Tâm sự cảm động của thầy giáo lấm lem bùn đất khi đến trường

Uớc mong lớn nhất của các thầy cô ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam là có con đường tốt hơn bây giờ để đến trường thuận tiện hơn...

Uớc mong lớn nhất của các thầy cô ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam là có con đường tốt hơn bây giờ để đến trường thuận tiện hơn...

Thầy Tơ Ngôn Việt, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở liên xã La Dê – Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vừa chia sẻ trên trang facebook những hình ảnh về một số thầy cô giáo lấm lem bùn đất trên đường đến một trường học, khiến nhiều người cảm động.

Sinh năm 1985, đến nay, thầy giáo Tơ Ngôn Việt đã dạy học được 7 năm. Công việc chính của thầy đang làm là Tổng phụ trách đội và quản lý nội trú, phối hợp cùng với giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh trong việc ăn ở, sinh hoạt…

thay giao quang nam lam lem bun dat khi den truong hinh 1
Con đường đến trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học liên xã La Ê- Chơ Chun đầy bùn đất sau khi trời mưa (ảnh: Facebook nhân vật)


 Trong số 5 xã biên giới của huyện Nam Giang thì 2 xã La Ê và Chơ Chun là những nơi có cuộc sống khó khăn nhất. Đường lên trường La Ê- Chơ Chun rất xấu nên để tới được trục đường chính, đoàn các thầy phải mất hơn 4 giờ đồng hồ chỉ để vượt qua 2km đường dốc lầy lội.

Có hôm vì đường trơn ướt, bùn nhiều, xe của các thầy cô giáo bị mắc kẹt giữa đường, phải xuống đường cùng nhau khênh xe qua chỗ lầy lội hay đợi những chiếc xe gắn xích quanh lốp của người dân qua kéo hộ.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng các thầy vẫn luôn yêu nghề, bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu. Tuy cuộc sống còn nghèo khó nhưng mỗi khi lên nương rẫy hái được ít rau xanh, khoai sắn, bà con đều nhờ học sinh mang đến cho các thầy cô...


Thầy giáo Tơ Ngôn Việt (ảnh: Facebook nhân vật)


Khó khăn nhưng xa học trò là các thầy lại thấy... nhớ

Nhà của thầy giáo Tơ Ngôn Việt ở thị trấn Thạnh Mỹ và cách trường 64km nhưng thầy vẫn tình nguyện lên vùng khó khăn để giảng dạy.

Vào những mùa mưa lũ, hệ thống điện bị cắt, nước sinh hoạt không có. Để không bị gián đoạn ngày học, các thầy cô vẫn phải thường xuyên mở rộng cửa cho ánh sáng chiếu vào lớp hay tiết kiệm từng thùng nước sạch để nấu cơm cho học trò.

thay giao quang nam lam lem bun dat khi den truong hinh 3
Nhiều chỗ sình lầy bùn, xe của các thầy cô giáo thường xuyên bị kẹt giữa đường như thế này (ảnh: Facebook nhân vật)


Thầy giáo Tơ Ngôn Việt chia sẻ: “Tâm lý của các thầy cô khi được phân công giảng dạy bao giờ cũng muốn được về công tác ở những nơi thuận lợi nhưng đối với các thầy cô đã có thâm niên “tắm bùn” khi hàng ngày đi qua những con đường trơn ướt, lầy lội để đến trường thì mọi chuyện vẫn ổn và họ coi đó như là một phần cuộc sống. Vì địa hình, đường xá đi lại khó khăn nên các thầy cô thường ở lại trường, cuối tuần mới về thăm gia đình 1 lần”.

thay giao quang nam lam lem bun dat khi den truong hinh 4
Những hôm trời mưa ướt, việc đến trường của các thầy cô giáo lại khó khăn gấp bội phần (ảnh: Facebook nhân vật)


Hầu hết học sinh của trường thầy Việt dạy đều là con em dân tộc thiểu số, gia đình đều thuộc diện hộ nghèo. Đối với những học sinh nghỉ học không có lý do thì giáo viên thường xuyên đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em tới lớp. Nhiều lúc học sinh đau ốm vào ban đêm đều có người túc trực ở trường để đưa các em ra trạm xá.

Có hôm, một học sinh trong lớp bị ốm, phải nằm quấn chăn co ro ở góc tường và luôn mong có mẹ ở gần. Mặc dù chưa quen với việc chăm sóc học sinh gái lớp 1 nhưng với lòng thương yêu học trò, thầy giáo đã lau nước mắt, dỗ dành em quên đi nỗi nhớ mẹ và thuyết phục em xuống nhà ăn cơm cùng.

Tuy nhiên, đến khoảng 23h đêm khi mọi người đã đi ngủ thì một số học sinh trong trong đội tự quản bất ngờ chạy lên báo với thầy là em gái lớp 1 tiếp tục sốt cao và khóc đòi mẹ. Không chần chừ, thầy Việt và các cô giáo khác đã nhanh chóng đưa em gái qua trung tâm trạm xá xã để theo dõi và điều trị.

Mùa Xuân đang về trên từng con phố, ngõ nhỏ ở miền đất xứ Quảng. Tết này, được nhà trường cho nghỉ dạy học 2 tuần để về thăm gia đình là niềm vui rất lớn đối với các thầy cô giáo.

Thầy Tơ Ngôn Việt mong ước sớm có được con đường đến trường đẹp hơn bây giờ để các giáo viên đi lại thuận tiện hơn.

Theo VOV


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.