Sức mạnh hạt nhân Triều Tiên "khủng" đến đâu?

Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên hồi đầu tuần cho thấy, nước này đã bước được những bước dài trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân thực sự. Tuy nhiên, vụ thử này cũng để lộ những manh mối quan trọng mà Bình Nhưỡng muốn che giấu về sức mạnh hạt nhân của họ, về việc họ đã đi xa được bao nhiêu trên con đường sản xuất một vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ và các đồng minh của nước này.

Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên hồi đầu tuần cho thấy, nước này đã bước được những bước dài trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân thực sự. Tuy nhiên, vụ thử này cũng để lộ những manh mối quan trọng mà Bình Nhưỡng muốn che giấu về sức mạnh hạt nhân của họ, về việc họ đã đi xa được bao nhiêu trên con đường sản xuất một vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ và các đồng minh của nước này.
 
Hy vọng tranh thủ cơ hội hiếm hoi để đánh giá chính xác về năng lực hạt nhân thực sự của Triều Tiên, giới quan chức tình báo và quân sự khắp khu vực Châu Á đang hối hả thu thập các dữ liệu để tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi lớn: thiết bị hạt nhân mà Bình Nhưỡng vừa cho nổ mạnh đến đâu, đó là loại thiết bị gì và vụ thử hạt nhân thứ ba cho thấy Triều Tiên đã đạt tiến bộ đến mức nào trong tham vọng chinh phục vũ khí hạt nhân.
 
Triều Tiên hôm thứ Ba (12/2) đã ca ngợi vụ thử hạt nhân mới nhất của họ là một thành công “hoàn hảo”, nói rằng họ đã sử dụng một thiết bị mạnh hơn, tối tân hơn những thiết bị được dùng trong hai lần thử trước đây vào năm 2006 và 2009. Cùng với vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa thành công hồi tháng 12 năm ngoái, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên đã khiến cho lời đe dọa của nước này về việc tấn công Mỹ chưa bao giờ đáng lo ngại như lúc này.

 
Vũ khí hạt nhân Triều Tiên mạnh đến đâu?
 
Điều lớn nhất mà giới quan chức tình báo thế giới muốn tìm hiểu là Triều Tiên đã dùng thiết bị gì cho vụ nổ hạt nhân mới nhất vừa rồi của họ. Liệu đó là một quả bom plutonium như hai lần thử trước vào năm 2006 và 2009 hay là một quả bom sử dụng uranium làm giàu ở mức độ cao?
 
Theo ông James Acton, một nhà phân tích thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, kho dự trữ plutonium của Triều Tiên nhỏ và sẽ khó khăn cũng như đắt đỏ để Triều Tiên sản xuất thêm plutonium. Tuy nhiên, một vụ thử hạt nhân sử dụng uranium được làm giàu ở mức độ tinh khiết cao sẽ rẻ hơn, và dễ sản xuất hơn. Hơn nữa, việc Triều Tiên có thể thử hạt nhân sử dụng uranium làm giàu sẽ làm tăng nguy cơ về việc Triều Tiên có thể nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này bởi giờ đây họ có hai con đường để tiến tới vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
 
"Một vụ thử hạt nhân sử dụng uranium làm giàu ở mức độ cao sẽ là một bước phát triển vượt bậc của Triều Tiên. Không may là chúng ta chẳng có bất kỳ bằng chứng nào để tìm hiểu xem loại thiết bị mà Triều Tiên đã sử dụng trong vụ nổ lần này là gì và liệu đó là thiết bị được làm từ plutonium hay uranium làm giàu ở mức độ cao”, ông Acton nói thêm.
 
Để tìm hiểu được những vấn đề trên sẽ cần phải có thời gian.
 
Ông Joseph De Trani, cựu Giám đốc Trung tâm Chống phổ biến quốc gia của Mỹ, dự đoán, giới tình báo Mỹ có thể xác định được quy mô, kích cỡ cũng như thành phần của thiết bị hạt nhân mà Triều Tiên vừa cho nổ trong vòng từ 1 đến 3 ngày, phần lớn dựa vào những nguyên tố phóng xạ được phát ra môi trường sau vụ thử.
 
