Món quà Tết “khủng” của … ông nội “cổ hủ”

Khách bước vào nhà luôn thắc mắc tại sao chúng tôi lại treo trong phòng khách một chiếc bao cao su, mà lại ở chính nơi trang trọng nhất.

Khách bước vào nhà luôn thắc mắc tại sao chúng tôi lại treo trong phòng khách một chiếc bao cao su, mà lại ở chính nơi trang trọng nhất.

Vợ tôi chỉ cười tủm tỉm, nói rằng đó là kỉ vật và cũng là thứ đã “tác hợp” để chúng tôi đến với nhau. Chiếc bao cao su đó đã nhắc nhủ chúng tôi nhiều điều về cuộc sống.

Ông nội nhà binh

Mùa xuân năm đó, mẹ nói rằng gia đình tôi sẽ có một kỳ nghỉ lễ đặc biệt, và chúng tôi sẽ trở về Việt Nam thăm họ hàng, ông bà nội ngoại, những người mà từ khi sinh ra tới giờ, tôi chỉ biết tới qua những cuộc điện thoại, những tấm ảnh và những câu chuyện kể “xưa như cổ tích” của bố và mẹ. Tôi rất háo hức. Phải nói với các bạn rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và tôi luôn nghĩ rằng đất nước này thật sự phù hợp với giới trẻ, nơi mà những điều tưởng chừng như hoang đường nhất cũng có khả năng trở thành sự thật. Đã 17 năm, đây là lần đầu tiên tôi trở về “quê hương”, đoàn tụ với những người thân tôi chưa từng được gặp.

Ảnh minh hoạ

Khoảng 1 tuần lễ trước khi lên máy bay về Việt Nam, mẹ đã liên tục “giáo huấn” tôi, một thằng con trai đã sớm quen với lối sống tự do, vô kỉ luật, phóng khoáng và chưa bao giờ phục tùng bất cứ một luật lệ nào mà mẹ đưa ra. Mẹ đã kể rất nhiều về gia đình nội, nơi chúng tôi sẽ ở trong suốt kỳ nghỉ lại Việt Nam. Theo lời kể của mẹ, gia đình nội hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi giống như một trại huấn luyện quân nhân, nơi mọi việc đều răm rắp theo một lịch trình định sẵn, không có bất kể một xáo trộn hay bất ngờ nào xảy ra, tôi trộm nghĩ, như vậy thật khô khan và nhàm chán. Trong nỗ lực “sống sót” qua sự nhàm chán chết người ấy, tôi đã nài Jane – cô bạn gái cùng lớp với tôi đi cùng. Với Jane, đó là một chuyến du lịch, còn với tôi, đó là một chuyến hành hương kiêm … hành xác.

Hành trình bay dằng dặc là cả một cực hình đối với tôi. Bước xuống máy bay, tôi uể oải dưa mắt nhìn xung quanh, và chẳng khó để nhận ra “họ hàng” đang đón chào mình. Bố mẹ đều khóc nức nở vì cuộc hội ngộ đầy cảm động sau nhiều năm xa cách, nhưng cô, chú, bác vẫn rất nghiêm trang, chỉ thiếu mỗi nước đưa tay ra bắt cho đủ phép xã giao. Jane rất vui và có vẻ thích thú vì cuộc gặp gỡ, cho dù cô ấy chẳng hề biết chúng tôi nói với nhau những gì vì bất đồng ngôn ngữ.

Nhà nội tôi nằm trên một con phố yên tĩnh có tên gọi là Lý Nam Đế, mẹ tôi nói con phố ấy được biết đến với cái tên “phố nhà binh”. Trong nhà, mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ đến phát sợ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thích nghi với lối sống ấy và thầm cảm ơn bố mẹ đã mang theo tôi sang trời Tây. Ông nội đã ngoài 70 nhưng vẫn rắn rỏi và nhanh nhẹn, chỉ có điều ông không hề thân thiện chút nào.

Gặp lại con trai, tức bố tôi, sau 20 năm xa cách, ông chỉ khẽ cười và vỗ vai bố, như thể hai người đồng chí trong cuộc họp Đảng bộ. Đến lượt tôi, ông nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi lại từ chân lên đầu với đôi mắt nheo nheo, cái miệng hơi trễ và với thái độ chăm chú như thể người ta quét ra-đa tìm vật thể lạ. Cái nhìn của ông khiến tôi bất giác rùng mình, nó như thể một cái nhìn để cân đo, đong đếm địch thủ. Sau khi đã khiến tôi “hóa đá”, ông nội chỉ cười gượng, vỗ vai: “Khỏe chứ hả?”. Nhìn bản mặt xanh lét, tái mét của tôi, Jane cười như nắc nẻ, cô tỏ vẻ thích  thú không hề giấu giếm, điều ấy làm tôi cùng cực xấu hổ.

