Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023

Sáng 29/6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố.

Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023-1

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận làm rõ hai nội dung: Kết quả công tác cải cách hành chính; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp Thành phố; Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 

Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023-2

Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì Hội nghị
 
Đến tháng 6/2023, đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022
 
Báo cáo về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt - nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ.
 
Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, Thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023, đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022. Đồng thời, Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, Thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị. 
 
Về cải cách tài chính công, Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo yêu cầu của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong 5 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã giải ngân 10.926,8 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch. Triển khai kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, đã có 45/50 đơn vị ban hành kế hoạch chi tiết, đảm bảo các mục tiêu UBND Thành phố đã giao. Đối với 5 đơn vị còn lại, Thành phố đã chỉ đạo hoàn thiện Kế hoạch để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
 
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.
 

Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023-3

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh báo cáo tại Hội nghị
 
Đối với việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp Thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 xếp thứ 30/63) và là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%. 
 
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Thành phố Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021), chưa đạt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ và Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND Thành phố.
 
Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố (DDCI), báo cáo UBND Thành phố trong quý I/2024; Triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng Bộ chỉ số này định kỳ hàng năm. Giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI.
 
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch CCHC, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số thành phố; Kế hoạch hoạt động của Tổ Công tác cải thiện, nâng cao các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố (PARINDEX, SIPAS, PAPI, PCI). Đồng thời, thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối da và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
 
Sẽ lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện để thí điểm phân loại rác thải tại nguồn
 
Trình bày báo cáo Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, từ 01/01/2023, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo phân cấp, UBND cấp huyện thực hiện quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công tác thu gom, vận chuyển. Đối với thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, UBND quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp quản lý thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trên địa bàn: duy trì vệ sinh đường phố bằng cơ giới kết hợp thủ công; duy trì vệ sinh đường phố bằng xe quét hút; duy trì vệ sinh hè phố bằng thủ công; thu gom rác đường phố ca đêm; duy trì vệ sinh ngõ xóm; thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về nơi xử lý.
 
Hiện nay, về các trạm trung chuyển quy mô cấp huyện, một số trạm trung chuyển đã đầu tư, vận hành theo hình thức xã hội hóa tại: Lâm Du, quận Long Biên; Phú Minh, huyện Phú Xuyên; Cao Dương, huyện Thanh Oai. Các điểm chuyển tải, tập kết rác thải trên địa bàn các huyện được xác định tại các vị trí phù hợp, gần đường giao thông thuận tiện cho việc tập kết, thu gom vận chuyển rác thải.
 
Triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phân loại rác, UBND Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề án phân loại phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Sau khi có Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hiện đang trong quá trình soạn thảo theo quy định tại khoản 5 điều 79 Luật Bảo vệ môi trường), UBND Thành phố sẽ chỉ đạo hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện.
 

Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023-4Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường báo cáo tại Hội nghị
 
Nêu khó khăn, hạn chế về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thành phố không đồng đều nên khó áp dụng đồng bộ về cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh môi trường, khó khăn trong việc xác định vị trí các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời. Một số địa phương còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng phân cấp; công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên. Năng lực một số đơn vị duy trì vệ sinh môi trường còn chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả, người dân còn chưa quan tâm tới việc phân loại rác, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường còn chưa nghiêm, còn tình trạng xả rác bừa bãi.
 
Đối với việc thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm và Huyện Gia Lâm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường”. Trong đó, sẽ đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở thực hiện.
 
Nội dung phương án tập trung thí điểm phương án phân loại theo quy định của Luật (trong khi chờ Thông tư hướng dẫn chi tiết) và phù hợp với địa phương hiện nay; nghiên cứu, thí điểm mô hình thu phí hộ gia đình qua lượng thải; mô hình thu gom vận chuyển kết hợp với làm sạch đường phố; định hình phương án xử lý chất thải đầu cuối khi thực hiện công tác phân loại; giải pháp khắc phục các tồn tại trong công tác duy trì vệ sinh môi trường.
 
Đồng thời, trong thời gian thực hiện thí điểm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, thu thập số liệu xây dựng Quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thực hiện trình UBND Thành phố ban hành làm căn cứ để 30 quận, huyện đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ.

 

Theo Hanoi.gov
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2858225/hoi-nghi-giao-ban-thuong-truc-thanh-uy---hnd---ubnd-thanh-pho-voi-lanh-ao-cac-quan-huyen-thi-xa-quy-ii2023.html

Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.