Bất ngờ với những rau quả dại tự nhiên thành đặc sản

Thậm chí có những loại rau, hoa, quả dại trước kia rất ít được chú ý hiện nay lại trở thành “đặc sản” khiến nhiều người săn lùng.

Thế giới ẩm thực vô cùng phong phú, từ sơn hào hải vị đến những món rất dân dã thôn quê nhưng không phải ai cũng từng được thưởng thức. Thậm chí có những loại rau, hoa, quả dại trước kia rất ít được chú ý hiện nay lại trở thành “đặc sản” khiến nhiều người săn lùng.

Cây Bèo tây (Lục bình)

Cây béo tây (miền Nam gọi là lục bình) không xa lạ gì với những người xuất thân từ nông thôn vì nó dễ sống và mọc dại rất nhiều ở các ao, đầm, sông…

Hiện nay, với người dân miền Bắc, loài cây này vẫn chỉ được dùng làm thức ăn cho động vật như lợn, gà, vịt hay để lọc sạch nước. Nhưng xuôi vào Nam Bộ, loài cây này lại được chế biến thành những món ăn ngon đến không ngờ.


Theo người dân Nam Bộ, lục bình là loại rau sạch, chứa nhiều acid amin, giàu vitamin và các loại khoáng vi lượng khác. Những cây lục bình có thể chế biến thành rất nhiều món: cọng non để ăn sống, nhúng lẩu, xào tỏi như rau muống; ngó để làm nộm, gỏi, dưa chua, xào thịt; hoa cũng có thể dùng để luộc, nấu canh… Tại nhiều nhà hàng, những món ăn từ lục bình cũng đắt tiền không kém nhiều loại rau khác.

Nho Chuỗi ngọc

Đây là loại nho nhập từ nước ngoài về với giá lên đến 2 triệu đồng/kg đang được nhiều người dân Hà thành đua nhau lùng mua. Loại nho này mỗi chùm chỉ vài quả, tròn mọng, to bằng đầu ngón tay. Điểm đặc biệt nhất của chúng là sự “trong suốt”, có thể nhìn thấu từ vỏ vào bên trong của trái.

Nho chuỗi ngọc ăn có vị chua thanh, không ngọt như các giống nho khác. Khi chín, quả có 4 màu đỏ, đen, hồng và trắng rất bắt mắt.


Tuy nhiên, loại quả này có nguồn gốc không hề “sang chảnh” như cái tên của nó. Nho chuỗi ngọc vốn dĩ là một loại quả mọc ven đường tại các quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan… Nó dễ mọc tới mức bị coi như một loại cây dại.

Cây Tầm bóp

Đối với người dân miền Bắc, cây Tầm bóp không xa lạ gì tại các vùng nông thôn, thậm chí thường xuyên bị nhỏ bỏ bởi loài cây dại này mọc nhanh và quá nhiều.


Trước kia, người dân tìm đến cây tầm bóp như một loại rau dại thay cơm, ăn cứu đói khi giáp hạt. Vậy nhưng với vị đậm đà đặc trưng của nó nhiều người trở nên ưa thích, coi chúng là đặc sản. Hiện nay, ở 1 số chợ vùng ven đô thỉnh thoảng cũng gặp người dân hái bán loại rau này, giá còn đắt hơn với các loại rau thông thường khác.

Ngoài ra, tầm bóp còn được biết đến với tác dụng làm thuốc rất hữu ích. Cụ thể, toàn cây tầm bóp có vị đắng, tính mát, không độc, quả có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, tiêu đờm, giảm ho...

Quả Thanh mai

Quả thanh mai, hay còn gọi là dâu rừng, tròn vo và chỉ nhỏ hơn quả mận chút xíu. Đây là loại quả rất “hot” trong mùa hè vừa qua. 

Thanh mai mềm mại như dâu tằm, ăn vào thì nước từ quả ứa ra. Đầu tiên là vị chua dịu dễ chịu, sau đó để vị ngọt nhẹ trên đầu lưỡi nên được rất nhiều người ưa thích.


Tuy nhiên, loại quả này chỉ mọc trên rừng vùng Sapa, Lào Cai vào mùa hè như một loài quả dại và cũng không có nhiều. Được biết, phần lớn lượng thanh mai được bán ở Hà Nội vừa hè vừa qua có xuất xứ từ Trung Quốc chứ người dân nước ta ít trồng.

Rau sắn

Vào mùa đông, món sắn luộc bở tung rắc vừng, dừa được bán khá phổ biến trên đường phố Hà Nội, nhiều người ưa thích. Thế nhưng lá của loại sắn thường được trồng làm bờ rào này cũng ăn rất ngon và đã trở thành đặc sản của vùng đồi núi, trung du Phú Thọ, Thạch Thất... thì không phải ai cũng biết.


Ngọn rau sắn chế biến được thành nhiều món ngon, như rau sắn luộc, rau sắn xào tỏi, rau sắn muối chua nấu móng giò hoặc cá....

Tuy nhiên, lưu ý rau sắn dùng để muối cũng như dùng để ăn tốt nhất phải là rau sắn nếp (hay còn gọi là sắn ta) có lá màu xanh, củ dùng để luộc ăn. Còn loại sắn Tàu lùn, hay còn gọi là sắn lá tre - vì lá của nó nhỏ và dài như lá tre, có màu tía thì nên hạn chế, vì loại này nhiều nhựa, chế biến không khéo ăn dễ bị say.

Hoa súng

Hoa súng thường mọc ở các ao, đầm, mương rạch vùng nông thôn và có nhiều ở các khu miệt vườn Nam bộ. Với người miền Bắc, đây đơn giản chỉ là một loại hoa mọc khá bắt mắt, đôi khi được lấy về trồng trong nhà làm cảnh.


Vậy nhưng với người miền Tây, loài hoa này đã trở thành đặc sản để chế biến nên rất nhiều món ăn ngon, ví dụ: món bông súng mắm kho, làm rau sống cho móm lẩu mắm, trộn gỏi, nấu canh chua … Hiện nay, loài hoa này đã được xếp vào một những món ăn dân dã nổi tiếng và thường có mặt trong thực đơn của khá nhiều nhà hàng sang trọng.

Bông so đũa

So đũa là loài cây mọc hoang, xuất hiện nhiều tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cây có quả dài như những chiếc đũa. Loài này có hai loại cây hoa màu trắng hay tím đỏ, nhưng đều có thể ăn được. Vị hoa so đũa nhẫn đắng, song ngọt hậu và có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, có tính mát.

Hoa so đũa có thể chế biến thành nhiều món canh, gỏi khác nhau như: gỏi bông đũa khô sặc, canh cá lóc bông so đũa, canh chua bông so đũa… hay để ăn như rau trong các món lẩu. Vị đắng ngọt của hoa rất dễ chịu, đủ khiến người ăn nếm một lần nhớ mãi.


Chỉ cần ngắt hoa nở vừa độ, rửa sạch là có thể đem chế biến. Cánh hoa so đũa khá mỏng và nhanh bị nhừ nát, nên thời gian chế biến đòi hỏi độ chính xác cao, tránh không để quá lửa khiến hoa không còn giòn ngon.

Ngoài ra, còn khá nhiều những cây, hoa, quả dại khác cũng có thể ăn và được yêu thích như: Quả sung, rau má, rau sắng, bông điên điển, quả bần, quả gáo... Chắc hẳn sẽ có người bất ngờ bởi chưa từng nghe tới những món ăn có tên gọi này, tuy nhiên, ở từng vùng miền xa xôi chúng lại rất quen thuộc và là đặc sản rất riêng của người dân nơi đó.

Khánh Vân/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.