Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng

Chỉ bán từ 10h sáng đến độ 18h là hết sạch, thậm chí có lúc cao điểm lên đến gần trăm người xếp hàng dài ra.

Chỉ bán từ 10h sáng đến độ 18h là hết sạch, thậm chí có lúc cao điểm lên đến gần trăm người xếp hàng dài ra tận mặt đường Lạc Long Quân, phải cầm số đứng đợi, nhưng hàng bánh rán "cóc" này vẫn hấp dẫn thực khách vô cùng, khiến họ sẵn sàng chịu nắng nôi mưa gió để được ăn miếng bánh nổi danh Tây Hồ.

Được mấy chị đồng nghiệp "cảnh báo" sẵn rằng sẽ có nguy cơ phải chờ hết nửa buổi chiều mới có thể cầm trên tay một bát bánh rán, nên tôi đã rủ bạn đi cùng đến rõ sớm. Mới hơn 2h một tẹo, đi ngang qua hồ Tây tôi phải nheo tít mắt vì mặt hồ phản chiếu chói chang. Đã là cuối tháng 9 mà vẫn oi bức như mới đầu hè vậy.

Bước xuống con dốc lớn ngay đầu ngõ 242 đường Lạc Long Quân, tôi nhìn thấy ngay quán bánh rán trứ danh bởi 6 chiếc chảo to đùng xếp 2 hàng trên bếp. Chỉ có điều khác với "cảnh báo" là quán chưa có cảnh xếp hàng nườm nượp. Chắc tại hôm ấy vẫn còn hơi nóng nực. Quán nằm ngay cổng đền thờ chúa bà Phan Thị Ngọc Đô, nếu không nhớ địa chỉ chỗ này thì chỉ cần đi loanh quanh hỏi lối xuống đền thì người dân ai cũng biết.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 1.

Hàng bánh rán nhỏ nổi tiếng trong ngõ Lạc Long Quân.

Mẻ bánh mới buổi chiều chưa ra lò, may là tôi vẫn được nếm mấy chiếc bánh mặn vừa rán xong buổi trưa. Hai bác lớn tuổi cùng mấy chị gái đang bận trộn nhân bánh, pha trà đá, đậu nành, ai cũng tất bật vì khách có thể kéo tới đông đúc bất cứ lúc nào. Nếu ngồi nghỉ ngơi thì trở tay không kịp.

Cầm thìa xúc miếng bánh vàng ươm đã được xắt nhỏ, lộ rõ nhân miến thịt hấp dẫn còn bốc khói bên trong, tôi không ngần ngại ăn ngay lập tức. Chao ơi, quả đúng như lời đồn, bánh rán mặn ở đây ngon bá cháy. Vỏ bánh giòn tan, cho vào miệng là mềm mịn, nhân bánh được nhồi khá đặc biệt, để nguyên miếng thịt heo thái lát cuộn chặt bên trong nên lúc nhai cảm nhận rõ vị ngọt thịt, trộn lẫn với nấm, miến sần sật.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 2.

1 suất cho 1 người ăn thường là 2 bánh mặn, cắt nhỏ ra chiếc bát ăn cơm.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 3.

Phần vỏ bánh khá mỏng, được chiên vàng giòn, nhân thì đầy ụ, thơm phức, bao ngon.

Và tôi cũng để ý, nước chấm chua ngọt ở đây được rưới trực tiếp lên chiếc bánh được cắt nhỏ, kèm đu đủ cà rốt bóp sẵn, bóng mượt như siro, chứ không cho riêng ra bát con như những hàng bánh rán khác tôi từng ăn ở Hà Nội. Đủ thứ hương vị đậm đà quyến rũ hòa vào nhau, quấn quýt vị giác, ấn tượng vô cùng. Chỉ là một chiếc bánh, mà nói không ngoa thì nó như một món ẩm thực đầy nghệ thuật đựng trong chiếc bát nhựa bình dân.

