Học viên “khóc ròng” vì bị trừ 25 triệu khi nộp đơn xin thôi học

Vào giữa năm 2015, theo sự giới thiệu của một người quen, Nhung có biết về chương trình hợp tác đào tạo và nâng cao tay nghề tại Đức ở Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội.

Theo trình bày của em Nguyễn Hồng Nhung (Quốc Oai, Hà Nội), vào giữa năm 2015, theo sự giới thiệu của một người quen, em có biết về chương trình hợp tác đào tạo và nâng cao tay nghề tại Đức ở Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội. Nhưng...

Khi tìm đến địa chỉ của Trường Cao đẳng nghề này (địa chỉ hiện nay ngõ Trần Vĩ – Từ Liêm – Hà Nội), Nhung được nhân viên của trường HIC tư vấn: “Em có thể học tiếng Đức từ 10 – 12 tháng với mức học phí là 2,5 triệu/tháng để lấy chứng chỉ. Sau đó khoảng tháng 3/2016 sẽ được làm visa để sang Đức tiếp tục học, làm việc và nâng cao tay nghề với mức lương 40 – 50 triệu/tháng”.

Em Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1994, Quốc Oai, Hà Nội)

Nhung cho biết thêm: “Khi được nghe tư vấn, em và gia đình cũng nhận thấy đây là cơ hội để học tập và làm việc với một mức lương tương đối cao. Vậy là em đã nhanh chóng làm hồ sơ nhập học với giá 2 triệu/bộ. Tới 15/7/2015 thì em bắt đầu đi học".

“Cực chẳng đã” đành nộp đơn thôi học

Đến khoảng 4-5/2016, Nhung được những anh chị khóa trước nói là học thì cứ học chứ khả năng được sang Đức “dường như không có”. Ngay cả khóa học của anh chị ấy tới thời điểm này cũng chỉ có vài người được sang Đức.

"Nhất là khi, vào tháng 11/2015 chúng em đã đóng 69 triệu tiền thu phí xuất cảnh đợt 1 (tiền này không liên quan tới khoản học phí 2.500.000đ + 100.000đ phụ phí hàng tháng) mà không hề có cam kết giữa hai bên. Vì thế, nên chúng em rất lo lắng.

Phiếu thu tiền xuất cảnh đợt 1 là 69 triệu của 1 học viên

Sau quá trình tìm hiểu, em và một số bạn trong lớp quyết định viết đơn xin tạm ngừng chương trình đào tạo vì biết cơ hội đi Đức “không có”. Đến nay, chúng em vẫn không hiểu vì sao phải nộp khoản tiền phí xuất cảnh trong khi chưa biết mình có đạt được các chứng chỉ học tiếng Đức hoặc có hợp đồng bên Đức hay không”.

Sau khi viết đơn xin rút khỏi chương trình đào tạo để đi Đức, một số học viên chờ để lấy lại khoản tiền đã nộp xuất cảnh đợt 1. Tuy nhiên, các học viên này nhận được câu trả lời sẽ bị trừ 25 triệu tiền phí xuất cảnh đợt 1 theo như cam kết trước đó học viên đã ký với Nhà trường. Khi học viên yêu cầu bà Nguyễn Thị Huyền – Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội - giải thích rõ các khoản cụ thể trong số 25 triệu đồng bị trừ thì bà Huyền lại không nói rõ.

Trong quá trình học, ngoài 2,5 triệu/ tháng tiền học phí chúng em còn phải đóng 100.000/tháng tiền phụ phí bao gồm cả tiền nước uống nhưng trên thực tế nhiều hôm đi học khát khô cổ nhưng không có giọt nước nào”.

Cũng như trường hợp của em Nhung, nhiều trường hợp khác mà phóng viên gặp như học viên Nguyễn Thành Đạt (SN 1993 - Đông Anh, Hà Nội), Bùi Phương Thảo (SN 1993- Đan Phượng, Hà Nội), Mạc Quốc Phóng (SN 1993 – Chí Linh, Hải Dương), Đinh Quốc Khánh (SN 1993- TP Nam Định) đến nay đều viết đơn xin rút khỏi chương trình đào tạo này.

Lý giải từ phía Nhà trường

Liên quan đến vấn đề hàng loạt học viên viết đơn xin thôi học, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội.

Ông Thanh cho biết: “Theo hợp đồng giữa trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội với Hiệp hội khuyến khích đào tạo nghề bang Sắc-Xông của CHLB Đức (BFV) thì bên BFV sẽ tuyển các học viên theo các ngành và điều kiện của các học viên tham gia chương trình này là có bằng trung cấp trở lên với những ngành nghề tương ứng. Sau đó, các học viên sẽ học tiếng Đức tại trường và giảng viên tiếng Đức là nhà trường mời từ Đại học Hà Nội.

Say khi đạt chứng chỉ tiếng Đức cũng như các thủ tục xin visa theo chương trình Nhà trường hợp tác với BFV thì học viên sẽ học nghề từ 2 – 3 năm, học xong sẽ đi làm việc với các doanh nghiệp tại Đức. Trước khi học viên sang Đức chúng tôi cũng đã có hợp đồng với phía Đức để đảm bảo khi học viên sang có thể làm việc với phía Đức.

Hiện nay, khóa 1 và khóa 2 đã có hơn 40 học viên của Nhà trường sang Đức học và được đánh giá khá cao. Trước khi học viên đăng ký học chúng tôi cũng đã tư vấn về các điều kiện có liên quan và có cam kết giữa Nhà trường và học viên”.

Khi phóng viên thắc mắc về khoản phí 25 triệu đồng mà học viên phải chịu khi nộp đơn rút khỏi chương trình đào tạo thì ông Thanh cho biết: “Để có thể xin được hợp đồng với các doanh nghiệp Đức thì phía BFV phải bỏ ra chi phí. Vì vậy phía BFV đã ra điều kiện để có hợp đồng phải bỏ ra số tiền tương ứng là 25 triệu và chúng tôi đã giải thích rõ điều đó với các học viên. Vì thế, học viên phải làm cam kết trong quá trình học ở đây để có thể xin được hợp đồng phải chấp nhận khoản tiền đó. Khi có hợp đồng mà học viên lại xin rút khỏi chương trình đào tạo thì phải tuân theo đúng các điều khoản trong hợp đồng”.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu Nhà trường đưa ra hợp đồng từ phía Đức với các học viên viết đơn xin rút khỏi chương trình đào tạo để chứng tỏ họ bị trừ 25 triệu là đúng thì Nhà trường chỉ đưa ra hợp đồng có chữ ký của 1 bên mà không hề có con dấu và Nhà trường hứa sẽ cung cấp hợp đồng khác sau.

Với những thông tin mập mờ, khó hiểu của HIC chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tiếp cho bạn đọc.

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.