Vụ học sinh lớp 4 bị bạn chọc hỏng mắt: Nỗi lòng đớn đau của người mẹ trẻ

Do cuộc sống khốn khó và trải qua cuộc hôn nhân không được may mắn, người mẹ đơn thân đã phải gửi con gái ở nhà, nhờ bà ngoại chăm sóc để tìm cuộc sống mưu sinh.

Do cuộc sống khốn khó và trải qua cuộc hôn nhân không được may mắn, người mẹ đơn thân đã phải gửi con gái ở nhà, nhờ bà ngoại chăm sóc để tìm cuộc sống mưu sinh. Tuy nhiên, giờ đây đứa con gái bé bỏng không may gặp tai nạn và trước khả năng mắt trái vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng, chị càng đau đớn, xót xa...
 
Chị Cẩm N xót xa khi nhìn thấy con gái không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng. Ảnh: Lê Phương
Chị Cẩm N xót xa khi nhìn thấy con gái không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng. Ảnh: Lê Phương

“Giá như cô ấy đừng giấu chúng tôi…”

Mấy ngày nay, tin học sinh Lê Hà Yến N (lớp 4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) bị bạn học cùng lớp dùng bút chọc vào mắt dẫn đến thủng nhãn cầu, thủng giác mạc khiến dư luận quan tâm. Cho đến lúc này, mắt trái của cháu N đã được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương kết luận là không thể chữa khỏi, khiến gia đình cháu bé và cô L cùng nhà trường càng đau xót.

Trong buổi làm việc với PV Báo GĐ&XH, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường nghẹn ngào và thương cảm trước sự việc xảy ra cho học sinh của mình, đồng thời trách cô L (giáo viên chủ nhiệm) thiếu kỹ năng sư phạm. Đặc biệt, lúc biết sự việc, cô L đã không thông báo cho Ban Giám hiệu nhà trường để có hướng xử lý. “Hôm xảy ra sự việc, cả Ban Giám hiệu và nhà trường không ai biết. Đến khoảng 14h chiều 21/12 thì mọi người mới phát hiện ra sự việc. Sau đó, được lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả trực tiếp chỉ đạo, chúng tôi đã liên lạc với gia đình và lên bệnh viện hỏi thăm cháu N ngay trong đêm. Nếu như cô L không giấu chúng tôi thì sự việc đâu ra nông nỗi này”, bà Dung cho biết.

Theo tường trình của cô L, vào tiết học thứ ba chiều 16/12, cô giáo Bùi Thị Thanh L (chủ nhiệm lớp) trực tiếp giảng dạy lớp học sinh Lê Hà Yến N. Trong giờ học, học sinh Nguyễn Thế L (ngồi phía sau) đã cầm bút bi ném lên phía trên, đúng lúc học sinh N quay xuống và không may bị bút trúng vào mắt. Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo L có hỏi thăm học sinh N và nhắc nhở, phê bình học sinh L trước cả lớp. Tuy nhiên, do học sinh N không có biểu hiện gì nên cô L tiếp tục dạy học và đến tiết học sau, N vẫn học bình thường.

Thấy mắt trái có biểu hiện đỏ và đau, đến ngày 19/12, N được gia đình cho nghỉ học và đưa tới bệnh viện khám. Cô L đã gọi điện hỏi thăm và biết mắt của học sinh N bị tổn thương. Sau đó, cô L thông báo sự việc cho gia đình học sinh L. Nhưng do sợ nên cô đã không thông tin cho nhà trường và đến khi sự việc lan tràn trên mạng xã hội thì mọi người mới biết.

Nắm được thông tin sự việc, ngày 22/12, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND TP Cẩm Phả kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến vụ tai nạn thương tích của học sinh Lê Hà Yến N; chỉ đạo Phòng GD&ĐT và nhà trường phối hợp, hỗ trợ gia đình, chăm sóc cho học sinh ổn định sức khỏe, học tập bình thường, đồng thời, kiểm tra, làm rõ thông tin liên quan đến học sinh và thông báo công khai cho phụ huynh, giáo viên nhà trường trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nguy cơ hỏng mắt trái

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, nơi cháu N theo học. Ảnh: Đức Tùy
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, nơi cháu N theo học. Ảnh: Đức Tùy

Hiện nay, cháu N đã được xuất viện về nhà tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy vết thương của con gái, chị Nguyễn Thị Cẩm N (SN 1985, mẹ cháu N) không cầm được nước mắt. Cứ nghĩ đến mắt con mình không nhìn được khi cháu còn quá nhỏ, chị lại khóc. “Tôi chẳng trách được các bạn của cháu khi ném bút vào mắt con mình, vì chúng đều là trẻ thơ. Nhưng giá như ngay sau khi xảy ra sự việc, con tôi được đưa đến cơ sở y tế thăm khám sớm thì bây giờ cháu đã không bị tổn thương như thế này. Mắt con tôi đã được phẫu thuật, nhưng khả năng hồi phục thị lực là không thể, vì cháu được đưa đến viện quá muộn, khi đã bị viêm nhiễm và có mủ bên trong”, chị Cẩm N nghẹn ngào.

Theo lời kể của chị Cẩm N, ngày thứ Bảy (17/12), chị nhận được điện thoại của mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị H (SN 1957) thông báo con mình bị sốt, mắt trái có hiện tượng đỏ và đau. Tuy nhiên, hôm đó là ngày nghỉ, trong khi nhà ở xa bệnh viện, cho nên đến sáng thứ Hai, bà H mới đưa cháu N đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Do vết thương nặng, cháu N được chuyển lên Bệnh viện Mắt Trung ương và được kết luận, mắt trái bị vỡ nát thủy tinh thể, thủng nhãn cầu, viêm nội nhãn, không có khả năng nhìn thấy và cứu chữa.

Hướng ánh mắt về phía con gái, chị Cẩm N tâm sự, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng chị sinh được cháu N. Ở được với nhau vài năm, do không hợp nên vợ chồng chị đã ly hôn. Lúc này, chị đưa cháu N về nhà mẹ đẻ nương tựa. Cuộc sống khó khăn, cách đây không lâu, chị gửi con ở nhà nhờ mẹ đẻ chăm sóc, còn chị lên Hà Nội làm thuê cho gia đình người thân. “Lúc biết mắt con gái tôi không thể cứu chữa, tôi chết lặng. Khi biết bệnh tình của cháu, gia đình đã nhờ người liên lạc với các bác sĩ Singapore để tìm phương án cứu chữa. Tuy nhiên, nếu muốn đưa đi sang đó làm phẫu thuật thì rất tốn kém, trong khi hoàn cảnh gia đình tôi chỉ có hai mẹ con và không có kinh phí”, mẹ cháu bé nghẹn ngào.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thúy Bình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả cho biết: “Khi nắm được sự việc, ngoài thăm hỏi, động viên gia đình cùng cháu N, chúng tôi đã họp với Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để phân tích sự việc và yêu cầu cô L viết bản tường trình, bản kiểm điểm, đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của giáo viên trong ngành. Đặc biệt, chúng tôi đã họp với Hiệu trưởng các trường về trường hợp này để có hướng hỗ trợ cháu N có thêm kinh phí chữa bệnh”.

Theo Gia đình và Xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.