Ăn gần hết bát bánh thì những vị khách khác bắt đầu kéo đến. Quán bánh nhỏ mà cả chục nhân viên phục vụ, người trộn bột, người nặn bánh, người trông bếp, người rót trà, tính tiền... Thế mà vẫn không xuể. Số tôi không may khi tới vào ngày không đông khách lắm, nên chẳng được chứng kiến cảnh mấy chục con người chen chúc nhau đứng toát mồ hôi để được mua bánh mang về. Chị gái nặn bánh thủng thẳng cười bảo: "Mọi khi trời mát, nhất là cuối tuần, cứ 3h chiều đổ đi là đông nghịt người, ngồi nặn không kịp để rán".

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 4.

Quy trình làm bánh rán khá đơn giản, nhưng khâu trộn bột là quan trọng nhất. Bột bánh ở đây có màu hồng nhạt lạ mắt, được trộn rất mịn.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 5.

Nhân bánh có miến, mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn, trộn sẵn gia vị.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 6.

Chiếc bánh có lớp áo rất đẹp mắt, bóng mịn như heo sữa tí hon.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 7.

Chiếc nào nặn xong đều được thả luôn vào chảo. Bếp dùng để rán cũng khá đặc biệt, dùng dầu hỏa chứ không phải bếp gas hay than củi, tổ ong.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 8.

Điểm nổi bật nhất khiến mọi người nhớ đến hàng bánh rán là... 6 chiếc chảo to đùng nối tiếp nhau, 1 chiếc bánh phải chao qua dầu sôi 4-5 lần mới "đạt chuẩn".

Tôi lân la trò chuyện với mấy cô dì ngồi hóng mát dưới gốc ngọc lan gần đó, ai cũng gật đầu bảo chuyện xếp hàng dài từ quán ra tận đầu dốc mặt đường Lạc Long Quân không phải là "chém gió". Ôi, đoạn dốc ngắn mà cũng phải hơn 20 mét chứ chẳng đùa.

Nhìn khuôn mặt ngạc nhiên đầy vẻ nghi ngại của tôi, chị Hoa (45 tuổi) chủ quán bánh rán bật cười, kể cho tôi nghe những ngày "vỡ trận", chị phải ngồi cắt bánh, múc sốt mỏi cả tay, khách được phát miếng bìa tí hon đánh số theo thứ tự, chị gọi đúng lượt ai mới được lấy bánh, không thì chỉ có đứng chờ dài ngoẵng cả cổ, có khi cả tiếng đồng hồ bụng vẫn đói meo. Thế nên mấy cô hóng mát mới trêu, quán bánh cô Hoa giờ cao điểm nhìn không khác nơi tổ chức giải thi xem ai kiên trì nhất.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 9.

"Biên chế" ở quán bánh rán khá đông...

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 10.

... mỗi người chăm chú một việc.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 11.

Phải xếp cả "dây chuyền sản xuất" đông như thế mới kịp phục vụ các thực khách đến ăn giữa trời nóng nực.

Kể cũng lạ, chẳng riêng gì hàng bánh rán nức tiếng khu Tây Hồ này, khắp Hà Nội có hàng trăm chỗ bán đồ ăn theo kiểu muốn thưởng thức là phải xếp hàng. Toàn tiệm gia truyền trứ danh như phở Bát Đàn, mì vằn thắn Nguyễn Biểu, bún ốc Nguyễn Siêu... Có nhiều yếu tố để người Hà Nội sẵn sàng mỏi chân đứng chờ, đi xa vài chục cây số để ăn một bát bún bát phở rồi đứng dậy đi về, thậm chí đồ ăn còn đắt gấp đôi gấp ba chỗ khác, nhưng họ vẫn hài lòng bởi họ thấy xứng đáng. Cái thú sành ăn của dân Hà thành, là vậy đó. Bất kể là món "sang chảnh" hay là món vỉa hè, chỉ cần họ tinh ý ăn thử thấy ngon, và "lịch sử ra đời" của món đó nhiều ý nghĩa, thì chắc chắn hàng quán chỗ đó sẽ đắt khách.

Chiếc bánh rán mặn nhà chị Hoa hội tụ đủ 2 điều cơ bản ở trên: ngon, và lâu đời. Chị Hoa xởi lởi kể tôi nghe sự tích quán bánh, thật sự khiến tôi ngạc nhiên vì hoài cổ quá đỗi.

