“Tập 2” và những ấm ức quen thuộc

Với người châu Âu, cuộc hôn nhân thứ hai có nhiều điều kiện để tách biệt độc lập với cuộc hôn nhân thứ nhất, đúng như phong cách sống của người xã hội văn minh phương Tây.

Một cặp đôi ly hôn, họ có những thỏa thuận pháp lý về việc chăm sóc con cái, bố và mẹ bọn trẻ có thể vững tâm bước vào cuộc hôn nhân thứ hai. Thông thường, mỗi người trong số họ không phải lo tranh đấu gì thêm với các quyền lợi hay trách nhiệm từ gia đình cũ, trừ một số ngoại lệ như kiện tụng việc phân chia tài sản, ông bố (bà mẹ) không làm tròn nghĩa vụ với con chung...

Khi một người phụ nữ nhận lời trở thành “tập 2” của người đàn ông, ngay từ ngày đầu cô ấy phải phân thân làm 2 con người

Ở ta, tâm lý bìu ríu tình nghĩa và nỗi lo dư luận đã làm cho không ít cặp hôn nhân lần 2 mất tự do và sống kèm những ấm ức. Khi một người phụ nữ nhận lời trở thành “tập 2” của người đàn ông, ngay từ ngày đầu cô ấy phải phân thân làm 2 con người: một người chấp thuận, hòa nhã, bỏ công chăm sóc con riêng của chồng (kể cả khi bọn trẻ ở với mẹ) để đối phó và đẹp lòng dư luận, người kia là âm thầm mất mát, miễn cưỡng chia sẻ người đàn ông (dính líu đến 2 gia đình) của mình.

“Tập 2” có những áy náy, mủi lòng trước con riêng của chồng nhưng khi mẹ chúng xuất hiện thì bọn trẻ lập tức biến thành “cục nợ”. Mỗi lần anh chồng đi thăm con riêng, “tập 2” bị làm khó trong nội tâm, cô vừa muốn anh ta là người cha tử tế vừa muốn anh ta không quá nặng lòng. Người đàn ông bày tỏ mối quan tâm thái quá với con riêng cũng là một dấu hiệu ghi bàn thắng của “tập 1” với “tập 2”.

Cho dù “tập 1” đã có gia đình mới, cô ấy vẫn cần những lần ghi bàn kiểu này. Vậy nên xảy ra khá nhiều trường hợp “tập 2” ghen ngược. Thông thường mọi người hiểu chuyện “tập 1” và “tập 2” chèn nhau vì phải chia sẻ một người đàn ông hoặc ít ra ghen hộ cho đám con của mình nhưng xét về góc độ xã hội đây là cuộc chiến thể diện.

Mỗi người trong họ cảm thấy mình bị thua nếu người đàn ông không nghe theo lời đề nghị của họ. Phụ nữ luôn có cảm giác đám đông xung quanh đang soi mình, họ thắng hay thua đám đông biết liền và loan tin. Hôm nay anh ta đưa “tập 2” ra san bay vì thế mà đã hoãn việc đưa tụi trẻ của “tập 1” đi xem phim: 1-0 nghiêng về phía “tập 2”. Lần khác trời mưa lạnh, mặc dù “tập 2” đã gàn nhưng anh ta vẫn cứ sang nhà “tập 1” để đèo bọn trẻ đi ăn kem: 0-1 nghiêng về phía “tập 1”.

Theo năm tháng những ấm ức tích dần lên. Người châu Âu thực hiện nghĩa vụ với con riêng theo quy định, thăm con theo lịch, đóng góp theo thỏa thuận và không mấy ai được quyền can thiệp. Trẻ con hai nhà có thể chơi chung và các bà vợ mới vợ cũ chủ động giao lưu với nhau. Ở ta chuyện đó hiếm gặp. Nếu người bố có trách nhiệm với con riêng chiểu theo đúng phán quyết của tòa thì anh ta sẽ bị coi là kẻ lạnh lùng, vô cảm. Người phương Đông có cách bày tỏ sự chăm sóc thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí. Cũng vì thế sự gắn kết ràng buộc chặt chẽ hơn so với người phương Tây. Cũng chính vì thế chúng ta càng lệ thuộc vào “cảm giác bìu ríu”. Thể diện cũng tỉ lệ thuận với cảm giác “được bìu ríu”.

Ở phương Tây, khi những đứa con bước sang tuổi 18, cha mẹ được cởi bỏ trách nhiệm còn ở ta về luật pháp là thế nhưng lễ giáo truyền thống không được thế. Cha mẹ tiếp tục theo đuổi nuôi bọn trẻ ăn học thành nghề, dựng vợ gả chồng và cố nốt đại sự cuối cùng là mua nhà cho con trai cưới vợ. Có ngần nào cột mốc phải hỗ trợ cho một đứa trẻ thành người lớn thì những “tập 2” cũng chịu ngần ấy san sẻ.

Có một nỗi ấm ức rất quen thuộc với những “tập 2” ở tuổi U50 – U60 khi họ tưởng đã bớt những thua thiệt. Con riêng của chồng cưới vợ (gả chồng). Bố mẹ ruột phải đứng ra lo đám cưới nhưng cũng có khi rơi vào tình huống éo le: Bố và vợ mới có kinh tế mạnh nên tài trợ hết cho đám cưới. Tất cả họ hàng lại phải đau đầu vì một việc “tên của “tập 1” hay “tập 2” được ghi trong thiệp cưới ở phần Đại diện nhà trai (nhà gái)”. Nhất là trường hợp mẹ ruột sống ở quê hay tỉnh lẻ. Ai cũng tưởng đương nhiên mẹ ruột sẽ được ghi tên cạnh bố ruột nhưng rất nhiều mẹ kế không chịu.

Mẹ kế có lý của mình: Bà đứng ra lo tiền, lo phòng cưới, chạy tất cả để có đám cưới, thế mà vào hôm cưới bà sẽ không được sánh vai bố chú rể đi chào quan khách. Hơn nữa, đám quan khách mừng hậu hĩnh lại là người quen của bà. Đã có rất nhiều gia đình gặp sự cố khó xử kiểu này, thậm chí còn đe dọa ly hôn.

“Tập 2” kể lể công sức đóng góp nuôi dưỡng những đứa con riêng, khóc lóc, trầm uất. Đám cưới tưởng như tan đến nơi. “Tập 1” và họ ngoại thì phản đối dữ dội, tuyên bố rằng “họ không bao giờ để chuyện lố bịch xảy ra”. Nhiều gia đình đã tìm được một hồi kết khá giống nhau (hoặc có thể họ học tập kinh nghiệm của nhau): tổ chức đám cưới 2 lần. Một lần bố mẹ ruột đứng ra, lần hai bố ruột và mẹ kế làm chủ. Cô dâu chú rể cứ việc mặc dồ cưới hai lần và mỏi chân đi chúc rượu, mỏi mồm cười cám ơn từ phòng cưới nọ sang phòng cưới kia. Rút cục lần này cả “tập 1” và “tập 2” giữ hòa 0-0.

Người mình khi xem phim Tây cứ thềm được độc lập và minh bạch như họ thế nhưng bảo thử học tập thì ai cũng sợ. Sợ rằng nếu dứt khoát, phân minh quá thì sau này già lại bị cô đơn trong trại dưỡng lão giống những ông bà tây trong phim”.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.