Bi kịch trao nhầm con ở bệnh viện và những câu chuyện cười ra nước mắt ở trung tâm phân tích AND

Không ít người đã tìm đến trung tâm giám định ADN để xác định lại huyết thống. Có lẽ chuyện bị thất lạc người thân từ khi sinh ra đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Không ít người đã tìm đến trung tâm giám định ADN để xác định lại huyết thống. Có lẽ chuyện bị thất lạc người thân từ khi sinh ra đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Những ngày qua, dư luận xôn xao vì vụ việc nuôi con 6 năm, gia đình anh Phùng Giang Sơn (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì) và chị Vũ Thị Hương (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) mới biết đó không phải là con mình, do nữ hộ sinh trao nhầm.

Sự việc đáng tiếc trên khiến cả 2 gia đình phải trải qua nhiều điều không hay trong đời sống. Với gia đình chị Hương, đây chính là lí do khiến gia đình đổ vỡ bởi con càng lớn chồng càng không thấy giống mình nên chồng nảy sinh nghi ngờ và thường xuyên mắng nhiếc vợ.

Trong khi người vợ (chị Hương) một lòng chung thủy với chồng nhưng chỉ vì lý do này mà bị nhục mạ nên đã làm đơn đòi ly hôn và được tòa án chấp thuận hồi năm 2015.

Còn với gia đình anh Sơn, cũng may mắn nhờ sự ngờ vực vì con lớn lên không giống ai trong nhà, lại thấy có một cháu bé gần đó giống hệt mình, gia đình đã đồng thuận đi xét nghiệm mới vỡ lẽ do bị bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con. Phía bệnh viện cũng xác nhận, qua rà soát lại ca sinh gần đó và xác định có một sản phụ cũng sinh con sát giờ chị Hương lâm bồn.

Kết quả gây bất ngờ khi 2 gia đình thực sự đã nhầm con. Tuy nhiên, trải qua 6 năm nuôi dưỡng, dạy dỗ như con ruột, chị Hương dành cho cháu bé quá nhiều tình cảm. Nhất là sau khi 2 vợ chồng ly hôn, thấy con thiếu vắng cha, chị Hương đã dồn mọi tình cảm cho con. Dù đã xác định được bố mẹ ruột của cháu bé nhưng chị vẫn không muốn trả lại con và có những yêu cầu khiến gia đình bên kia cảm thấy rất khó chấp nhận, hỏa giải.

Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) đang hướng dẫn lấy mẫu để giám định

Tuy nhiên, trường hợp của 2 gia đình trên không phải là hy hữu, trước đó, tại Hà Nội cũng từng có trường hợp nhầm con suốt 42 năm gây xôn xao. Những câu chuyện tưởng chỉ có trong phim ảnh hóa ra lại đang xảy ra và hiện hữu rất nhiều ngoài đời thường.

Chỉ trong một buổi ghé thăm Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội), chúng tôi đã được bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm kể cho nghe biết bao trường hợp cười ra nước mắt.

Những bí mật bất ngờ đến không tưởng

Bà Nga năm nay ngoài 70 tuổi và đã có hơn 14 năm gắn bó với trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền. Vừa giữ cương vị là giám đốc vừa trực tiếp tiếp xúc, trò chuyện cùng khách hàng nên nữ giám đốc này là người gánh đủ mọi vui buồn của thiên hạ.

Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền

Những vấn đề liên quan đến bí mật huyết thống luôn là chuyện trọng đại. Thế nên, bà Nga thường nói, ADN không biết nói dối và nó có sức mạnh có thể làm thay đổi cuộc sống của cả một gia đình.

Nhân chuyện nhầm con ở Ba Vì, bà Nga nhớ lại cách đây khoảng 1 năm, chính bà cũng đã từng làm xét nghiệm miễn phí cho gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (người mẹ thất lạc con suốt 42 năm).

"Lần đầu tiên bà ấy dẫn cô Trang tới đây, khi ấy tôi chưa biết họ lại có câu chuyên éo le như vậy… Nhưng sau này đọc báo, biết hoàn cảnh nên cô miễn toàn bộ chi phí", bà Nga kể.

Phòng phân tích ADN

Quay lại trung tâm nhiều lần và biết bao gian nan, cuối cùng bà Hạnh cũng tìm lại được người con ruột của mình bị bệnh viện trao nhầm. Trường hợp hy hữu ấy như một phát súng mở đầu về vấn đề trao nhầm, nuôi nhầm con từ khi mới sinh ra.

