Hủy hôn trước "giờ G"

Có một vấn đề tạm gọi là “khủng hoảng trước ngày cưới”: bất đồng, lo lắng, cha mẹ phản đối, xuất hiện kẻ thứ ba… Vậy thì, cưới hay không cưới khi giờ G đã định?

Lý do “trời ơi”

Một số nhà hàng tiệc cưới đắt khách trong thành phố cho biết tiệc cưới được đặt suốt năm, chỉ có tháng bảy âm lịch là hơi vắng. Cao điểm mùa cưới bắt đầu từ tháng tám âm lịch cho đến cuối năm. Hiện nay đã có khách đặt tiệc cho năm sau.

Ảnh minh họa

Đặt tiệc nhiều, nhưng hủy tiệc cũng không ít. Huỳnh Thị Thu Nguyệt, bộ phận nhận tiệc, nhà hàng Phong Lan (quận 11) cho biết, có nhiều cặp đặt nhà hàng trước cả năm nhưng sắp đến ngày cưới thì hủy tiệc. Có nhiều lý do để khách hàng hủy tiệc như người thân mất, cô dâu (chú rể) ở xa không về kịp, cha mẹ hai bên mâu thuẫn… Có cặp lén cha mẹ đi đặt tiệc kết hôn, bị phát hiện đành phải hủy tiệc.

Lý do cặp đôi Nghĩa – Thư ở quận 3 hủy cưới lại từ… cái thiệp cưới. Thư muốn thiệp cưới in hình cô dâu chú rể để mọi người làm kỷ niệm. Nghĩa cho rằng sử dụng thiệp của nhà hàng cũng đẹp rồi, xong đám cưới mọi người cũng vứt thiệp đi, lại tốn thêm một khoản tiền. Ai cũng có lý của người đó. Chỉ vì một bất đồng nhỏ xíu, cuối cùng họ chia tay nhau, mất luôn mười triệu tiền đặt cọc nhà hàng.

Cũng có lý do oái oăm khiến đám cưới không diễn ra như mong đợi như trường hợp của Thuận – Lan ở Phú Nhuận. Chỉ trước đám cưới vài ngày, Thuận được em gái thổ lộ là đã yêu… chị dâu tương lai. Thế là hủy cưới!

Một số người lại có cảm giác bất an trước ngày cưới. Phương Hoa ở Bình Thạnh tâm sự: “Mình đã lo mọi thứ đâu vào đấy. Vậy mà gần đến ngày cưới lại cảm thấy chán, chẳng muốn cưới xin gì nữa. Nhưng biết làm sao bây giờ? Lỡ đặt nhà hàng, phát thiệp hết rồi nên phải phóng theo lao thôi!”

Cưới hay không cưới?

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn, trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, nếu hai người đã có những bất đồng sâu sắc thì nên làm một cuộc cách mạng nghĩa là không nên cưới. Nếu vì những lý do nào đó mà miễn cưỡng cưới thì hôn nhân sẽ là một bi kịch.

Trường hợp Nghĩa – Thư chia tay là không đáng. Ai cũng giữ cái tôi của mình. Cũng có thể chuyện thiệp cưới cũng là một lý do làm “tràn ly nước” vì những bất đồng trước đó. Nếu có người thứ ba đứng ra can thiệp, hòa giải kịp lúc thì có lẽ sẽ cứu vãn được mối lương duyên này.

Còn Thuận thì vì danh dự, muốn bảo vệ em gái mà không nghĩ gì đến người vợ sắp cưới. Hậu quả việc xử lý bồng bột của Thuận là Lan bị tổn thương vì bị hủy hôn. Cách tốt nhất trong trường hợp này là Thuận nên bàn bạc với vợ hoặc hỏi ý kiến của người khác để giúp đỡ em gái.

Chuyên gia tâm lý cho rằng lo lắng, bất an thậm chí bị stress trước ngày cưới thường xảy đến với các cô gái nhiều hơn. Tâm lý chưa sẵn sàng trong hôn nhân, cảm thấy sợ, bối rối, không biết làm cách nào khi ngày cưới đến gần. Một số sẽ trốn tránh bằng cách hủy hôn, một số thì tới đâu thì tới. Phương Hoa tiếc nuối: “Cưới nhau xong, mình chẳng muốn nhìn mặt chồng. Hiện tại chúng mình đang ly thân. Nếu lúc đó mình quyết định dứt khoát thì đâu đến nỗi”.

Lời khuyên của chuyên gia là trước khi cưới, các bạn trẻ nên trang bị cho mình một kiến thức đầy đủ về hôn nhân, gia đình. Có thể đọc sách báo hoặc tham dự những lớp học tiền hôn nhân.

Theo M.Cúc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.