"Mẹ tôi mở quán từ năm 90, bây giờ bà đã 82 tuổi rồi. Vẫn còn minh mẫn, nhưng bà không đủ khỏe để ngồi dãi nắng dầm mưa bên chảo bánh nữa. Bà sinh ra lớn lên ở làng Yên Thái cổ (Thụy Khuê bây giờ), chuyên làm giấy dó giấy bản, nhưng về sau nghề cũng mai một, rồi biến mất, mẹ tôi xoay sở bán bánh mưu sinh. Có người Hà Nội nào mà không biết câu ca 'Gió đưa cành trúc la đà/ Nhịp chày Yên Thái, canh gà Thọ Xương'. Chính là làng giấy nhà mẹ tôi đấy.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 12.

Và sản phẩm xinh xắn từ 6 chảo dầu là những chiếc bánh ngon lành xinh xinh...

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 13.

... giòn tan hấp dẫn như thế này.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 14.

Đây là chiếc bánh ngọt nhỏ nhắn nhân vừng dừa, mè đen.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 15.

Còn đây là bánh rán mặn "huyền thoại" bán chạy nhất ở hàng, với nước sốt đặc biệt.

Xưa mẹ quẩy gánh bán ở chợ Bưởi, cứ sáng sáng 1 thúng 2 quang gánh ra khỏi nhà. Giá bánh hồi ấy rẻ hều, loại ngọt 500 đồng, mặn 700 đồng, 2 nghìn 3 chiếc nóng hổi. Bây giờ thì ngọt 6000, mặn 7000 đồng. Ngọt hình tròn nhân vừng dừa mè, mặn hình dài nhân thịt.

Năm 2007 mẹ tôi dọn quán về cổng đền, đi từ nhà ra đây chỉ một đoạn thôi. Tôi vẫn nhớ hồi bé xíu, theo mẹ đi bán bánh, lúc ấy vẫn còn xe điện leng keng cơ. Thích nhất là hôm nào bán ế, mẹ tôi đem về hấp lá chuối hết, chia cho con cháu ăn, mời cả xóm làng".

Có lẽ vì tấm lòng thảo thơm và tâm huyết bỏ vào món bánh dân dã mà biết bao thế hệ người Hà Nội, nhất là quanh mạn hồ Tây, đều yêu mến hàng bánh gần 30 năm tuổi đời này, ghé qua ăn cả nghìn lần không chán, kiên nhẫn đứng đợi mà chẳng phàn nàn gì. Có gia đình cả 4 thế hệ, gần như chiều nào cũng tới ngồi ăn, hôm nào quá đông thì xếp hàng chờ mang về. Rồi có những người ở tận Long Biên, Hà Đông... nghe tiếng cũng lặn lội đi cả vòng thành phố, đánh ô tô đến ăn một bát bánh con con rồi cảm ơn chị Hoa ra về.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 16.

Hầu hết thực khách đến quán đều mua rất nhiều mang về để bõ công đi xa, chờ đợi.

Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 17.
Ngày thu, ghé hàng bánh rán mặn vỉa hè 30 năm tuổi gần Hồ Tây, đông tới mức khách phải lấy số xếp hàng - Ảnh 18.

Có những người chỉ kịp đến ăn miếng bánh rồi vội vàng đi.

10h sáng mới mở bán nhưng chị Hoa và mọi người phụ giúp ở quán đều vất vả từ sớm để chuẩn bị. Bà chủ "thừa kế" hàng bánh nổi tiếng tiết lộ, ngày nào cũng bán hết cỡ 10kg bột, 4 - 5kg thịt. Những ngày kỷ lục hết nhanh hết sớm thì không biết phải bao nhiêu mới đủ nhu cầu khách tới ăn. Mỗi lần phải cáo lỗi khách vì chẳng còn mẩu vụn bột nào, chị Hoa vừa mừng vừa ngại. Lúc tôi ra về, quán bắt đầu kín chỗ, phải xếp ghế sang bên vỉa đường đối diện, toàn nam thanh nữ tú dắt nhau tới ăn bữa quà chiều. Rồi các mẹ chở con đi học về ghé qua mua bánh lót dạ, lũ trẻ tò mò hỏi han ríu rít như đàn chim non. Cây ngọc lan bắt đầu nở hoa thơm ngát, chiều quanh đây thật yên bình. Bảo sao, người ta lưu luyến hàng bánh rán này đến vậy.

Theo Trí thức trẻ


bánh rán


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.