Không thể im lặng mãi

Tại nhiều ngôi làng ở Ấn Độ, những cô gái bị cưỡng hiếp thường im lặng không dám tố cáo bởi các nạn nhân bị hiếp dâm thường bị coi là “người bỏ đi”, không lấy được chồng, và bị chính thủ phạm đe dọa. Vì lẽ đó, tình trạng hiếp dâm đã gia tăng với tốc độ đáng báo động ở quốc gia Nam Á này.

Tại nhiều ngôi làng ở Ấn Độ, những cô gái bị cưỡng hiếp thường im lặng không dám tố cáo bởi các nạn nhân bị hiếp dâm thường bị coi là “người bỏ đi”, không lấy được chồng, và bị chính thủ phạm đe dọa. Vì lẽ đó, tình trạng hiếp dâm đã gia tăng với tốc độ đáng báo động ở quốc gia Nam Á này. 



Nạn nhân 16 tuổi (bên phải) ngồi bên người mẹ, cha cô đã tự tử vì không chịu được nỗi nhục

Con bị cưỡng hiếp, cha tự tử

Hết người này đến người khác thay nhau hãm hiếp cô gái. Chúng kéo cô vào một chòi đá tối tăm ở rìa cánh đồng. 8 người đàn ông, có thể còn hơn nữa, người nồng nặc thứ rượu rẻ tiền. Cả nhóm giày vò cô gái trong gần 3 giờ đồng hồ. Nạn nhân mới 16 tuổi. 

Khi xong xuôi, những người đàn ông này đe dọa sẽ giết cô gái nếu cô hé răng với bất kỳ ai về chuyện này. Trong suốt nhiều ngày sau đó, cô gái chỉ biết im lặng. Dù sao đi nữa, nói ra chuyện này là vô cùng khó khăn, bởi hệ thống phân cấp trong xã hội Ấn Độ. Cô gái là một người nghèo, thuộc tầng lớp Dalit - nhóm người thấp kém trong xã hội theo hệ thống đẳng cấp Hindu. Trong khi phần lớn những kẻ tấn công cô thuộc tầng lớp cao hơn, là những kẻ giàu có và có quyền lực trong làng. 

Mọi chuyện có thể mãi mãi bị vùi trong im lặng, như bao trường hợp khác đã từng xảy ra ở Dabra - ngôi làng điển hình cho vùng nông thôn Ấn Độ thuộc bang Haryana nếu không có những đoạn video lan truyền. Những kẻ tấn công cô đã dùng điện thoại quay lại những cảnh tượng đó như là một chiến tích, đoạn clip cứ lan truyền từ người này sang người kia, đến hầu hết những người đàn ông khác trong làng. Và rồi đến cha của cô gái nạn nhân. Không chịu được nỗi ô nhục, người cha đã uống thuốc sâu tự tử vào ngày 18-9 vừa qua. 

Các vụ cưỡng hiếp gia tăng với tốc độ đáng báo động tại Ấn Độ, tăng khoảng 25% trong vòng 6 năm qua. Năm ngoái, 733 vụ hiếp dâm được báo cáo ở Haryana, và con số thực tế có thể còn cao hơn bởi nhiều vụ không được báo cáo. Trong số 19 vụ hiếp dâm xảy ra ở Haryana thời gian gần đây, ít nhất 6 nạn nhân là người tầng lớp Dalit. Một cô gái Dalit ở Haryana đã tự thiêu sau khi bị một nhóm thanh niên hiếp dâm tập thể. Một cô gái Dalit khác ở Rohtak, mới 15 tuổi, đã bị tổn thương tinh thần sau khi bị hãm hiếp. 

Nạn nhân bị đổ lỗi

Ở nhiều ngôi làng ở Ấn Độ, sau khi xảy ra các vụ hãm hiếp, các nạn nhân thường im lặng. Lý do đơn giản là những nạn nhân bị hãm hiếp thường xấu hổ, họ “không đủ tiêu chuẩn” để lấy chồng. Tuy nhiên, có một lý do sâu xa khác, đó là thái độ đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, họ không những không được bênh vực, bảo vệ mà còn bị đổ lỗi, bị xem như là nguyên nhân gây ra vụ hãm hiếp. 

