Khổ vì công nghệ

Nhiều chị than thở vợ chồng ngày càng ít trò chuyện với nhau vì ai cũng mải mê chìm vào thế giới riêng của mình với iPhone, iPad.

Nhiều chị than thở vợ chồng ngày càng ít trò chuyện với nhau vì ai cũng mải mê chìm vào thế giới riêng của mình với iPhone, iPad.

Gặp nhau ở thang máy công ty, chị Thúy Hiền, đồng nghiệp của tôi, hớn hở khoe: “Mấy bữa nay điện thoại hư, mượn cái điện thoại cùi bắp cũ của chồng xài thế mà ngủ ngon hết biết”. Tôi ngạc nhiên: “Điện thoại và ngủ ngon có liên quan gì với nhau?”. Chị cười: “Thì khỏi vào mạng, chát chít, Facebook… nên ngủ sớm, ngủ yên cả đêm”.

Mỗi người một thế giới riêng

Trong nhà, không chỉ chị Thúy Hiền mê mẩn cái smartphone mà chồng con chị cũng đắm đuối với công nghệ. Chị kể: Ban ngày thì cha mẹ đi làm, các con đi học. Chiều về, sau bữa cơm, mỗi người đều lên phòng, chìm vào thế giới riêng của mình. Chị thì ôm điện thoại lên Facebook, chát cùng bạn bè; còn ông xã thì dán mắt vào iPad xem xe hơi, đồ công nghệ mới, đọc báo trên mạng. Thằng con 5 tuổi cũng ôm miết cái tivi đến giờ đi ngủ. “Mai mốt cô giáo bảo làm tập làm văn tả cảnh sinh hoạt gia đình em, nếu tả thật gia đình chị thì eo ơi...” - chị cười.

Minh họa: ZARA

Không chỉ riêng gia đình chị Hiền mê công nghệ, nhiều chị sinh hoạt trong “Hội có con tuổi mèo” cùng tôi cũng than thở: Lâu quá rồi hình như chúng mình chẳng nói chuyện gì với nhau ngoài những câu cần phải nói vì phần lớn thời gian cắm mặt vào iPhone, iPad. Không nói chuyện, không chia sẻ cũng đồng nghĩa với tình cảm vợ chồng, các thành viên trong gia đình cũng ngày một xa cách dù hằng ngày họ vẫn sống chung mái nhà, ăn chung bữa cơm. Thúy Lan, bạn thời trung học của tôi, kể: “Chuyện mình bị quệt xe ai cũng biết (vì được cập nhật trên Facebook) chỉ riêng chồng mình không biết, mình buồn nên cũng không muốn kể. Tình cảm của tụi mình dạo này xa cách, lạnh nhạt quá”.

Gia đình xào xáo

Anh Minh Đức, giáo viên một trường THPT ở quận 1 - TPHCM, cũng than thở: mạng ảo, đồ công nghệ đã “chiếm trọn” vợ anh. Chị Thùy, vợ anh Đức, là người nghiện mạng xã hội rất nặng. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào anh cũng thấy vợ trên mạng, cập nhật trạng thái liên tục. Anh buồn bã: “Tôi không phản đối mạng xã hội vì bản thân tôi cũng có tài khoản với vài trăm người bạn nhưng không phải chuyện gì cũng nói trên đó được”.

 Chưa kể chị Thùy có tật hay ghen. Cô nào hay vào Facebook của anh Đức hỏi thăm thì trên Facebook của chị đầy những dòng ẩn ý, rồi các kiểu than thở, trách móc, nói xa, nói gần. Chị lại thích “dìm hàng” chồng trên Facebook với các kiểu ảnh quần đùi cởi trần khi đang lau nhà, dọn phòng vệ sinh hay lúc đang say rượu. Các kiểu ảnh “đạt yêu cầu” của chị là mặt chồng phải xấu, dáng nằm phải cong, tóc tai quăn queo... “Lúc đầu tôi cũng mặc kệ nhưng sau thì hết chịu nổi đành phải góp ý với vợ xóa mấy cái hình đó vì tôi đâu phải diễn viên mà cập nhật cả cảnh “hậu trường”, người khác xem bình phẩm rất ngại. Nhưng bà xã cứ điềm nhiên như không có việc gì xảy ra. Tôi đành “block”  (chặn) luôn Facebook của cô ấy”.

Mới đây, trên Facebook của Bích Dâng, bạn tôi, xuất hiện status: “Vợ vừa nấu cơm vừa Facebook. Chồng thì chát với bạn ở nước ngoài vừa trông con. Vợ chồng thời công nghệ thiệt sướng”. Chẳng biết sướng không mà chồng Dâng thỉnh thoảng vẫn phải ăn cá khét, canh mặn... vì vợ mải mê trên mạng. Và gần đây nhất, vợ chồng phải mang thằng con hơn 1 tuổi vào bệnh viện khâu 5 mũi vì chồng mải lo chát chít để con leo cầu thang té chảy máu đầu.

Theo NLĐ
 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.