Những thiên đường du lịch Việt ngày càng tệ

Trên đảo Lớn ở Lý Sơn, rác xuất hiện khắp nơi, dồn ở bến cảng, dọc bờ kè quanh đảo, trong các con mương, những điểm tham quan chính.

Việt Nam được thiên nhiên phú cho nhiều cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, đa dạng, từ rừng, biển tới hang động, núi non... không thua kém những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới. Điều đáng buồn là phần lớn các điểm đến sau một thời gian khai thác du lịch đều trở nên xuống cấp, ô nhiễm mà mất dần sức hấp dẫn với các du khách cả trong và ngoài nước.

Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Hòn đảo xinh đẹp này là địa điểm du lịch đông khách của Quảng Ngãi. Không có gì khó hiểu khi ai cũng muốn được một lần đặt chân lên Lý Sơn với biển xanh, những vách đá hùng vĩ, đảo Bé hoang sơ, các món hải sản thơm ngon... Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi của cả người dân địa phương và du khách trong suốt thời gian qua, đặc biệt là vài năm gần đây, đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Trên đảo Lớn, rác xuất hiện khắp nơi, dồn ở bến cảng, dọc bờ kè quanh đảo, trong các con mương, những điểm tham quan chính. Đảo Bé trước đây còn hoang sơ và sạch đẹp, hiện giờ rác cũng đã bắt đầu xuất hiện và có chiều hướng tăng dần do đã có các cơ sở nghỉ dành cho du khách.

Rác ở cảng chính của Lý Sơn. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Rác ở cảng chính của Lý Sơn. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Đảo Lớn đã trở nên xô bồ và thường quá tải vào các dịp nghỉ lễ, lượng phòng và dịch vụ tự phát trên đảo không đủ đáp ứng cho du khách. Ngoài ra, do không có các biện pháp bảo vệ, nhiều người lo ngại cổng tò vò nổi tiếng của đảo có thể sẽ sập xuống khi liên tục có quá nhiều khách trèo lên chụp ảnh.

Đảo Bình Ba (Khánh Hòa)

Bình Ba là đảo nổi tiếng và được nhiều du khách tìm đến nhất của xã đảo Cam Bình, cách thành phố Cam Ranh khoảng 2 giờ đi tàu. Với làn nước trong vắt, san hô tuyệt đẹp, hải sản tươi ngon, Bình Ba từng được mệnh danh là thiên đường biển đảo của Việt Nam, thậm chí còn có nhận xét rằng hòn đảo này đẹp hơn cả Phuket của Thái Lan.

Tuy nhiên, do lượng khách đến đây ngày một tăng, trong khi cơ sở hạ tầng và dịch vụ trên đảo chưa đáp ứng kịp. Môi trường đã trở nên ô nhiễm do lượng rác thải lớn từ sinh hoạt và các hoạt động du lịch. Tại khu vực bến cảng, rác dồn thành từng mảng, phần lớn nước thải và rác từ các bè nuôi, gian hàng phục vụ du khách đều xả thẳng xuống biển.

Trên đảo chưa có cơ sở hạ tầng và dịch vụ chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch, phần lớn đều là do người dân tự tổ chức. Vào dịp cuối tuần, lượng khách đến đảo nhiều nên thường xảy ra tình trạng cháy phòng. Bình Ba cũng dần mất đi vẻ hoang sơ, tĩnh lặng mà trở nên xô bồ, nhộn nhịp hơn. Nếu không có hướng đi đúng, Bình Ba có nguy cơ sẽ trở thành một Lý Sơn thứ hai.

Fansipan (Lào Cai)

Nóc nhà Đông Dương ở Việt Nam được coi là một trong những mục tiêu chinh phục của nhiều người mê du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ. Hàng đoàn kéo lên đây nhưng chỉ cần một bộ phận không có ý thức là đã thấy rác rải dọc đường leo. Bao nilon, chai lọ làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của Fansipan.