"Có thể nhiều người sẽ cảm thấy sốc hoặc ngạc nhiên nhưng cô thì không quá bất ngờ về vấn đề nhầm con ở bệnh viện bởi nhiều năm qua, cô cũng từng gặp những trường hợp như thế", bà Nga kể.

Bảng lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN

Nhắc tới đây, bà Nga nhớ lại một cặp vợ chồng từng phát hiện bị trao nhầm con và tìm lại được con ruột nhân một cơ duyên vô cùng đặc biệt.

Cụ thể là anh A., bạn thân của anh H., yêu và muốn cưới một phụ nữ đơn thân. Vì muốn thuyết phục cha mẹ đồng ý nên anh A. nảy sinh ý định xét nghiệm AND để chứng tỏ con riêng của người yêu chính là con của mình.

 "Anh A. đã nghĩ ra kế nhờ anh H. đem con mình đi xét nghiệm AND nhưng mọi thông tin thì lại khai báo theo nhân thân của anh A. và con riêng của người yêu. Với cách này, anh ấy tin chắc sẽ có một tờ kết quả xét nghiệm chính xác quan hệ huyết thống cha con để mang về hối thúc cha mẹ làm đám cưới", bà Nga kể.

Bất ngờ là khi xét nghiệm xong, anh H. lại không phải là cha đứa bé. Trước giờ vợ chồng anh H. sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc nên khi cầm một tờ kết quả trái ngang trên tay, anh H. như bị chết lặng, không nói được lời nào.

"Về tới nhà, anh ấy đưa tờ kết quả xét nghiệm cho vợ xem và nói muốn ly hôn. Chị vợ không tin, xé tờ kết quả đi và khẳng định đã có chuyện nhầm lẫn gì đó xảy ra", bà Nga nhớ lại.

ADN không biết nói dối và nó có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống của cả một gia đình

Trước tình huống đó, là một người dày dặn kinh nghiệm về AND, bà Nga khuyên vợ anh H. nên làm xét nghiệm. Nếu trường hợp 2 mẹ con không có quan hệ huyết thống thì 100% là bị trao nhầm con.

Không ngoài dự đoán, kết quả xét nghiệm trả về ghi rõ vợ của anh H. không phải là mẹ ruột cháu bé. 

Đến lúc này, cả 2 vợ chồng mới tin mình bị nhầm con và bắt đầu hành trình tìm kiếm lại con ruột. Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng cũng họ cũng đã tìm ra và hết lời cảm ơn bà Nga vì nhờ có sự gợi ý của cô mà họ đã tránh được cuộc ly hôn oan uổng.

"Họ cảm ơn cô nhưng cô nghĩ may mắn nhất là vì được anh A. nhờ đi làm xét nghiệm mà vô tình cặp đôi này mới biết mình nuôi nhầm con bấy lâu. Nếu không có cơ duyên đó có lẽ cả đời họ cũng không nghi ngờ mà đến trung tâm xét nghiệm để rồi phát hiện bị nhầm con", bà Nga nói thêm.

Một trong những mẫu kết quả xét nghiệm ADN

Sau hàng loạt vụ việc bệnh viện trao nhầm con, không ít người đã tìm đến trung tâm bà Nga để xác định lại huyết thống. Có lẽ chuyện bị thất lạc người thân từ khi sinh ra đã trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người được bố mẹ/ con cái đối xử không tốt nảy sinh nghi ngờ.

"Có cô gái đến chỗ cô xét nghiệm lại quan hệ mẹ con vì cảm thấy bị đối xử không tốt... Cô nghĩ chắc phải có nhiều chuyện khó nói lắm thì cô ấy mới quyết định làm xét nghiệm như thế. Nhưng sau khi xét nghiệm, quan hệ của 2 người chắc chắn 100% là hai mẹ con", bà Nga kể.

2 đứa trẻ sinh đôi của 2 người bố khác nhau và những câu chuyện đầy nước mắt về huyết thống của bào thai

Ngoài những câu chuyện đẫm nước mắt từ việc nhận nhầm con ở bệnh viện, bà Nga cũng từng chứng kiến biết bao chuyện bi hài liên quan đến huyết thống của bào thai nằm trong bụng mẹ.

Nhiều gia đình tìm trung tâm xét nghiệm ADN để tìm sự thật

Trường hợp bà Nga nhớ nhất là một cặp đôi vợ chồng người Đài Loan - Việt Nam từng đến Trung tâm của bà làm xét nghiệm. Người đàn ông ngoại quốc qua Việt Nam tìm vợ và quen chị X. hai người thỏa thuận với nhau nếu chị có bầu, sẽ làm thủ tục qua Đại sứ quán để chị được nhập quốc tịch Đài Loan.

