Nữ tiến sĩ mang duyên nợ với ung thư

TS Huỳnh Ngọc Trinh - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM - có 26 bài báo khoa học được công bố. Phần lớn công trình nghiên cứu của chị hướng tới ung thư.

TS Huỳnh Ngọc Trinh - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM - có 26 bài báo khoa học được công bố. Phần lớn công trình nghiên cứu của chị hướng tới ung thư.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu về ung thư thử nghiệm thành công trên chuột cống đã mở ra hy vọng điều trị cho những bệnh nhân ung thư não.

TS Huỳnh Ngọc Trinh (bộ môn Dược lý, khoa Dược,ĐH Y Dược TP.HCM) vừa nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Mở ra hy vọngđiều trị ung thư não

Với công trình nghiên cứu về điều trị ung thư não, năm 2012, TS Huỳnh Ngọc Trinh và các cộng sự đã giành giải bài báo hay nhất năm của tạp chí dược phẩm châu Âu European Journal of Pharmaceutics and Biopharmaceutics.

Đây là công trình nghiên cứu được nữ tiến sĩ triển khai trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, trong vòng 3 năm. Công trình được thực hiện với rất nhiều thử nghiệm khác nhau để xác định tác dụng điều trị ung thư não của dẫn chất thuộc nhóm ferrocifen.

Nu tien si mang duyen no voi ung thu hinh anh 1

TS Huỳnh Ngọc Trinh trong lần gặp Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: Vương Bảo Anh/Tiền Phong.



“Tôi và các cộng sự gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian đầu do thực hiện trên chuột cống được cấy tế bào ung thư não. Nhóm nghiên cứu thất bại liên tục. Độ khó của các kỹ thuật mới, môi trường làm việc mới, thầy cô và bạn bè mới, rào cản về ngôn ngữ.

Có những ngày mùa đông, chúng tôi phải làm thí nghiệm liên tục từ 6h30 sáng đến 20h, bỏ cả ăn trưa. Có những lúc tôi muốn bỏ hết và về lại Việt Nam”, TS Huỳnh Ngọc Trinh chia sẻ.

Sau 3 năm miệt mài với thí nghiệm, kết quả công trình nghiên cứu cho thấy việc điều trị với các tiểu phân nano chứa ferrociphenol (FcdiOH), một hoạt chất mới được tổng hợp, giúp gia tăng thời gian sống của các chuột cống bị u não thực nghiệm và gần như làm biến mất các khối u não được cấy dưới da chuột.

“Các nghiên cứu này mở ra hy vọng điều trị cho những bệnh nhân ung thư não, giúp kéo dài thời gian sống và giảm gánh nặng về độc tính của các thuốc kháng ung thư”, TS Huỳnh Ngọc Trinh nói.

Kết quả này cũng chính là tiền đề tạo động lực và đam mê để TS Trinh tiếp tục theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư. Hiện tại, chị thực hiện đề tài nghiên cứu về ung thư da từ cao chiết lá tía tô.

Đây là đề tài do chị tự đề xuất và đã được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí thực hiện.

“Kết quả về tác động kháng ung thư da của lá tía tô có thể phát triển thêm một dược liệu quý trong dự phòng, điều trị bệnh ung thư da, góp phần giảm gánh nặng về sức khỏe cũng như về chi phí điều trị ung thư da tại Việt Nam”, TS Huỳnh Ngọc Trinh chia sẻ về tính ưu việt của đề tài nghiên cứu.

'Công việc chỉ là cành,gia đình mới là gốc'

Nói về những thành quả của mình, TS Trinh luôn cười hồn hậu và đầy khiêm nhường “không có gì để kể cả”. Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng cho phụ nữ vừa giảng dạy, làm nghiên cứu, vừa làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ trong gia đình.

“Vấn đề lớn nhất chính là thời gian. Lúc nào, tôi cũng phải đối mặt các deadline, nhiều lúc tôi chỉ ước ao một ngày dài hơn 24 tiếng để mình có thể làm được nhiều việc hơn”, nữ tiến sĩ tâm sự.

Dù đam mê với công việc nghiên cứu khoa học nhưng chị Trinh luôn tâm niệm: “Gia đình mới là gốc, công việc là cành. Gốc có tốt, cành mới phát triển và ra hoa, kết quả”. Để hoàn thành được công việc, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, chị luôn phải sắp xếp thời gian.

“Tất cả đều phải tranh thủ. Tranh thủ con ngủ để soạn bài, lên kế hoạch nghiên cứu. Tranh thủ ngày nghỉ để chở con đi chơi. Tôi lúc nào cũng phải cố gắng để cân bằng giữa công việc và gia đình.

Tôi luôn xác định, khi ở trường, mình là giảng viên, phải luôn có trách nhiệm trong từng bài giảng, từng nghiên cứu, công việc được giao. Nhưng khi ở nhà, mình là người mẹ, người vợ, phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, để con được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Đó cũng chính là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày”, TS Trinh chia sẻ.

TS Huỳnh Ngọc Trinh khiêm nhường nói: “Thành công của tôi ngày hôm nay một phần rất lớn là may mắn, có những cộng sự tốt, sự ủng hộ, động viên hết mình của gia đình".

Chị cho biết ông xã cũng hoạt động trong ngành dược nên rất hiểu, thông cảm và chia sẻ với vợ. Vợ chồng thường thống nhất lịch với nhau trước mỗi tuần.

Ngoài ra, lịch công tác ở tỉnh của mỗi người sẽ thành lịch công tác chung cho cả 2 vợ chồng để tránh đi cùng lúc, làm sao luôn phải có một người ở nhà chăm con vì cả 2 con đều bám bố mẹ.

TS Huỳnh Ngọc Trinh cùng cộng sự đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác dụng dược lý của cây đậu bắp theo hướng điều trị đái tháo đường và chứng tăng lipid huyết”.

Nhóm nghiên cứu đã khẳng định được tác động hạ glucose huyết và cholesterol/triglycerid huyết trên các con thú, từ tác dụng của quả và thân cây đậu bắp, trong đó thân cây đậu bắp có hiệu quả cao nhất.

Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt y học, giảm chi phí sản xuất mà giúp người nông dân có thêm thu nhập từ thân cây đậu bắp bỏ đi.


Theo Zing


Nữ tiến sĩ mang duyên nợ với ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.