Nhà báo Thu Hà: "Cho tới lúc này tôi vẫn ân hận đã cho Xu vào trường mẫu giáo công!"

Lớp 42 học sinh có 3 cô. Trường mới xây dựng, cơ sở vật chất rất tốt, sân rộng, khuôn viên rất đẹp. Vườn trường rất đẹp nhưng không được vào chơi...

Tiếp nối câu chuyện tranh cãi muôn thuở nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt: "Chọn trường gì cho con: Công lập hay Quốc tế?", nhà báo Thu Hà - mẹ Xu Sim đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về chủ đề này.

Đang nóng quanh chuyện chọn trường con. Đừng nói trường quốc tế chung chung quá, vì có trường chỉ là tăng cường tiếng Anh, trường song ngữ, và trường quốc tế 100%. Học phí khác nhau, chất lượng và tính chất khác nhau. Thôi nói gọn là trường tư đi nha, để phân biệt với trường công.

Nhà báo Thu Hà: Cho tới lúc này tôi vẫn ân hận đã cho Xu vào trường mẫu giáo công! - Ảnh 1.

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Xu Sim thì đã học qua cả trường công và trường tư.

Cho tới lúc này tôi vẫn ân hận đã cho Xu vào trường mẫu giáo công ở Quận 2.

Lớp 42 học sinh có 3 cô. Trường mới xây dựng, cơ sở vật chất rất tốt, sân rộng, khuôn viên rất đẹp. Vườn trường rất đẹp nhưng không được vào chơi. Trang trí trong lớp nhiều đồ sứ và pha lê, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp, nhưng chỉ để Sở về chấm. Các con thường xuyên phải ngồi yên trên ghế. Xu khó ăn, nên bị cô đánh nhiều lần, và có lần bị nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn. Cô rất giỏi trong việc cấm tụi trẻ con mách ba mẹ. Xu chuyển trường mấy năm mới dám kể hết với tôi đấy!

Nhưng cũng có những giáo viên và trường công lập tốt như cô Minh trường Mầm Non 4, Quận 3. Xu học lớp 1 rồi mà nhắc cô Minh vẫn khóc vì nhớ.

Hồi lớp 1, 2, 3 Xu Sim học tiểu học công lập. Cũng đủ vấn đề, như giáo viên dạy các con phải nói dối khi Sở về thanh tra. Viết lem bị xé vở bắt viết lại từ đầu, nhà vệ sinh bẩn, quá tải, thiếu nước thiếu giấy...  

Tuy nhiên, đọc các bài viết thấy nhiều mẹ kỳ vọng vào trường quốc tế quá!

Nhà báo Thu Hà: Cho tới lúc này tôi vẫn ân hận đã cho Xu vào trường mẫu giáo công! - Ảnh 2.

Tôi 17 năm làm ở một tòa soạn báo tuổi teen, tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh, cũng từng làm việc cho trường quốc tế, tôi hiểu khá kỹ từ trong ruột.

Ngay cả những trường quốc tế ở Sài Gòn học phí 50 triệu đồng/ tháng, vẫn có những học sinh có vấn đề, vẫn có học sinh chửi bậy, đánh bạn bè, vẫn có những học sinh bị trầm cảm và phải nghỉ học.

Vẫn có phụ huynh chạy show đi học thêm. 3h chiều tan thì 3h15 bắt đầu đưa con đi học piano, nhảy, vẫn mời gia sư toán, tiếng Anh... nhất là phụ huynh Hàn Quốc và Việt Nam.

Có trường quốc tế học phí tới 600 triệu đồng/ năm, nhưng khá nhiều bé ở Quận 1, Quận 3, cách trường có 5 km cũng ở nội trú. Bởi "về nhà chẳng có ai, ba mẹ đi làm tới khuya mới về và đi công tác liên tục, nên em buồn lắm!".

Nhiều mẹ nói muốn chuyển con ra trường quốc tế để cho con học được tự tin. Tuy nhiên trong trường quốc tế vẫn có những học sinh rất nhút nhát, và trong trường công vẫn có những học sinh vô cùng tự tin.

