Loanh quanh chuyện ở cữ

Vì có nhà riêng trên Hà Nội nên Nhâm muốn tìm người giúp việc cùng chăm con sau khi sinh. Nhưng anh xã cứ muốn "đẩy" vợ con về ông bà nội dưới quê. Còn ông bà ngoại (khác quận, chung thành phố) cũng nhất quyết đòi chăm cháu ngoại.

Cho đến khi lên bàn đẻ, Nhâm vẫn chưa biết sau đó, hai mẹ con sẽ về đâu để không gây bất hòa.

“Định về quê chồng cho ông bà nội ‘ngó’ mặt cháu 1-2 tháng. Sau đó là ở nhà mình. Tìm người giúp việc rồi bắt chồng phải có trách nhiệm chăm con cùng. Chứ cứ để chồng một nơi, vợ một nẻo thì ông ấy dễ sinh hư lắm” – Nhâm chia sẻ.

Ý định của Nhâm lại khiến ông bà ngoại buồn. Vì mong ngóng cháu ngoại đầu lòng nên từ khi mang bầu, Nhâm đã nghe bố mẹ đẻ bàn bạc chuyện dọn phòng để hai mẹ con cô về ở cữ. Ông bà muốn để cháu ngoại trên thành phố (vì điều kiện vệ sinh, y tế tốt) cho cứng cáp, rồi mới về quê nội. Nhưng chồng Nhâm không đồng ý, còn bảo: “Nếu về nhà ngoại thì hai mẹ con tự về, chứ anh nhất định không ở cùng”.

Cũng căng thẳng với chồng, Thanh (Ba Đình, Hà Nội) muốn ở cữ bên ngoại nhưng anh xã lại không thích. Vợ chồng Thanh có nhà riêng ở Hà Nội, nhưng quê ngoại ở Hải Phòng trong khi quê nội ở Nghệ An.

“Bố mẹ chồng tốt tính nhưng hay bị ‘ép’ ăn món nọ, món kia lắm nên sợ. Chưa gì, nghe mẹ chồng kể chuyện kiêng cữ đã sởn cả gai ốc” – Thanh cho biết.

Mất bao nhiêu công thuyết phục chồng và nhà chồng để ở cữ bên ngoại mà không thành công. Ban đầu, bố mẹ chồng có ý muốn đưa con dâu về quê nội sinh nở nhưng chồng Thanh phản đối. Quê nội khá hẻo lánh, xa bệnh viện nên chuyện sinh nở sợ không được an toàn. Thanh định cứ sinh con xong, ở nhà mình rồi đón bà nội (bà ngoại) lên chăm cháu.

Cùng tâm trạng lo lắng, Nhung (quận 2, TP HCM) là người ngoài Bắc nhưng kết hôn và làm việc trong miền Nam. Nhung cho biết, mong ngóng mãi mới đến lúc sinh con để ở gần mẹ đẻ nhưng xin mãi mà chồng không cho.

“Nghĩ cảnh phải nhờ vả mẹ chồng chuyện cơm nước, giặt giũ cho hai mẹ con thì cũng ngại lắm. Bình thường, mẹ chồng đã hơi khó tính rồi. Còn mẹ đẻ thì bảo sẽ vào thăm cháu vài ngày, chứ không lẽ ở nhà thông gia cả tháng” – Nhung chia sẻ. Khoảng 1 tháng nữa là đến ngày sinh nên lúc này, Nhung đang tranh thủ “năn nỉ” chồng để được ở cữ nhà ngoại.

Lên kế hoạch trước để tránh căng thẳng

Phần lớn phụ nữ sau sinh đều muốn ở cữ bên ngoại nhưng không phải lúc nào cũng được toại nguyện. Tâm lý chung của không ít người chồng là muốn ở nhà mình, đưa vợ con về quê nội. Điều này có thể khiến người vợ lo lắng, hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến quá trình mang thai và sinh con.

Trước khi sinh, vợ chồng nên thống nhất dứt khoát chuyện ở cữ. Cần trao đổi xem ở cữ bên nội, bên ngoại hay ở nhà mình (đón bà nội, bà ngoại lên chăm cháu); khoảng thời gian ở cữ là bao nhiêu; có cần tìm thuê người giúp việc hay không… Tránh tâm lý bị rối vì vợ muốn về bên ngoại, còn chồng muốn vợ, con ở bên nội.

Người vợ cũng tùy hoàn cảnh để quyết định địa điểm và thời gian ở cữ. Tránh tâm lý “ác cảm” với nhà chồng và “khao khát” được ở bên ngoại. Có thể ở cữ bên nội một thời gian; sau đó, hỏi ý kiến chồng (bố mẹ chồng) để ở cữ bên ngoại một thời gian nữa… Hoặc có thể ở cữ nhà ngoại trước rồi mới về bên nội. Nếu vợ chồng quyết định thế nào thì cũng nên tham khảo ý kiến hai bên nội, ngoại để không khiến các cụ buồn bực.

Theo Ngọc Bình



Tại thư ký trẻ 'giăng câu' nên giám đốc già tán gia, bại sản?
Cho đến một ngày sau khi nắm giữ quyền lãnh đạo công ty được 3 năm, thì cả nhà tôi chết lặng nghe chồng tôi xin mấy mẹ con tôi ký giấy để anh bán nhà trả nợ cho công ty. Vì thời gian qua anh đã lạm dụng tín nhiệm, rút tiền tỷ ra bao cho cô thư ký trẻ là người tình của anh mua nhà, mua xe, sắm thời trang hàng hiệu và cùng nhau đi du lịch ở nhiều nơi trên thế giới.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.