Nhà chật, bi - hài ký

Sau này, Nhím lớn lên độ chừng có thể “nhìn nhận mọi việc xung quanh” thì vợ chồng Tứ thay đổi chiến thuật “giao ban” vào ban ngày khi con bé đi mẫu giáo bán trú.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống, cũng như tất cả anh em khác trong nhà, chữ nghĩa của Tứ chứa không đầy lá mít.

Học hết lớp trường làng, Tứ suốt ngày đầu chang chang nắng, lặn lội khắp cánh đồng, mót từng hột lúa. Hết mùa gặt, Tứ xách giỏ đi ngoéo cua đồng, lội dọc bờ kinh hái rau tập tàng mang ra chợ bán. Lớn thêm một chút, anh theo chúng bạn lên miệt Tháp Mười vác lúa thuê. Tháp Mười hết mùa lúa, anh quay về làng, ai mướn gì làm nấy.

Trong một lần đi Kinh vác lúa, anh gặp Bé - vợ anh bây giờ. Nhà Bé cũng nghèo không thua cảnh nhà anh, cũng quanh năm làm thuê làm mướn, lênh đênh dưới sông nhiều hơn ở trên bờ. Thấy Bé hiền lành, vui vẻ, ăn nói có duyên lại siêng năng, hay làm nên Tứ thương. Tứ ngỏ lời. Bé bằng lòng. Thế là sau một năm qua lại, họ cưới nhau.


Cưới nhau rồi, vẫn mùa lúa Tháp Mười chèo ghe đi làm mướn. Trở về, nhìn căn nhà trống trước dột sau, đất đai một cục chọi chim không có, mẹ càng ngày càng già, vợ lại bụng mang dạ chửa, Tứ liều mình đánh cược với số phận, dắt díu nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, may ra đổi được cuộc đời cho các con sau này.

Mẹ Tứ mắt ngó xa xăm, giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt dạt “còn mồ mả ông bà, còn bàn thờ của của ba bây, không thể để hương tàn nhang lạnh”. Cực chẳng đã Tứ gạt nước mắt, gửi lại mẹ già cho hàng xóm, ra đi.

Trời không phụ lòng người, công việc làm ăn suôn sẻ, vợ Tứ mẹ tròn con vuông, cả nhà bình yên mạnh khỏe. Chẳng những đủ ăn đủ mặc, có tiền gửi về quê cho mẹ, Tứ còn có dư được chút ít. Dù vậy, cũng phải vất vả lắm, hai vợ chồng Tứ mới dành dụm mua được một căn nhà nhỏ trong một con hẻm sâu hun hút.

Căn nhà vỏn vẹn hai mươi lăm mét vuông, bên trên là cái gác gỗ với mặt sàn là những mảnh ván ép ghép lại, mỗi khi đi, nó oằn xuống kêu cót két theo nhịp bước, được chia hai bởi một tấm ri đô, một bên hai vợ chồng ngủ với thằng Cu chín tháng tuổi và một bên bà nội ngủ với con Nhím lên tám.

Tầng trệt, sau khi bố trí chỗ nấu ăn và tắm giặt, khoảng trống còn lại chỉ đủ dựng chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện chạy xe ôm của Tứ. Chỉ vậy thôi, nhưng đó là tất cả thành quả lao động cật lực gần mười năm trời, là tài sản, là niềm tự hào của hai vợ chồng Tứ. Nhưng điều mà hai vợ chồng họ cảm thấy vui mừng và hạnh phúc hơn hết thảy là thuyết phục được mẹ lên ở cùng.

Niềm vui rồi cũng đi qua, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn với những nỗi lo thường nhật. Nhưng lo thì vẫn lo, sống thì vẫn sống. Sống không chỉ có ăn, có mặc, còn có ngủ nữa. Mà ngủ với hai vợ chồng - nhất là hai vợ chồng trẻ như vợ chồng Tứ - đâu chỉ có ngủ. Vậy mới là “bi kịch”.