Công trường xây dựng cáp treo ngổn ngang, trơ trụi do chặt cây gần đỉnh Fansipan. Ảnh: Lao Động.

Công trường xây dựng cáp treo ngổn ngang, trơ trụi do chặt cây gần đỉnh Fansipan. Ảnh: Lao Động.

Gần đây, việc xây cáp treo đã ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan của khu vực này. Nhiều người lo ngại sau khi cáp treo xây xong, Fansipan sẽ không còn giữ được giá trị và vẻ đẹp như xưa mà bị thương mại hóa và có nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề hơn.

Sa Pa (Lào Cai)

Có thể nói “Thành phố trong sương” là điểm du lịch đông khách nhất miền Bắc, nhất là từ sau khi tuyến đường Hà Nội - Lào Cai được thông xe, rút ngắn thời gian đi lại tới gần một nửa. Những vấn nạn như đeo bám, ăn xin, “chặt chém” vẫn tái diễn dù đã bị nhiều du khách phàn nàn. Sa Pa đang mất dần những nét đặc trưng và văn hóa dân tộc, trở nên xô bồ, luộm thuộm.

Mộc Châu (Sơn La)

Những vườn mận, đào, những vạt hoa cải giữa thung lũng núi đồi và các món đặc sản dân tộc đã khiến Mộc Châu trở thành điểm đến được nhiều người yêu thích. Điều đáng tiếc là những năm gần đây, diện tích trồng hoa đã bị thu hẹp, giá cả dịch vụ ngày một cao. Giá phòng cũng như đồ ăn ngày một tăng dù chất lượng không được cải thiện.

Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)

Hệ thống hang động của Quảng Bình thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước với sự kỳ vĩ hiếm nơi nào có được. Tuy nhiên, do sự vô ý thức của du khách tham quan mà các hang động được khai thác du lịch đại trà đang ngày càng xuống cấp.

Nhiều thạch nhũ bị du khách sờ tới đen bóng, nhiều người còn nhét tiền lẻ vào các khe để cầu may, cố tình ngồi lên để tạo dáng chụp ảnh dù đã được nhắc nhở và có rào chắn.  Ngoài ra, lượng rác thải bừa bãi ở cửa khu du lịch và đường dẫn tới đây cũng đang ngày một nhiều lên, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Nước và rác sủi bọt, bốc mùi ở thác Cam Ly. Ảnh: Phunuonline.

Nước và rác sủi bọt, bốc mùi ở thác Cam Ly, Đà Lạt. Ảnh: Phunuonline.

Đà Lạt (Lâm Đồng)

Được mệnh danh là Thành phố Tình Yêu, Đà Lạt là điểm đến yêu thích của những du khách muốn có một kỳ nghỉ thư thái, lãng mạn. Sự phát triển về du lịch đem lại cho người dân mức thu nhập cao hơn, nhưng cũng kéo theo nhiều bất cập.

Đà Lạt đã mất đi nhiều vẻ mộng mơ xưa cũ, những kiến trúc đặc trưng đã bị thay thế bởi những ngôi nhà xây không theo quy hoạch do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Rừng thông cũng trở nên thưa thớt, xác xơ do chặt nhiều, trồng ít. Các hồ, thác nước đông khách tham quan đều trở nên ô nhiễm vì du khách và người dân làm du lịch tự phát xả rác vô tội vạ.

Các sản phẩm du lịch của Đà Lạt đã từ lâu không có gì thay đổi, phần lớn chỉ dựa vào cảnh quan và khí hậu. Vào dịp nghỉ dài ngày, khách sạn, nhà hàng tại đây đều quá tải, tăng giá mạnh khiến nhiều du khách chán ngán.

Để thay đổi được những điều này, quan trọng nhất là có hướng phát triển đúng đắn cùng ý thức tự giác của người dân, du khách. Nếu không, Việt Nam sẽ đánh mất giá trị của những cảnh quan, miền đất tuyệt vời này.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.