Phát sợ vì osin quá... yêu con mình

Mỗi lần bé Bim quấy khóc mà mình cáu gắt, chị hằn học nhìn mình như kẻ thù, rồi sau đó làm việc gì chị cũng đá thúng đụng nia, đến bữa thì đặt uỵch một cái bát cơm trước mặt, ăn chả thèm mời.

Mỗi lần bé Bim quấy khóc mà mình cáu gắt, chị hằn học nhìn mình như kẻ thù, rồi sau đó làm việc gì chị cũng đá thúng đụng nia, đến bữa thì đặt uỵch một cái bát cơm trước mặt, ăn chả thèm mời.

Có thể nhiều người nghe kể sẽ bảo mình ngu dại hay ích kỷ, nhưng lý do đuổi việc osin của nhà mình thì đúng là chỉ có một trên đời: giúp việc nhà mình quá yêu trẻ, yêu bé con nhà mình đến mức mình cảm thấy sợ.
 
Nhà bạn bè mình, chúng nó kêu ca bà nội yêu cháu quá, can thiệp vào chuyện nuôi dạy con, rồi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu đã là khó chịu lắm rồi. Thế mà nhà mình, người can thiệp lại là osin, mà nào có "can thiệp sơ sơ" gì cho cam, nàng để ý đến mọi hành động, cử chỉ, lời nói... mình dành cho con có khi bằng mấy chục bà nội cộng lại.

 
Vì phải nghỉ từ khi mang bầu để dưỡng thai, nên sau khi sinh bé Bim hai tháng, mình phải đi làm lại. Hai bà nội - ngoại thì vẫn đang công tác nên vợ chồng mình buộc phải tìm người giúp việc. Ngoài các tiêu chí thật thà, sạch sẽ, chăm chỉ, cả hai vợ chồng đều bảo nhau: tìm chị nào lỡ dở không có gia đình hoặc bác nào tầm trung không có con là hay nhất, người ta gắn bó lâu dài với gia đình, không hay xin về.

Chị Nhài đáp ứng đủ yêu cầu của chúng mình, hơn thế chị còn khá xinh xắn. 36 tuổi, quê Hưng Yên, chị ra Hà Nội tìm việc làm khi chồng chính thức mang vợ lẽ, con rơi về lễ bái tổ tiên, yêu cầu chị nếu muốn làm vợ thì phải im lặng mà sống cùng nhà, không thì ký vào đơn ly dị. Chị chọn phương án 2 bởi chị không thể có con.

Ngày đầu tiên đưa chị từ trung tâm môi giới về, cứ nhìn thấy bé Bim là chị khóc. Chị tủi phận mình không thể làm mẹ. Thế nhưng rất nhanh sau đó, dường như bởi bản năng người mẹ quá mạnh mẽ mà không có cơ hội được làm, chị lao vào yêu thương, chăm sóc bé Bim hết mực.

Mình đã không biết bao nhiêu lần thầm cảm ơn trời vì tìm được chị, lúc nhìn chị cuống cuồng vì con khóc, lúc nhìn chị cẩn thận đo đi đo lại nhiệt độ chậu nước tắm hay nhất quyết giặt tay từng cái khăn, cái tã của con dù mình bảo chị có thể bỏ vào máy giặt.

Nhưng sự sung sướng trong mình dần dần chuyển sang thành sự sợ hãi, mình cứ ngờ ngợ cách chị yêu con mình giống như trong một câu chuyện hay bộ phim nào đó đã xem, rồi sự ám ảnh về việc bé Bim sẽ bị chị chiếm đoạt. Tất nhiên, mình không phải người có vấn đề về thần kinh, nhưng cái cách chị Nhài ứng xử thì khiến mình không thể nghĩ khác.

Mỗi lần bé Bim quấy khóc mà mình cáu gắt, chị hằn học nhìn mình như kẻ thù, rồi sau đó làm việc gì chị cũng đá thúng đụng nia, đến bữa thì đặt uỵch một cái bát cơm trước mặt, ăn chả thèm mời. Chị theo dõi như camera những lúc mình cho con ăn, tắm cho con.