Ngày trước, mặc dù ở nhà trọ cũng chật chội nhưng chỉ có hai vợ chồng với con bé Nhím chưa biết gì. Sau này, Nhím lớn lên độ chừng có thể “nhìn nhận mọi việc xung quanh” thì vợ chồng Tứ thay đổi chiến thuật “giao ban” vào ban ngày khi con bé đi mẫu giáo bán trú. Không có lịch cụ thể nhưng cứ tầm giữa trưa vào lúc xe ôm vắng khách là Tứ lại tạt ngang qua nhà “tắm cái cho mát”. Còn Bé cứ nghe tiếng xe chồng về bất chợt giữa ngày là… tủm tỉm cười.

Còn bây giờ, sau khi mua được căn nhà – “niềm ao ước bấy lâu nay mới thỏa” – hai vợ chồng Tứ lo hì hục dọn dọn, bày bày, lau lau, quét quét. Kê cái này vào chỗ kia, đặt cái kia vào chỗ nọ, hả hê, mãn nguyện. Chừng đối mặt với việc bố trí chỗ ngủ cho các thành viên trong gia đình, họ mới giật mình nhìn nhau “hết vía”. Tứ ịch lưng xuống sàn nhún thử, mấy miếng ván oằn xuống kêu kẻo kẹt. Bé nhìn chồng, đỏ mặt.

Thế là còn bao nhiêu tiền, Tứ vét hết mua mấy thanh xà gồ về kê lại cho chặt. Thế nhưng mỗi lần chuẩn bị “hành sự”, ngoài việc cho thằng Cu bú một bụng no nê, dỗ nó ngủ say còn phải nghe chừng bên kia mẹ đã ngáy chưa, con Nhím nằm im hay còn nhúc nhích.

“Hoạt động” chẳng những bí mật mà còn phải thật nhẹ nhàng, luôn luôn rà thắng và kìm hãm âm thanh. Vậy mà không thiếu khi đang cao trào, sắp sửa “móc tiền ra chung”, con bé Nhím bên kia bỗng lồm cồm bò dậy, hoảng vía, Tứ lật ngang, kéo chăn trùm kín mít trong tiết trời tháng tư oi ả.

Sách vở thì dạy đủ chiêu trò, kêu gọi phát huy sáng kiến nhằm làm cho cái “khoản ấy” của đời sống vợ chồng thêm phong phú, còn vợ chồng Tứ thì cứ phải nghĩ cách nào cho đơn giản, nhanh gọn mà hiệu quả nhất. Họa hoằn lắm, hôm nào trúng khách, trong túi rủng rỉnh tiền, kiếm cớ đi ra ngoài, hai vợ chồng lại dấm dúi vào nhà trọ “tiệc tùng linh đình” một bữa, cho bõ những ngày “đạm bạc” qua bữa.

Nhưng được vài lần, Bé xót tiền quá, với lại nghĩ cũng ghê ghê ba cái mớ chăn ra gối đệm trong mấy cái nhà trọ bình dân, nên bảo Tứ rằng thôi. Thỉnh thoảng chắc mẹ cũng biết ý, dắt chị em con Nhím sang nhà hàng xóm chơi từ chập tối đến nửa đêm mới về. Hai vợ chồng lại nháy mắt nhau tranh thủ mà trong lòng thầm cảm ơn mẹ. Thật là đời ta nhất mẹ già.

Ngày nay, dân số ngày mỗi tăng. Người đông, đất chật. Thành phố lại là nơi đất lành chim đậu. Nhà cửa mọc lên như nấm mà diện tích ngày càng thu gọn lại, một mặt để đủ chỗ ở, một mặt phù hợp với túi tiền của dân nghèo. Tình trạng này đẻ ra nhiều hệ lụy, bi có, hài có nhưng tựu trung là… phải luôn luôn dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa, quan sát kỹ, đánh nhanh, rút gọn và xóa mọi dấu vết, đó là những khả năng mà vợ chồng Tứ và rất nhiều cặp vợ chồng có nhà chật như nhà Tứ đã trui rèn được. Âu cũng là “thời thế tạo anh hùng”.

Cát Tường (Dòng Đời)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.