Trường quốc tế mà có Ban giám hiệu hay khoe thành tích thì các giáo viên trong trường vẫn đánh phạt học sinh, xé vở quăng xuống đất, xé bài bắt chép lại như thường.

Nhiều bạn bè tôi đã từng lo lắng là trường tư nhiều con nhà giàu, dễ bị kỳ thị, phân biệt giai cấp. Nhưng bạn bè Xu Sim lại rất dễ thương, thậm chí vô tư hơn, ngây thơ hơn và dậy thì chậm hơn cả ở trường công.

Ở đâu cũng có trò ngoan trò hư, và phần lớn thì có thể hiểu ngay tại sao, chỉ cần gặp ba mẹ.

Tôi chọn trường tư vì tôi thấy Xu Sim khổ đủ rồi, xứng đáng được ngồi học có máy lạnh, xứng đáng học lớp chỉ khoảng 20 học sinh, xứng đáng có nhà vệ sinh sạch sẽ...

Trong nỗ lực rướn lên một chút, chính tôi cũng là người được nhận nhiều giá trị. Tôi không còn là một cô biên tập viên lặng lẽ, mờ nhạt, xìu xìu ển ển ngày xưa. Xu thân với bạn cùng lớp hơn xưa, tôi cũng thân với nhiều phụ huynh của con hơn xưa. Tôi thấy, phần lớn người giàu thì lại quan tâm tới việc giáo dục con, và người nghèo hơn đang bỏ bê con nhiều hơn. Tất nhiên cũng có ngoại lệ.

Bạn tôi lại chọn cho con học trường công. Vì cảm thấy con bạn ấy cần phải như thế.

Nhưng nếu con học quốc tế mà ba mẹ quá lao lực, quá vất vả và mệt mỏi thì cũng không hay. Giả sử con ngoan, nó sẽ cảm thấy nặng nề bởi sự hi sinh của ba mẹ. Và cả đời nó sẽ cảm thấy mắc nợ, cả đời không sống tự do và hạnh phúc được.

Nhà báo Thu Hà: Cho tới lúc này tôi vẫn ân hận đã cho Xu vào trường mẫu giáo công! - Ảnh 3.

Còn nếu con hư thì lại nuôi thêm sự ích kỷ trong con, cho phép con vô tâm tàn nhẫn sống trên sự hi sinh của bố mẹ. 

Và quyền được học trường gần nhà là một cái quyền vô cùng chính đáng. Tôi có thể chuyển nhà để con học gần trường tốt, chứ ko để con nội trú hay đi học xa.

Bởi vậy, tôi cho rằng không có trường nào là tốt nhất, chỉ có những trường phù hợp nhất.

Gandhi nói "Bạn hãy trở thành điều mà bạn đang mong muốn ở thế giới". Nếu bạn muốn con mình được học trong một môi trường không áp lực, thì hãy không áp lực với con ngay từ trong gia đình mình. Phụ huynh có thể thiết kế một môi trường học lành mạnh ngay trong nhà mình, dù cho con học trường quốc tế hay công lập.

Thực ra thì phụ huynh không thích nghe những bài như thế này đâu. Họ thích nghe những lời khẳng định, những lời khuyên mà một câu là giải quyết hết mọi vấn đề.

Việc đi tìm một giải pháp ở bên ngoài vẫn cảm thấy dễ hơn là quay vào để sửa chữa vấn đề trong chính bản thân mình.

Vì con cái chúng ta không ai có thể chọn được ba mẹ của mình trước khi sinh ra, nhưng ba mẹ thì hoàn toàn có thể chọn một phiên bản tốt nhất cuả chính mình cho sự phát triển của con.

Làm sao để buổi sáng con vui vẻ tới trường, và buổi tối con vui vẻ trở về nhà!

 Mẹ Xu Sim / Theo Trí Thức Trẻ

nhà báo

trường mẫu giáo

trường công

trường tư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.