"Uranium làm giàu ở mức độ cao là thứ có thể tan biến rất nhanh vì vậy, bạn sẽ phải thu thập dữ liệu nhanh chóng trong vòng 24 giờ", đặc biệt bởi vì vết tích từ một vụ nổ hạt nhân ngầm dưới lòng đất thường ở mức tối thiểu, ông Trani cho hay.
 
Người ta đang hy vọng nước láng giềng Nhật Bản có thể cung cấp một số trong những câu trả lời trên. Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân, Nhật Bản đã ngay lập tức phái các máy bay chiến đấu của họ đi thu thập các mẫu không khí. Tokyo cũng đã thiết lập một loạt điểm quan sát trên mặt đất, trong đó có một điểm ở bờ biển phía tây bắc, nhằm thu thập những dữ liệu tương tự.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra thận trọng bởi hoạt động giám sát có thể không có tác dụng do những địa điểm thử hạt nhân thường được Triều Tiên giữ bí mật và che phủ rất kỹ nhằm tránh rò rỉ thông tin. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đã cho thấy, họ có khả năng che giấu các vụ thử rất tốt. Người ta đã không thể phát hiện ra chất phóng xạ nào sau vụ thử hạt nhân năm 2009 của Triều Tiên.
 
Dấu hiệu đầu tiên từ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là các hoạt động địa chấn tại nơi diễn ra vụ thử. Các quan chức Mỹ ước tính sự rung lắc ở mức tương đương với vụ động đất 5,1 độ richter. Hai vụ thử hạt nhân trước của Triều Tiên gây ra cơn địa chấn tương đương với mức độ động đất 4,3 và 4,7 độ richter.
 
Trên cơ sở những con số dữ liệu trên, các quan chức Hàn Quốc ước tính, vụ nổ hạt nhân mới mạnh ngang với một vụ nổ khoảng từ 6 đến 7 kiloton chất nổ TNT. Mỹ cũng ước tính vụ nổ hạt nhân mới của Triều Tiên mạnh bằng vụ nổ “nhiều kiloton” chất TNT. Dù thế nào thì đây cũng là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên dù nó còn thua xa sức nổ của vụ thả bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố Hiroshima năm 1945. Khi đó, vụ nổ bom hạt nhân tương đương với sức nổ của 20 kiloton chất TNT.
 
"Bởi vì độ sâu của vụ thử dưới lòng đất chưa được xác định và tính chất địa lý của khu thử cũng chưa được biết đến nên việc “đọc” sức mạnh vụ thử hạt nhân từ những cơn địa chấn không phải là dễ dàng. Một nhà phân tích ở Carnegie cho biết, “theo tính toán của riêng tôi thì vụ nổ đó tương đương từ 4 đến 15 kiloton chất nổ TNT"
 
Sức mạnh của vụ nổ chứng tỏ tuyên bố thành công của Triều Tiên là đúng. Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên được cho là gần như thất bại với sức nổ chỉ đạt ngang bằng vụ nổ 1 kiloton chất TNT. Vụ nổ thứ hai khá hơn ở mức 2 đến 7 kiloton.
 
"Vụ nổ thứ nhất gần như thất bại. Vụ nổ thứ hai chứng minh, họ về cơ bản có thể làm được điều đó. Vụ nổ thứ ba cho thấy, vũ khí hạt nhân của họ thực sự đã hoạt động”, ông Won-Young Kim, một nhà phân tích thuộc trường Đại học Columbia, cho biết.
 
Nhiệm vụ tình báo cuối cùng bây giờ là tìm hiểu và xác nhận xem có đúng là Triều Tiên đã thử một quả bom hạt nhân nhỏ hơn và tối tân hơn như lời giới quan chức nước này tuyên bố hay không. Đây là điều quan trọng bởi nếu Triều Tiên đưa được vũ khí hạt nhân lên một tên lửa tầm xa thì điều này có thể khiến bất kỳ cường quốc nào cũng phải giật mình lo ngại.

VnMedia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.