Hà Nội - Những quán ăn uống gợi nhớ thời bao cấp

Giữa một Hà Nội mới tấp nập hào nhoáng, đôi lúc lòng người lại muốn tìm về những góc trầm lắng, nhẹ nhàng - nơi lưu giữ kí ức một thời kì đáng nhớ - thời mậu dịch.

Bao cấp là thời điểm khó khăn và cũng là thời điểm lưu giữ nhiều dấu ấn trong lòng những ai đã từng sống trong thời kì đó. Có hiểu hơn về ngày hôm qua thì mới thấy yêu thêm những giá trị của ngày hôm nay.

Vì vậy, nhiều mô hình quán ăn, đồ uống tại Hà Nội đã chọn phương thức kinh doanh mang phong cách thời bao cấp, mang tới nhiều địa điểm gặp gỡ độc đáo cho nhiều thế hệ người Hà thành.
 
1. Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 
 
 
 
Dù nằm khuất trong một con ngõ nhỏ ven hồ Trúc Bạch nhưng từ lâu, người Hà Nội đã biết tới tiếng tăm của quán ăn phong cách thời bao cấp mang cái tên giản dị "Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37". 
 
 
 
Không gian quán được chủ nhân chọn là nơi trưng bày nhiều đồ vật cũ gắn liền với kỉ niệm thời tem phiếu như đôi dép bọt, đồng hồ, tivi đen trắng, quạt cổ, nón lá, bộ tem phiếu cũ, những bức thư đã nhòe chữ, ngả màu hoen ố do thời gian, những túi quà tết… Hệ thống âm thanh cũng được phát từ đài cassette cũ với âm vực rè rè gợi thời quá vãng.
 
 
 
Chủ quán đã mất 5 năm để sưu tầm lại các hiện vật cũ, từ chiếc xe đạp cũ, đôi dép cao su, chiếc bát, cái ca sắt tráng men tới những chiếc đài cát sét. Cửa hàng cũng tái hiện lại không gian mậu dịch bằng cách gọi đồ bằng tem phiếu, nhân viên phục vụ hay quản lý là các "mậu dịch viên", "cửa hàng trưởng"; bàn ghế  được sáng tạo từ chân máy khâu cũ, ăn bằng những chiếc bát sắt tráng men mang lại trải nghiệm thích thú cho thực khách.
 
2. "Cộng" Cà phê
 
 
 
Chuỗi cửa hàng cà phê Cộng từ lâu đã là địa chỉ thân quen tại Hà Nội cho cả giới trẻ ưa trải nghiệm và những người muốn tìm lại hoài niệm cũ. Người Hà Nội gọi Cộng bằng biệt danh rất ấn tượng - cà phê "đồng nát" giá sang chảnh - bởi đồ uống ở đây có giá khá cao so với mặt bằng chung, nhưng bù lại không gian quán lại mang đậm chất cổ điển, khơi gợi nhiều kí ức thời kì bao cấp.
 
 
 
 
 
Các quán Cộng đều có không gian mang đậm chất xưa cũ, khéo léo gợi lại tiềm thức khách hàng với ghế gỗ, ghế cắt tóc và bàn máy khâu.Những vật dụng này, theo lời nhiều người kinh doanh, vừa có vô giá lại vừa... vô giá trị. Với những người bình thường, chiếc ghế gỗ sơn xỉ, chiếc bàn máy khâu hỏng chỉ là đồ "đồng nát" bỏ đi, nhưng với những người có tính sáng tạo, các vật dụng này lại trở thành điểm nhấn. Tại Cộng cà phê, chính cách trưng bày như vậy là yếu tố ghi điểm.
 
 
 
Gần đây, Cộng đã chính thức giới thiệu tới khách hàng dịch vụ tái hiện bữa cơm thời bao cấp tại địa chỉ  Cộng 100A Xuân Diệu. Những cơm độn khoai, tép vào khế, dưa chua xào tóp mỡ đặt trên mâm đồng cũ kí ám màu thời gian, bên ngọn đèn dầu hiu hắt phần nào gây ấn tượng với thực khách tới quán.
 
 
 
Cộng cà phê hiện có các cửa hàng trên nhiều phố lớn như Nguyễn Hữu Huân, Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Trúc Bạch, Nhà Thờ...
 
3. Hợp Tác Xã Ăn Uống 46 An Dương
 
 
 
Cái tên nghe có vẻ rất "mậu dịch" nhưng thực tế lại là một nhà hàng lịch sự với đủ món ngon hấp dẫn mà giá cả thì khá dễ chịu, vừa tầm "hợp tác xã". Và cũng để tương xứng với quy mô "Hợp tác xã", diện tích của khu ăn uống này lên tới 400m2 với đầy đủ sân trời cây cảnh, phảng phất hơi thở thời mậu dịch nhưng cũng khá gọn gàng, sạch sẽ. Những chiếc bóng đèn "cổ lỗ sĩ" treo lủng lẳng trên trần nhà, hoặc chiếc bàn gỗ tiếp khách "to uỳnh" thô sơ mà chắc chắn, rồi tấm bảng lớn màu đỏ với khẩu hiệu quen thuộc: "Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua", hay từng cái đĩa, cái bát tuy đơn điệu nhưng không bao giờ quên đóng dấu "HTX"...
 
 
 
Thực đơn quán "ôm đồm" từ những món bình dân xưa cũ như bún đậu mắm tôm,rau mùng tơi xào,lợn mán tới những món cầu kì như trong cách thực đơn nhà hàng Châu Âu. Bởi vậy, khách tới quán không chỉ là những người Việt ưa chuộng sự cổ điển mà còn có nhiều vị khách nước ngoài.
 
4. "Độc" Cà phê 
 
 
 
Nằm trên con phố Triệu Việt Vương đông người qua lại, quán cà phê tên "Độc" thu hút người Hà thành bởi kiểu thiết kế lấy cảm hứng từ thời "bao cấp" từ bàn ghế, vật dụng trang trí mà chủ nhân phải kiên trì lùng sục khắp nơi mới mua được. Bước vào quán, ấn tượng đầu tiên đối với mỗi thực khách là một hình nộm đeo chiếc mặt nạ phòng độc, và đó cũng chính là ý tưởng để người chủ đặt tên cho quán cà phê của mình là: “Độc”. 
 
 
 
Khám phá thêm mới biết, tất cả những đồ vật trưng bày ở đây từng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam vào thời bao cấp, những năm thuộc thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Đó là chiếc  tivi đen trắng, máy đánh chữ, điện thoại quay số, chiếc cặp lồng đựng cơm... Trên tường là những bức tranh cổ động đan xen những khoảng gạch mộc thô sần sùi. Bàn ghế dùng trong quán cũng được tận dụng từ những chiếc bàn máy khâu hiệu Singer cũ và những thùng máy thông tin liên lạc từng theo chân người lính trong thời chiến hay những chiếc va li cũ nhuốm màu thời gian. 
 
 
Tại Độc còn có một góc thủ công tinh tế, dành trưng bày những món đồ handmade được hoàn thiện một cách tỉ mẩn.  Những món đồ này luôn đem đến cho các bạn trẻ cảm giác mới lạ, hứng thú vì tính chất lạ, độc đáo riêng có của nó.
 
Vì ông chủ là một người Việt trẻ đã từng có thời gian 7 năm du học tại Pháp nên menu đồ uống tại Độc là sự pha trộn giữa phong cách hoài cổ Việt với hương vị tinh tế cổ điển nước Pháp. Những món cà phê Monaco, hay cà phê Viennoise, cà phê Galaxy đều rất được lòng thực khách.
 
Theo Depplus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.