Thông tin bất ngờ từ người ký tờ trình mua "áo mưa 1 triệu" ở Thái Bình

Trưởng phòng Hành chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình chia sẻ, chính ông cũng không biết loại áo mưa mà Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh này đề xuất mua là loại gì.

Liên quan đến việc Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình có tờ trình đề xuất xin kinh phí mua bộ đồ đi mưa phục vụ công tác PCTT&TKCN tới Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh này, PV đã nhận được thông tin bất ngờ từ người ký tờ trình đề xuất này.

Cụ thể, theo tờ trình số 02 được ông Phạm Văn Dụng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình ký ngày 9.1.2018, được gửi tới UBND tỉnh Thái Bình với mục đích xin kinh phí mua bộ đồ đi mưa để thực hiện nhiệm vụ công tác PCTT&TKCN năm 2018.

Trong tờ trình của mình, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình “trình UBND tỉnh cho phép sử dụng quỹ Phòng chống thiên tai trang bị bộ đồ đi mưa (bao gồm mũ, áo mưa, ủng, dép rọ) cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy; HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; lãnh đạo các sở, ban, ngành được cử tham gia PCTT tại các huyện, thành phố; các đồng chí Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật ngành NN& PTNT tham gia công tác PCTT năm 2018”.

Kinh phí ước tính cụ thể được Ban này trình như sau: Áo mưa size L 50 bộ với giá 1triệu đồng/bộ; áo mua size XL 150 bộ với giá 1 triệu đồng/bộ; áo mưa size XXL 100 bộ với giá 1triệu đồng/bộ; ủng cao su 300 đôi với giá 120 nghìn/đôi; mũ cối 300 cái với giá 100 nghìn/cái; dép rọ 300 đôi với giá 100 nghìn/đôi.

Tờ trình của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình gửi tới UBND tỉnh này xin mua trang bị đi mưa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Tổng chi phí mà Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình tính trong tờ trình gửi tới UBND tỉnh này, xin sử dụng quỹ Phòng chống thiên tai để trang bị bộ đồ đi mưa trên là 396 triệu đồng, chỉ tính riêng áo mưa 300 bộ đã hết 300 triệu đồng.

Ngay sau khi thông tin về tờ trình được chia sẻ, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều về mức giá của bộ đồ đi mưa do Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình Phạm Văn Dụng ký.

Nhiều người cho rằng, số tiền để trang bị bộ đồ đi mưa theo như đề xuất trên của Ban chỉ huy là lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Dư luận bày tỏ ý kiến gay gắt, đề nghị phải làm rõ những căn cứ để Ban này có thể đưa ra mức giá như vậy.

Ở ý kiến ngược lại, nhiều người cũng cho rằng, giá cho bộ đồ đi mưa được trình tới UBND tỉnh Thái Bình là mức giá chấp nhận được, có thể thấp hơn giá thực tế. Các ý kiến phân tích, với những bộ đồ áo mưa chuyên dụng được nhập khẩu, giá trị có thể lên tới 2, 3 triệu đồng/bộ.

Trước diễn biến này, PV Dân Việt đã liên hệ tới ông Phạm Văn Dụng để tìm hiểu thông tin xung quanh. Sau rất nhiều lần thoái thác, né tránh, đến phút cuối, vị phó trưởng Ban Chỉ hủy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình đã có thông tin bất ngờ.

Theo đó, vị giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình nói: “Tôi nghĩ là tờ trình đề nghị của chúng tôi không được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, không triển khai thực hiện nên cũng chẳng cần nói thêm điều gì”.

Dư luận bày tỏ sự băn khoăn khi thông tin này được chia sẻ từ chính vị Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình. Bởi, trước việc có nhiều ý kiến trái chiều về đơn giá của bộ đồ đi mưa đề xuất, đơn vị này không đưa ra được căn cứ nào. Loại áo mưa được đề xuất không nói rõ thuộc thương hiệu, chất lượng gì cũng như các chủng loại cụ thể của các vật dụng khác trong đề xuất.

Nếu đề xuất này của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình được chấp thuận, số tiền trang bị này sẽ được lấy từ quỹ PCTT của tỉnh. Chính sự mập mờ thông tin của Ban này liên quan đến tờ trình khiến cho dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về giá trị thực tế của những trang bị đi mưa được đề xuất.

Là một đơn vị PCTT&TKCN chuyên thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và kinh tế của vùng, việc Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình tự đề xuất sử dụng kinh phí để trang bị đồ PCTT không rõ ràng về thông tin, đơn giá là điều khó chấp nhận.

Để minh bạch thông tin, cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thái Bình cần làm rõ những vấn đề và trách nhiệm của người liên quan, tránh tình trạng “thích thì đề xuất, không được chấp nhận thì bỏ”, không vì lợi ích của nhân dân để chấm dứt tình trạng này.

Trưởng phòng Hành chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình chia sẻ, chính ông cũng không biết loại áo mưa mà Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh này đề xuất mua là loại gì.

Trước đó, ngày 9.6, trả lời báo giới, ông Đặng Cao Vi - Trưởng phòng Hành chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình cho biết, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản tạm dừng, không chấp thuận việc này.

Theo đó, số dư quỹ PCTT của tỉnh còn lại để dự phòng cho công việc cấp bách về PCTT năm 2018. Căn cứ vào kết quả thu quỹ PCTT của tỉnh năm 2018, sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí, mua sắm sau.

Khi được hỏi về chủng loại, thương hiệu của các loại đồ đi mưa mà Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình đề xuất, ông Vi trả lời: “Tôi không biết áo mưa loại đó là loại gì. Từ trước đến nay, chúng tôi mặc loại áo mưa có giá dao động vài chục nghìn đến 100.000 đồng/bộ. Tôi phải nói thế này, đó chỉ là tờ trình dự kiến mà thôi, chứ UBND tỉnh có duyệt đâu, mà có duyệt thì chắc cũng phải điều chỉnh”.

Theo Dân Việt


mua áo mưa 1 triệu

áo mưa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.