Suresh Koth, một trong những người lớn tuổi nhất ở Dabra giải thích: “Để tôi nói với mọi người về nguyên nhân chính gây ra những vụ cưỡng hiếp này. Hãy nhìn xem điều gì đăng trên báo, phát trên truyền hình? Phụ nữ ăn mặc hở hang. Điếu này khiến giới trẻ hư hỏng. Đây là Ấn Độ, không phải châu Âu”. Những nhận xét như trên không dễ bác bỏ. Bởi nó do Khap đưa ra. Khap là hội đồng của những người đàn ông trong làng có quyền lực rất lớn về mặt cộng đồng mặc dù không ai bầu ra. Khap tạo ra luật, quyết định phụ nữ phải làm gì, mọi người phải cư xử ra sao. Và nếu ai không theo họ sẽ bị hăm dọa. 

Ở một trong những “thành trì” của chế độ phong kiến gia trưởng như Haryana, Khap luôn tìm cách cấm phụ nữ mặc quần jean hay sử dụng điện thoại di động. Một thành viên Hội đồng Khap, Jitender Chhatar, đổ lỗi cho đồ ăn nhanh đã làm gia tăng các vụ hãm hiếp khi cho rằng nó gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể khiến phụ nữ ham muốn tình dục hơn. 

Chính vì thế, ở bang Haryana này, khi một vụ hãm hiếp bị phơi bày, phản ứng ban đầu của “những người có trách nhiệm” là từ chối cung cấp thông tin cho truyền thông, và sau đó là đổ lỗi cho nạn nhân. Trưởng thôn Sube Singh, cũng là một thành viên hội đồng Khap nói rằng, 90% các vụ hãm hiếp bắt đầu từ việc đồng thuận và cho rằng đó là do các cô gái mới lớn “đua đòi”. “Họ thường đổ hết lỗi cho nạn nhân, chuyển sự chú ý từ những kẻ phạm tội sang nạn nhân và làm hiểu sai về nguyên nhân của vụ việc”- bà Jagmati Sangwan, chủ tịch Hiệp hội dân chủ cho phụ nữ Ấn Độ ở Haryana nói. 

Đòi công lý

Phản ứng của những “lãnh đạo làng” cùng với cái chết của cha cô gái nạn nhân vụ hãm hiếp ở Dabra đã khiến cộng đồng những người thuộc tầng lớp Dalit ở đây phẫn nộ và họ yêu cầu một sự công bằng cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp. Sau khi cha cô gái tự tử, những người dân thuộc tầng lớp Dalit ở địa phương đã thành lập một ủy ban để đòi công lý. Họ đã tới trụ sở công an huyện để đấu tranh yêu cầu phải bắt giữ kẻ phạm tội. Họ cũng tới cả bệnh viện, nơi thi thể người cha được lưu giữ. “Chúng tôi muốn nói với họ rằng nếu họ không bắt giữ thủ phạm, chúng tôi sẽ không mang thi thể ông ấy về” - một phụ nữ có tên Maya Devi nói - “Chúng tôi không có gì cả, chỉ có danh dự. Nếu mất danh dự, sẽ chẳng còn gì”. 

 Nhờ đó, cảnh sát đã vào cuộc điều tra và bắt giữ 8 người đàn ông, trong đó 7 người là Jat (tầng lớp trên) - đã thú nhận gây ra vụ tấn công. Cô gái nạn nhân nói rằng, còn những kẻ khác đã tấn công cô vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và đe dọa cô. Hiện giờ, ngôi nhà cô đang ở luôn có nhân viên cảnh sát canh gác. Tuy nhiên, cô gái cho biết cô không sợ bị trả thù và tiếp tục lên tiếng để bảo vệ bản thân mình cũng như những cô gái khác, “mặc dù họ đe dọa sẽ giết cả nhà tôi nếu tôi nói chuyện này với bất cứ ai” - cô nói.

Rất nhiều cô gái Dalit phải bỏ học, nhưng cô gái này vẫn đang theo học trung học. Ngay cả trong lúc phải chịu đựng đau khổ sau vụ hãm hiếp, cô vẫn tham dự thi học kỳ 1 các môn kinh tế, lịch sử, tiếng Phạn. Tuy nhiên, dù cố gắng, nhưng cô nói rằng không chắc chắn về tương lai của mình. “Trước đây, tôi có nhiều mơ ước. Cha tôi mong muốn tôi trở thành một bác sĩ, nhưng giờ tôi không dám tin tôi có thể thực hiện điều đó”.

Theo ANTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.