Chị X. bị lép trứng nên không thể có con. Vì muốn làm thủ tục theo chồng ngoại quốc, cặp đôi đã quyết đến bệnh viện thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, trứng của chị X.  không đủ điều kiện nên phải cấy phôi bằng trứng của người khác và đưa vào tử cung của chị.

Mang thai được khoảng 3 tháng, người đàn ông quyết định đi chọc ối và làm xét nghiệm. Kết quả trả về, cháu bé là con của người đàn ông nhưng không phải là con của chị X..

"Vì không hiểu rõ về ADN nên chị X. cứ nghĩ, chỉ cần con mình mang thai thì xét nghiệm, thế nào cũng là con của mình. Bởi vậy khi cầm tờ kết quả, con là con của bố nhưng không phải của mẹ, chị X. hoàn toàn bị sốc và cho rằng trung tâm làm sai. Nhưng ngay từ đầu cô đã đoán ra vì sao lý do lại như vậy", bà Nga kể.

Sau này, chị X. ngỏ ý muốn trung tâm bà Nga làm lại và thay đổi kết quả vì chồng chị X. sau khi biết kết luận không muốn đưa chị theo sang Đài Loan nữa. "Người đàn ông đó muốn lấy người có khả năng sinh con, là con của anh ta nhưng cũng phải là con của mẹ sinh ra nữa. Hoàn cảnh chị X. rất đáng thương nhưng người làm AND như cô thì không thể nói dối", bà Nga chia sẻ.

Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt ở trung tâm phân tích AND

Nhắc đến những tình huống oái oăm hậu xét nghiệm AND, bà Nga chợt nhớ đến trường hợp hy hữu xảy ra năm 2016. Khi ấy, cặp vợ chồng ở Hòa Bình đem 2 con song sinh đến xét nghiệm quan hệ huyết thống với cha.

Kết quả là 2 đứa bé có kết luận rất khác nhau. Trong khi một đứa là con của bố thì đứa con lại không phải. Kết luận ngang trái này khiến cả gia đình bất ngờ và gần như không thể tin được.

"Thế nên lúc đó bà cũng khuyên họ đưa mẹ đến làm xét nghiệm để lỡ có trường hợp nhận nhầm con ở bệnh viện", bà Nga nói.

Việc xét nghiệm ADN có chể giúp cho nhiều gia đình đoàn tụ

Làm xong kết quả, cặp vợ chồng càng "sốc" hơn khi cả 2 đứa bé đều là con của mẹ. Sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng mẹ nhưng 2 đứa bé lại có huyết thống với bố hoàn toàn khác nhau.

"Cô nghĩ rằng chỉ có người mẹ sẽ hiểu rõ nhất bởi chắc chắn rằng trong thời gian rụng trứng, chị ấy đã có quan hệ với 2 người đàn ông khác nhau dẫn đến trường hợp song sinh khác trứng và cũng khác luôn cả bố. Đây là trường hợp rất hiếm vì đến lúc đó, thế giới mới chỉ ghi nhận 10 ca tương tự. Tuy nhiên dù hiếm thì cũng không có nghĩa là không có khả năng xảy ra", bà Nga tâm sự.

Mẫu yêu cầu xét nghiệm ADN

Chuyện ngoại tình có lẽ là một bí mật người mẹ đã chôn vùi suốt nhiều năm không dám nói ra. Vậy mà bất ngờ chỉ nhân một lần xét nghiệm AND, tất cả đã bị phanh phui. Dù điều đó có thể sẽ tàn nhẫn nhưng dẫu sao, sự thật vẫn là sự thật.

"Cô chỉ là người làm xét nghiệm AND và cô không thể nói dối. Tất nhiên mỗi sự thật AND bị phanh phui thì có rất nhiều hệ lụy kéo theo nhưng dù biết trước, cô cũng không thể làm khác".bà Nga thẳng thắn.

Trong thế giới của AND là trùng trùng lớp lớp những câu chuyện vui buồn như thế. Bởi vậy khi xác định làm nghề này, bà Nga cũng luôn giữ phương châm vững vàng đứng giữa mọi chuyện với một thái độ trung thực bất biến dẫu cho xung quanh có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.

Theo Trí thức trẻ


trao nhầm con

giám định ADN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.