Bỏ hộ khẩu: Đi tay không lên quận làm sổ đỏ

Với việc thực hiện Nghị quyết 112, trong tương lai gần, người dân sẽ đi tay không đến cơ quan hành chính làm thủ tục đăng ký kết hôn, làm sổ đỏ...

Với việc thực hiện Nghị quyết 112, trong tương lai gần, người dân sẽ đi tay không đến cơ quan hành chính làm thủ tục đăng ký kết hôn, làm sổ đỏ...

Nghị quyết số 112 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư quả là một bước tiến lớn của Chính phủ trong tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục.

Nhiều cái lợi cho dân

Đơn giản thủ tục hành chính về xuất, nhập cảnh: Về cơ bản bỏ phần khai báo trong các tờ khai có liên quan về các thông tin như nam/nữ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo, địa chỉ thường trú...

Bỏ sổ hộ khẩu và những thứ gắn với hộ khẩu: Đây thực sự là cải cách lớn, thay đổi hẳn tư duy quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu tồn tại hàng chục năm qua kèm theo là một loạt những hệ lụy gắn với hộ khẩu.

Ảnh: Phạm Hải

Cái lợi lớn hơn nhiều cho người dân mà nhiều người chưa biết chính là Chính phủ thông qua nhiều biện pháp đang hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước tốt hơn và cho người dân cũng tốt hơn.

Nói một cách hình ảnh là với việc thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ, trong tương lai gần, người dân khi có nhu cầu sẽ đi tay không đến cơ quan hành chính làm thủ tục, ví dụ như lấy đăng ký kết hôn, làm hộ chiếu phổ thông hoặc làm sổ đỏ... Không cần phải mang kèm theo một loạt giấy tờ theo quy định nữa. Cái duy nhất mang theo là thẻ căn cước công dân.

Sao có khả năng như vậy nhỉ? Nhà nước giải quyết việc của dân không cần căn cứ gì à? Vẫn cần chứ, nếu không, rất có thể sẽ cấp đăng ký kết hôn cho một người đang có vợ. Những căn cứ này Nhà nước có sẵn nhờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với số định danh công dân trên thẻ căn cước, cơ quan nhà nước tương ứng vào mạng sẽ biết được một loạt thông tin, một loạt dữ liệu về người dân đã được đưa vào mạng từ trước và qua đó có cơ sở để giải quyết việc của người dân đó.

Đây là vấn đề mới cho ta, nhưng ví dụ như Hàn Quốc thì đã làm từ hơn chục năm nay. Từ 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp dữ liệu công dân. Chương trình này hiện vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Kết quả, năm 2015, khoảng 35 loại việc của dân thì người dân đi tay không đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nơi, xuất trình thẻ căn cước công dân và nêu yêu cầu muốn làm gì, sau đó cơ quan nhà nước sẽ giải quyết theo quy định. Ví dụ trước đây làm hộ chiếu cần nộp 7 loại giấy là Dữ liệu công dân, Dữ liệu nghĩa vụ quân sự, Sổ bộ gia đình... thì nay chỉ nộp mỗi tờ khai xin cấp hộ chiếu vì 7 loại giấy tờ trên đã có trong cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước.

Với cách làm này, trung bình hàng năm, Hàn Quốc tiết kiệm được khoảng 700 triệu USD do giảm thời gian đi lại, làm thủ tục, giảm một lượng lớn khí thải các bon do giảm nhiều giấy tờ.   

Nghĩa vụ khai báo nơi cư trú

Muốn vận hành được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết phải xây dựng cơ sở này và điều đó đòi hỏi người dân có nghĩa vụ hợp tác, khai báo thông tin với nhà chức trách. Mà không phải một lần là xong. Nếu có thay đổi cũng phải khai báo ngay. Những thông tin như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo, nơi cư trú... chắc chắn sẽ được đưa vào dữ liệu.

Bỏ hộ khẩu thì Nhà nước quản lý dân cư kiểu gì và người dân bình thường có cần nhà nước quản lý cái nơi ở của mình không nhỉ? Sau các vụ khủng bố ở Pháp, Anh, Bỉ..., nhà chức trách rất nhanh chóng tìm ra nơi cư trú, nơi ở gần nhất của các nghi can. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân ở các nước đó là công cụ quan trọng giúp nhà chức trách tìm ra nơi cư trú.

Cho nên, nói bỏ hộ khẩu không có nghĩa là Nhà nước bỏ không quản nơi cư trú. Cái khác biệt duy nhất ở đây là quản một cách nhẹ nhàng, thông qua mạng dữ liệu mà nổi bật là vai trò của thẻ căn cước công dân. Người dân có nghĩa vụ khai báo nơi cư trú và nếu thay đổi thì phải báo ngay cho nhà chức trách.

Những việc Nhà nước phải làm

Hàn Quốc mất hơn 10 năm mới có 35 loại việc dân tay không đến hành chính. Điều đó chứng tỏ rất nhiều việc các cơ quan nhà nước phải làm, mà còn phải đồng bộ với nhau nữa.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cái lớn nhất, sau đó là Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân... Dữ liệu người dân liên quan tới rất nhiều ngành như tư pháp, hình sự, giao thông, giáo dục, y tế...

Nếu không quyết tâm và có sự chỉ đạo sâu sát từ Thủ tướng, rất khó có được sớm các cơ sở dữ liệu này. Đây mới thực sự là thách thức lớn cho các cơ quan hành chính.

Nếu không làm được việc này, việc thay thế chứng minh thư nhân dân bằng thẻ căn cước công dân sẽ không có nhiều ý nghĩa và ứng dụng công nghệ thông tin vào hành chính cũng chỉ chủ yếu là trên giấy.


đăng ký kết hôn

sổ đỏ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.