Ông nội tôi vốn là một quân nhân, đồng thời cũng là một nhà giáo, và trên hết, với tôi, ông là biểu tượng của những gì còn sót lại của một lối sống cũ, nề nếp cũ. Có những hôm, tôi đã nói với Jane, ông nội giống như cổ vật trưng bày trong bảo tàng lịch sử, phủ dày một lớp bụi thời gian, cau có và tuyệt nhiên chẳng có gì thú vị. Cô cười phá lên và cho rằng đó là câu đùa vui nhất của tôi, nhưng cô không biết rằng tôi chẳng hề có ý đùa giỡn chút nào. Cứ nhìn cái cách ông đã “đào tạo” bố, các chú và các bác tôi thì biết. Mọi người vẫn nói rằng bố tôi “giống y sì đúc” ông nội. Không chỉ ở vẻ bề ngoài, mà tôi còn phát hiện ra, họ giống nhau ở tính cổ hủ, bảo thủ, nghiêm khắc và lạnh lùng.

Trong suốt chuyến đi, tôi phải cảm phục quyết định sáng suốt của mình vì đã rủ Jane theo cùng, bởi nếu không có cô ấy, tôi chắc đã không thể chịu nổi dù chỉ 1 ngày trong cuộc sống bí bách, bức bối này. Nhưng Jane bỗng nhiên trở thành một vấn đề rất lớn và rất tế nhị. Jane là người Mỹ chính tông, và tất nhiên, cũng như bao thanh niên Mỹ khác, cô có phong cách sống rất hiện đại, phóng khoáng. Tôi và Jane thích nhau, điều đó là hoàn toàn bình thường ở Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, cụ thể là ở gia đình nội, đó là một chuyện hoàn toàn bất thường và không thể hiểu nổi.

Trong con mắt mọi người, tôi vẫn là một thằng nhóc “vắt mũi chưa sạch” và một thằng nhóc dẫn theo một con nhóc rồi cố tỏ ra mình là người lớn là một chuyện khó có thể chấp nhận được trong một gia đình gia giáo. Các cô, các bác, các chú xúm lại soi mói, rồi dặn dò, rồi răn đe … Chỉ riêng ông nội là không nói gì. Ông rất kiệm lời nhưng rất hay dò xét và theo dõi từng hoạt động của chúng tôi. Thật chẳng thoải mái gì khi phải sống dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của một giám sát viên đầy kinh nghiệm như ông nội.

Về chuyện này, mẹ rất chia sẻ với tôi. Mẹ kể rằng hồi yêu bố, dù hai người rất trong sáng và xứng đôi vừa lứa, nhưng lúc nào mẹ cũng sợ sệt và lén lút như thể đó là mối tình vụng trộm và ngang trái nhất trên đời. Có lần đến nhà chơi, mẹ đã sợ ông đến mức thay vì “Cháu chào bác” thì mẹ lại dõng dạc: “Cháu chào ông”, rồi khi nhận ra sai lầm “chết người” ấy, mẹ đã luống cuống đến nỗi hai chân quấn vào nhau, bước hụt cầu thang, ngãn lăn lông lốc giữa sân, đề vỡ hết cả một âu trứng gà đang chuẩn bị ấp nở của ông. Sau câu chuyện cười ra nước mắt ấy, mẹ không quên khẳng định hùng hồn rằng, ông rất tốt tính và nhân hậu, nhưng kỳ thực lúc ấy, tôi chẳng tin lắm vào lời khẳng định của mẹ.

Chiếc bao cao su … kỉ vật

Thế rồi giao thừa tết dương lịch cũng đã tới. Ngay buổi chiều hôm ấy, Jane đã thì thầm rằng, cô rất muốn cùng tôi “qua đêm” ngoài phố, cô cũng hứa hẹn rằng sẽ dành tặng tôi một món quà đặt biệt với điệu cười bí hiểm. Món quà ấy của Jane làm tôi háo hức, hồi hộp và thời gian chưa bao giờ trôi đi một cách chậm chạp, lề mề đến thế, tôi chỉ mong sao mau đến giao thừa, để được ở cùng cô bạn gái. Tôi đoán già đoán non và tốn bao công sức để tưởng tượng ra cái thứ tình tứ hạnh phúc ấy, bọn bạn ở Mỹ của tôi đã kháo nhau rất nhiều về chuyện này và chúng thậm chí còn tỏ ra rất “kinh nghiệm”, thi nhau khoe “chiến tích”. Những lần ấy, tôi chỉ biết thộn mặt ngồi nghe chúng tha hồ khoe khoang và tự tủi hổ về sự “vẫn còn trong trắng” của mình.

