Thủ khoa sư phạm đến từ Hòa Bình: “Em tự tin về điểm số của mình”

Với tổng điểm 27,75, Trần Phương Thảo (quê Hòa Bình) không chỉ trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018.

Với tổng điểm 27,75, Trần Phương Thảo (quê Hòa Bình) không chỉ trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018.


Trần Phương Thảo (quê Hòa Bình) không chỉ trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018. Ảnh: Thanh Hùng.

Nữ sinh đến từ Hòa Bình trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn, khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay với Ngữ văn 8,75, Lịch sử 9,25 và Địa lý 9,75 điểm.

Không chỉ vậy Thảo cũng là thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển cao nhất vào  Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay.

Phương Thảo vốn là cựu học sinh của lớp 12 Sử của Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình.

Thấy tôi tỏ vẻ bất ngờ thông tin nữ sinh lớp chuyên Sử mà lại đăng ký xét tuyển vào ngành Ngữ văn và trở thành thủ khoa luôn của ngành này, Thảo chia sẻ em học chuyên Sử nhưng có niềm đam mê lớn với môn Văn. Điểm những lần thi thử ở trường của em thì Văn luôn là môn đạt điểm số cao nhất.

“Lúc thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ thì em có suy nghĩ thi vào hoặc chuyên Văn hoặc chuyên Sử nhưng rồi em đã chọn chuyên Sử vì thời điểm đó lớp Sử mới được thành lập, em muốn thử sức xem sao”.

Theo Thảo, việc vào lớp chuyên Sử không ảnh hưởng đến việc học Văn của em và ngược lại. “Học lớp chuyên Sử nhưng môn Văn vẫn được đầu tư diện chất lượng cao nên áp lực và việc học 2 môn này ngang bằng nhau”.

Ảnh: Thanh Hùng.

Thảo chia sẻ học Sử nếu theo kiểu học thuộc lòng thì khá khó nhưng nếu nhớ kiến thức bằng việc nắm logic khi nhớ các mốc sự kiện lịch sử quan trọng thì sẽ nhớ được các sự kiện tiếp sau. Em thường ghi nhớ bằng việc đánh dấu lại các mốc sự kiện lịch sử quan trọng.

Còn với môn Văn, em cho rằng cần đọc nhiều truyện, nhiều sách và viết nhiều. “Mỗi  tối em dành rất nhiều thời gian để viết về một đề văn mà mình hứng thú. Em sẽ viết đến khi nào mà thấy bài văn thực sự mình ưng ý mới thôi. Cùng 1 đề nhưng viết nhiều lần, nhiều bản. Đến khi nào đọc lại mà thấy trôi chảy, không bị vấp thì em mới dừng lại”.

Lần nhiều nhất Thảo viết đến 7 bài văn cho cùng 1 đề. “Dịp đó là quãng thời gian trước ngày thi vào lớp 10 chuyên Sử khi Ngữ văn cũng là môn được yêu cầu thi chất lượng cao”.

Thảo kể, thời điểm ôn thi, nhiều đêm em thức muộn đến 3h sáng. “Thức như vậy, sáng dậy kể cũng mệt nhưng khi được bù lại những bài thi đạt điểm cao thì em cảm thấy công sức được đền đáp”.

Ảnh: Thanh Hùng.

Trong bối cảnh, ngành sư phạm không khiến nhiều người mặn mà, cũng có bạn hỏi rằng điểm cao như thế sao lại vào sư phạm, Thảo thừa nhận em cũng có những lo ngại về việc làm nhưng rồi vẫn quyết theo.

“Đơn giản từ nhỏ em đã mơ được trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng để có thể truyền đạt lại những kiến thức cho các thế hệ học trò”.

Cũng vì vậy những nguyện vọng còn lại của Thảo vào ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Văn hóa cũng là sư phạm.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những tháng ngày ở phổ thông, Thảo thành thật vì là dân khối C nên em rất sợ những môn tự nhiên, đặc biệt thời gian mới vào lớp 10.

“Em rất sợ môn Hóa, có thể nói là cực kỳ sợ môn học này. Có lần dù đã làm bài tập môn Hóa rồi nhưng em vẫn rất sợ. Lúc cô gọi lên để kiểm tra, em cảm thấy như mình bị sốt, người run lên. Cuối cùng cũng may mà em vẫn trả lời được và được 8 điểm, về chỗ thì mồ hôi nhễ nhại vì em rất sợ môn Hóa. Các bạn cũng biết em rất sợ môn Hóa nên mỗi khi em được gọi lên bảng kiểm tra là quay ra dọa”, Thảo cười.

Ảnh: Thanh Hùng.

Thảo chia sẻ khi trở thành thủ khoa và đến từ Hòa Bình, em cũng gặp phải những lời bàn tán và xì xào bởi địa phương dính líu đến những tiêu cực ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Điều đó thực sự khiến em rất buồn.

Ngày hôm nay, trong buổi lễ tuyên dương và khen thưởng 23 thủ khoa đầu vào các ngành, Thảo cũng là thí sinh duy nhất đến từ tỉnh Hòa Bình.

Thảo kể: “Lúc nghe em nói đến từ Hòa Bình, một số bạn cũng thốt lên “Cậu ở Hòa Bình á". Ngay ở những buổi đầu tiên nhập trường, học tuần công dân, lúc nghe các bạn ngồi phía sau bàn tán "Thủ khoa Hòa Bình", em cũng đã đến và nói thẳng trực tiếp với các bạn là điểm số đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết. Và em tự tin, tự hào về điều đó”.  

Thậm chí, cũng có những bạn học chuyên Văn của chính Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ bày tỏ sự nghi ngờ về điểm số của em, nhưng Thảo kể cũng đã thẳng thắn nói lên những điều này.

“Bản thân em tự tin rằng đó là điểm số thực của mình để có thể đứng nơi đây nhận phần thưởng thủ khoa của trường. Em cũng mong sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng”.

Thảo cho biết, em sẽ cố gắng nỗ lực học tập để mọi người thấy được năng lực thực sự của mình.

“Em đặt mục tiêu sẽ cố gắng đạt học lực giỏi ở tất cả các kỳ học. Bởi như vậy thì khi tốt nghiệp ra trường, phụ huynh sẽ có thêm niềm tin với mình là đủ khả năng dạy cho con em họ. Đó vừa là món quà dành tặng bố mẹ em vừa cũng chứng tỏ rằng Hòa Bình cũng có những người giỏi thực sự”.

Hiện, Phương Thảo đã đăng ký ở ký túc xá của nhà trường và em dự định sẽ chuẩn bị thêm kiến thức để đi gia sư trong thời gian tới song song với việc học tập trên trường.


Theo VietNamNet


sinh viên sư phạm

thủ khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.