Bị chị chồng ‘đục khoét'

Chị chồng vay Thùy 10 triệu, khi trả chỉ đưa 6 triệu vì: ‘Còn thiếu một ít, coi như cậu mợ cho cháu Bi mua sữa’. Rồi không cần biết Thùy có đồng ý hay không, chị thoăn thoắt phóng xe đi.


Chị chồng vay Thùy 10 triệu, khi trả chỉ đưa 6 triệu vì: ‘Còn thiếu một ít, coi như cậu mợ cho cháu Bi mua sữa’. Rồi không cần biết Thùy có đồng ý hay không, chị thoăn thoắt phóng xe đi.

“Lúc nào cũng thế, mượn gì thì bảo ‘Thôi cho chị, sắm cái mới đi’. Còn vay tiền thì chẳng khi nào chị ấy trả đủ. Nghĩ mà stress” – Thùy bộc bạch.

So với vợ chồng anh chị, vợ chồng Thùy khá giả hơn. Ban đầu, cho chị mượn cái sấy tóc, quạt sưởi hay cục sạc điện thoại, Thùy còn nhiệt tình bảo: “Bác cứ cầm lấy mà dùng”. Sau đó, Thùy hăm hở đi mua sắm những thứ mới, thậm chí còn hào phóng mua tặng anh chị chồng cái quạt sưởi, cái máy sấy tóc mới bởi: “Mấy cái kia cũ lắm rồi. Sợ bị hỏng, điện giật thì nguy hiểm”. Chị chồng vui vẻ cảm ơn, Thùy cũng thấy vui. Thùy nghĩ đơn giản dù sao cũng là anh chị em, ai tính toán mấy chuyện lặt vặt này làm gì cho mệt.

Tuy nhiên, tuần nào cũng thấy trong nhà thiếu một vài vật dụng do bà chị chồng sang chơi thích thì cầm về. Hoặc do mẹ chồng Thùy đem sang nhà con gái (cách khoảng 2km) thì Thùy không khỏi bực bội.

“Đến cái dây buộc tóc, cái ví tiền… mình tìm mãi không thấy mới hỏi thì bố mẹ chồng bảo chắc chị mượn rồi. Mượn kiểu này tức là một đi không trở lại” – Thùy kể.

Chị chồng Thùy còn rất hay đem con nhỏ vào phòng riêng của vợ chồng Thùy ngủ, lục lọi tủ quần áo và đồ đạc cá nhân của em dâu. Ức chế quá, Thùy liền khóa tủ lại trước khi đi làm thì bị cả nhà chồng trách. Chị chồng dỗi, hai tuần liền không sang chơi làm Thùy phải sang rồi mua quà cáp “giải thích” lấy lòng. Sau đó, Thùy bị chồng cấm khóa tủ, khóa cửa phòng.

Để nàng dâu giảm thiểu ấm ức

Một số nàng dâu có điều kiện bị chị chồng nhờ vả, vay mượn không sòng phẳng nên sinh ức chế. Đó là tâm lý tất nhiên cho dù không phải lúc nào nhờ vả, vay mượn cũng đáng bị trách và gây khó chịu. Bởi đã là họ hàng, anh em thì người trong cuộc (dù là dâu, rể) cũng cần biết nương tựa, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Nếu cảm thấy nhờ vả đang chuyển sang bị “lợi dụng” thì vợ chồng cần bàn bạc thống nhất với nhau để tìm cách thoái thác mà không làm mất lòng anh chị em hay họ hàng.

Tuy vậy cái khó của nàng dâu là người nhà chồng thường coi chuyện này là bình thường, thậm chí không để ý tới những khó chịu của nàng dâu. Nếu con dâu cằn nhằn nhiều hoặc tỏ ý cương quyết không cho chị chồng vay (mượn) thì dễ bị nhà chồng để bụng, ngay cả bản thân người chồng cũng nghĩ vợ mình ích kỷ, tính toán với nhà chồng. Từ đó dẫn tới mâu thuẫn, rạn nứt.

Tốt nhất ngay từ đầu, người trong cuộc có thể chia sẻ những khó khăn của bản thân để anh chị em không nghĩ mình là “mỏ vàng”. Thứ hai, cần xác định chuyện nào có thể giúp được, việc nào nên từ chối khéo.

Theo Mevabe


Bình luận