Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: "Ho một tiếng cũng đã có biên bản"

Một số ý kiến đang hướng sự nghi ngại về công tác chấm thi của tỉnh Hà Giang vì phổ điểm thi khác với quy luật thường lệ.

Một số ý kiến đang hướng sự nghi ngại về công tác chấm thi của tỉnh Hà Giang vì phổ điểm thi khác với quy luật thường lệ khi số bài thi điểm trên 9 lại nhiều hơn hẳn số bài thi có điểm từ 8 đến dưới 9, điều được cho là ít gặp.

Chiều 11/7, sau khi các hội đồng thi THPT quốc gia công bố điểm của thí sinh, trên mạng xã hội hiện xuất hiện những thông tin đặt ra nghi vấn: Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước.

 Đồ họa: Xuân Tiến

Theo phổ điểm môn Vật lý của địa phương này, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm 8 từ đến dưới 9.

Môn Toán cũng vậy, số thí sinh có mức điểm 8-8.75 chỉ có 50 thí sinh, nhưng số thí sinh có điểm từu 9 trở lên tới 57 thí sinh.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một người chuyên luyện thi ở Hà Nội cho rằng đó là điều "rất vô lý". Vi theo lẽ thường, mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít. Thông thường trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 chỉ bằng 1/8-1/6 số thí sinh 8-9 mới là hợp lý.

“Số lượng thí sinh đạt điểm 9-10 ở môn Toán và Lý chẳng hạn, tương đương với số thí sinh đạt điểm 8-9. Bất cứ ai theo dõi và có kinh nghiệm cũng nghĩ có bất thường, bởi lẽ ra số lượng điểm 8-9 phải cao hơn, thậm chí cao hơn gấp cả chục lần mức điểm 9-10 mới là hợp logic. Đặc biệt là trong bối cảnh đề thi khó hơn như năm nay. Chưa kể, với phương thức xét tuyển như năm ngoái và năm nay, tuyệt đại đa số thí sinh sẽ dồn sức cho 1 khối thi chính. Việc có thí sinh cùng đạt điểm top (>9) ở cả 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học trong bài thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên là phi lý.

Đó là chưa kể cả 3 môn năm nay đều khó hơn và 3 môn thi diễn ra liên tiếp, chỉ cách nhau có 10 phút mỗi môn. Thí sinh vừa không có động lực để phải làm xuất sắc cả 3 môn, vừa không có điều kiện để làm xuất sắc cả 3 môn”, thầy giáo này phân tích.

Trước nhiều ý kiến cho rằng điểm thi có vấn đề, sáng 12/7, VietNamNet đã liên hệ tới lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang.

Về điều này, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang cho hay cũng đã nắm bắt được thông tin sự việc qua tổ nắm bắt dư luận xã hội của Sở.

“Liên quan đến thi cử, người ta nói đùa rằng ho một tiếng cũng phải có biên bản. Từ việc mở phòng chấm, đóng phòng chấm bao nhiêu người, mỗi khâu có bao nhiêu người,… Những ý kiến của người dân, trên mạng thì chúng tôi cũng nắm thế thôi chứ cũng không thể lý giải được”, ông Sử nói.

Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Giang, việc điểm thi của thí sinh như thế nào chúng ta cũng không thể ngờ được sẽ cho ra phổ điểm ra sao.

“Năm nay, Bộ GD-ĐT còn cử 2 thanh tra của Bộ lên địa phương, chưa kể còn giám sát của trường đại học 2 người nữa. Ngoài ra, còn lực lượng thanh tra của Sở GD-ĐT. Dữ liệu điểm thi bản gốc thì có 2 đĩa, 1 đĩa do Chủ tịch hội đồng là chính tôi giữ, 1 đĩa gửi Bộ GD-ĐT”.

Theo đó, ông Sử cho rằng việc chấm thi của địa phương được tổ chức đúng theo quy định, còn điểm như thế nào thì phụ thuộc vào bài làm của các thí sinh, không thể lường trước được.

Ông Sử cũng cho biết, không phải chỉ vì một số ý kiến trong dư luận như vậy mà Sở tiến hành tổ chức kiểm tra công tác chấm thi.

“Hội đồng thi đã làm theo đúng quy chế và mọi thứ còn đang được nguyên niêm phong, Một chữ, hai chữ đều phải ký, lập biên bản, tất cả mọi việc đều đúng quy trình và được giám sát 24/24”, ông Sử khẳng định.

Được biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của Hà Giang đạt 89,35%; con số này trong toàn quốc là 97,57% (Giáo dục THPT đạt 98,36%, GDTX đạt 88,37%).


Theo VietNamNet


phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia

điểm thi THPT quốc gia 2018

phổ điểm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.