Khi thấy mình định cho con bú, thế nào chị cũng lao đi giặt thật nhanh một cái khăn nước ấm, bắt lau sạch bầu ngực. Những lúc vợ chồng mình chơi với con ở phòng khách, chị ngồi đối diện, cứ vợ chồng mình có hành động trao con cho nhau là chị nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống, tay chỉ chực đưa ra đón bé Bim về.

Đã có lần mình suýt đánh rơi con khi thấy qua khe cửa khép hờ, chị ghé mắt nhìn vào trong xem vợ chồng mình chơi với bé Bim.

Nhưng điều lo ngại nhất là ngoài vợ chồng mình ra, chị không cho khách khứa hay hàng xóm nào động vào bé Bim. Những khi có khách đến nhà chơi muốn ẵm cháu, chị Nhài thường kiếm cớ bé vừa ăn, bé sắp ị.... để từ chối. Mỗi khi mình bảo đấy con ra ngoài tắm nắng, gặp những người hàng xóm, người ta thân tình hỏi thăm, muốn cưng nựng con bé một tí, chị cũng vội vàng chào lại rồi đẩy qua thật nhanh. Chị giữ bé Bim như người ta giữ một thứ của riêng vô cùng quý báu.

Ngoài một tuổi, trẻ con hay ốm. Chính bác sĩ cũng nói với mình đây là giai đoạn "thiếu hụt kháng thể" của bé nhưng hễ cứ Bim hắt hơi sổ mũi là chị chăm chăm đi tìm đủ mọi lý do: nào thì chắc tại sáng có con chó nhà bên đứng cạnh lông bay vào mũi em; nào thì hay mẹ tắm con lâu quá...

Tuy nhiên, vụ ấy còn chưa kinh bằng việc, dù mình không vời, dù mình nói đi nói lại hàng trăm lần là chị đi ngủ đi, thì khi Bim ốm, cả đêm chị Nhài cứ ngồi dựa cửa hành lang phòng vợ chồng mình theo dõi tình hình. Một, hai lần đầu mình cũng xúc động, bế con ra cho chị yên tâm nhìn thấy mà về phòng; nhưng lâu dần, mình vừa bực, vừa sợ.

Có lẽ đàn bà là một loài ích kỷ như ai đó từng bảo mình nhưng thực sự, việc chia chồng sẻ con là điều mình sẽ không bao giờ chấp nhận. Không phải mình bạc bẽo nên thấy Bim lớn thì cho chị nghỉ việc, mà vì thấy con vào tuổi biết nhận thức có phần gắn bó quá với chị Nhài, đặc biệt, thấy ánh mắt chồng mình ấm áp ngời ngời mỗi khi nhìn chị chăm nó, mình lạnh cả sống lưng khi nghĩ họ thật giống một gia đình.

Chồng mình bảo cho chị Nhài nhận làm mẹ nuôi thằng bé. Anh lý luận rằng ngày xưa đầy nhà nuôi vú cả đời nhưng mình không chịu. Mình không thích lợi dụng người ta, hơn nữa khi con mình lớn lên, có chắc gì nó hạnh phúc với lựa chọn cha mẹ dành cho nó. Mình đã dành dụm cho chị một khoản tiền, đưa chị về quê, bảo chị có thể lên thăm Bim khi nào chị muốn. Chị có thể lấy một người đàn ông thực sự yêu thương chị, xin một đứa con nuôi hoặc nếu chồng là người lỡ bước như chị, đã có con, chị có thể chăm con chồng.

Khi Bim 15 tháng thì chị Nhài rời nhà mình. Ngày đi, chị khóc như mưa như gió, cứ ôm Bim mà khóc. Mình cũng khóc huhu, ôm con chạy vào nhà để không giữ chị lại. Giờ, mình gửi Bim ở một nhà trẻ gần cơ quan, có vất vả hơn nhiều việc đưa đi đón lại, về nhà chăm bẵm nhưng không còn lo sợ phấp phỏng một ngày ai đó chiếm mất con mình, chồng mình...

Thực sự, có những khi mệt mỏi, có những khi con bị mắng oan không ai bênh, mình cũng thấy một khoảng trống chếnh vì vắng chị nhưng dù sao mình vẫn tin sự lựa chọn của mình là đúng đắn - cái gì quá cũng rất đáng lo, dù là tình yêu chị đã dành cho bé Bim đi chăng nữa!
Theo Kiến Thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.