Tôi rất háo hức chờ đến tối. Nhưng để cuộc hẹn hò giao thừa được chính đáng và phải phép, tôi phải được sự đồng ý của mẹ. Khỏi phải nói, tôi chỉ dám thì thầm tâm sự với  một mình mẹ, tỉ tê, thậm thụt như người ta buôn hàng lậu qua biên giới, với một thái độ đề cao cảnh giác như điện viên đi hoạt động bí mật. Nhưng tất cả những sự cẩn thận của tôi đã đổ sông đổ bể khi ông nội, vốn được coi là nghễnh ngãng nhất nhà, lại tình cờ nghe được câu chuyện của tôi. Từ vui mừng, tôi trở sang lo lắng, nhấp nhổm, đứng ngồi không yên vì sợ ông sẽ cấm đoán và thế là cuộc vui đợi chờ bấy lâu nay của chúng tôi tan tành như mây khói.

Tôi đếm từng sự chuyển động chậm chạp của chiếc kim đồng hồ với lòng nóng như lửa đốt. 22h, 23h, 23h30, ông nội bỗng mở cửa phòng bằng một hành động dứt khoát, mạnh mẽ đến độ làm tôi giật nảy mình. Ông gọi tôi vào phòng để nói chuyện với vẻ lạnh lùng, nghiêm nghị. Trái với sự bình tĩnh của ông, mồ hôi tôi bắt đầu túa ra vì sợ, và có thể nghe rõ cả tiếng hai hàm răng tôi đánh vào nhau lập cập như giai điệu của một bản nhạc rùng rợn, bi thương. Tôi lấm lét nhìn ông, chờ đợi như thể kẻ từ nhận đợi tòa ra phán quyết. Trong khi đó, ông vẫn trầm ngâm, đĩnh đạc, nhấp hết chén nước trà xanh sóng sánh rồi mới khoan thai mởi ngăn kéo, lấy ra một chiếc phong bao màu đỏ được dán kín, đưa cho tôi. Ông không nói gì nhiều, chỉ bảo đó là quà Tết, như phong tục người Á Đông vẫn mừng tuổi cho lũ trẻ con khi bước sang năm mới, ông đưa trước, bởi tết âm lịch tôi sẽ không thể có mặt để ăn tết cùng gia đình vì lịch nghỉ của chúng tôi không khớp nhau.

Món quà được ông trao rất trịnh trọng. Ông nói rằng, tôi sẽ cần đến nó và hi vọng rằng tôi sẽ thích. Chẳng hề biết mình đang nhận được gì, tôi bước ra khỏi phòng ông với tâm trạng băn khoăn, rối bời, nhưng hình như, tôi vẫn kịp nhận ra một cái nháy mắt rất nhanh và tinh quái.

 

Món quà không làm tôi chú ý bởi còn bận sung sướng vì kế hoạch của tôi và Jane vậy là vẫn diễn ra như dự kiến. Chúng tôi đã lang thang cả đêm trên phố rồi chui vào một quán bar. Chợt nhớ ra món quà của ông nội vẫn nằm nguyên trong túi áo. Tôi và Jane tò mò mở ra xem. Thật bất ngờ, trong chiếc phong bao đỏ chót ấy là một chiếc bao cao su hương dâu, kèm theo thông điệp được viết rất ngay ngắn của ông nội: “Không có ai hai lần tuổi trẻ” … Trong men bia ngây ngất và niềm vui chuyển giao năm mới, Jane ghé tai tôi thì thầm, món quà mà cô tặng tôi chính là nụ hôn đầu. Chúng tôi trở về nhà và chẳng có chuyện gì xảy ra cho tới 5 năm sau đó, Jane đã trở thành cô gái của đời tôi. Và chiếc bao cao su – món quà “khủng” của ông nội đã được chúng tôi trân trọng lồng trong khung kính treo giữa phòng khách, theo ý tưởng của Jane, để luôn nhớ về ông và về thông điệp sống mà ông đã gửi lại cho chúng tôi.

Theo Đang yêu

Bình luận