng xử lý Excel đang dò dẫm theo những dấu vết nhỏ để lần tìm tiếp nghi vấn bất thường từ điểm thi THPT quốc gia của Hà Giang.

Trước đó, ngày 11/7, nhằm giúp thí sinh trên cả nước tra cứu điểm thi thuận lợi, Bộ GD-ĐT đã cung cấp cơ sở dữ liệu điểm thi cho các báo điện tử (với cam kết phục vụ miễn phí, bảo mật thông tin cá nhân của thí sinh). Từ dữ liệu này, một số tờ báo đã thực hiện thống kê, phân tích các kết quả điểm thi.

Xuất phát từ một thống kê của báo VnExpress, chiều 11/7, trên mạng xã hội có thầy giáo đã đặt ra nghi vấn "phi lý Hà Giang": Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước. Trong khi đó cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018, gấp gần 168 lần số lượng thí sinh ở Hà Giang (5.500 thí sinh).

Điểm thi từ 9 trở lên cao bất thường của Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đồ họa: Lê Huyền - Vũ Dung

Thống kê phổ điểm từng môn của VietNamNet cho thấy những bất thường ở địa phương này: Môn Vật lý có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm 8 từ đến dưới 9. Môn Toán cũng vậy, số thí sinh có mức điểm 8-8.8 chỉ có 50 thí sinh, nhưng số thí sinh có điểm từ 9 trở lên tới 57 thí sinh.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một người chuyên luyện thi ở Hà Nội cho rằng đó là những điều "rất vô lý". Vi theo lẽ thường, mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít. Thông thường trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 chỉ bằng 1/8-1/6 số thí sinh 8-9 mới là hợp lý.

Trong một cuộc trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Qúy, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang cho biết: Khi biết kết quả Hà Giang có 2 thí sinh trong tốp 10 thí sinh có điểm cao (xét theo tổ hợp 3 khối xét tuyển đại học – PV) ông rất phấn khởi. Nhưng sau đó, đọc được thông tin "Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: "Ho một tiếng cũng đã có biên bản", tỉnh đã chỉ đạo trước hết không chờ ai hết, phải rà soát lại từng khâu một trong quá trình triển khai kỳ thi này.

Trong chiều ngày 12/7, cả Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang đã phát các công văn rà soát nghi vấn mà dư luận nêu ra.

Các công văn chỉ đạo của ban chỉ đạo quốc gia và địa phương

Ngày 13/7, VietNamNet nhận được phản ánh từ bạn đọc về một số bất thường của công tác chấm thi. Theo đó, đã có những thời điểm máy quét bài trắc nghiệm và máy tính có kết nối mạng; hội đồng chấm bài trắc nghiệm nghỉ; thậm chí có những thao tác vi phạm quy chế như việc toàn bộ bài chấm trắc nghiệm (4 thùng đựng bài) và máy tính, máy quét, máy tính từ phòng đựng bài thi ra khỏi vị trí quy định; một số thùng bài thi bị rách niêm phong,v..v....

Những phản ánh này đồng thời cũng được gửi đến những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Ngày 13/7, một tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã được thành lập và ngày 14/7  lập tức lên vùng "cao nguyên đá" tham gia phối hợp rà soát nghi vấn kết quả bất thường. Tổ công tác đã làm việc 3 ngày đêm liên tục, cửa đóng then cài tại trụ sở của Sở GD-ĐT Hà Giang.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh – tổ trưởng tổ rà soát - xác nhận đã có những sai phạm trong quá trình chấm thi. Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định tất cả các môn thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh trong kỳ thi này.

Trước 17/7 là thời hạn mà Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Hà Giang phải gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT.

“Hội đồng thẩm định đang tích cực làm việc, chắc là sẽ làm việc hết đêm nay theo tinh thần nghiêm túc để xác định kết quả khách quan, chính xác nhất của các thí sinh” – ông Mai Văn Trinh nói với đông đảo phóng viên đang túc trực trước cổng Sở GD-ĐT Hà Giang lúc 1 giờ sáng ngày 17/7.

Sở GD-ĐT Hà Giang sáng đèn liên tục từ tối ngày 14 đến 16/7. Đây là nơi diễn ra việc rà soát và chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh này.

Hàng chục hay hàng trăm trường hợp bị can thiệp sửa điểm? Gian lận chỉ có ở 1 cá nhân hay có cả đường dây? Những phản ánh về dấu hiệu can thiệp vào các thùng đựng bài thi đã được tiếp nhận và xác minh đến đâu? Liệu hiện tượng liệu có phải mới chỉ xảy ra năm nay ở Hà Giang, hay còn những năm trước, và ở những địa phương khác?

Người dân cả nước đang mong chờ kết quả làm việc của tổ công tác, cũng như trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin của các cơ quan công quyền. 

Lần ngược lịch sử của những kỳ thi có tính chất quốc gia (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học) từ cả chục năm trước, các chuyên gia công nghệ thông tin khẳng định số liệu của các kỳ thi “biết nói” rất nhiều; thậm chí có thể sử dụng các phân tích này để xác định, phát hiện những nghi vấn tiêu cực thi cử. Nhưng cả hơn chục năm qua, những số liệu "thụt thò" này cũng chỉ dùng để nói chuyện với nhau ở các hội nghị tổng kết, hay để xử lý các sự vụ đơn lẻ.

Sau bao nhiêu năm “xử lý nội bộ” dù đã có các công cụ công nghệ trong tay, đến lúc này ngành giáo dục không thể phản hồi những đồn đoán của dư luân theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, để mặc cô robot Sophia cảnh báo về những nguy cơ tụt hậu nhãn tiền về nhiều mặt.

Chưa cần đến những công nghệ cao siêu của “cách mạng 4.0”, mà mới cần những thao tác cơ bản của người thành thạo kỹ năng Excel, những dấu hiệu bất thường tiếp tục được phân tích, mổ xẻ, buộc các cơ quan chức năng đưa dần gian lận lộ ra ánh sáng.

Việc truy tìm các nghi vấn gian lận này chính là một “mệnh lệnh từ cuộc sống”(*): Ngành giáo dục cần phải dám nhìn thẳng vào sự thật, củng cố và lấy lại niềm tin của xã hội. Và đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của đông đảo người dân luôn mong muốn sự công bằng và trung thực phải là những giá trị nền tảng để phát triển ở đất nước này - những trái tim để phân biệt "chất người" mà các robot dù cho được lập trình tài tình đến đâu vẫn không thể có được

Theo VietNamNet

****************

Chú thích:

(*):Chấn hưng giáo dục: Mệnh lệnh từ cuộc sống là tên của một chuỗi hội thảo về giáo dục do GS Toán học Hoàng Tụy khởi xướng cùng hơn 20 trí thức trong và ngoài nước từ năm 2003.


sửa điểm thi

điểm thi THPT quốc gia 2018

điểm thi THPT Quốc gia

Hà Giang


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.