Bỏ tiền tỉ và 13 năm miệt mài chế tạo “ôtô biết bơi” đầu tiên của người Việt

Ông Trần Ngọc Trí ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã bỏ ra không dưới 1 tỉ đồng và công sức suốt 13 năm một mình miệt mài nghiên cứu, chế tạo chiếc xe “ôtô biết bơi” đầu tiên của người Việt.

Ông Trần Ngọc Trí ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã bỏ ra không dưới 1 tỉ đồng và công sức suốt 13 năm một mình miệt mài nghiên cứu, chế tạo chiếc xe “ôtô biết bơi” đầu tiên của người Việt.

Trong khoảng thời gian đó, ông phải nghe biết bao lời trách móc, thậm chí là trì triết của vợ con, người thân và bạn bè về ý tưởng xa vời không thực tế.

Bỏ tiền tỉ và 13 năm miệt mài chế tạo “ôtô biết bơi” đầu tiên của người Việt
Ông Trí cho biết: Mục đích làm chiếc “ôtô biết bơi” hoàn toàn là do đam mê chứ không vì mục đích kinh doanh nên ông làm rất cẩn thận và kỳ công.

Nhận ở nhà dột để đầu tư cho đam mê

Vốn có ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy từ nhỏ nhưng do gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên ông Trần Ngọc Trí chỉ được học hết cấp 3 rồi nghỉ. Với bản tính tò mò, thích nghiên cứu cộng với nhạy bén thời cuộc nên những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, ông nổi tiếng khắp vùng Bình Dương, Sài Gòn bởi nghề mài Cam, Cò xe máy có độ chính xác cao.

Cũng chính từ nghề này giúp ông có thu nhập trang trải cho gia đình và có thời gian tìm hiểu thêm về kết cấu và cấu tạo máy móc. Từ đó trong ông đã nảy ra ý nghĩ làm cái gì đó thật đặc biệt nhưng phải do người Việt tự làm và thiết kế. Đến cuối những năm 90, trên thị trường xuất hiện nhiều xe Trung Quốc giá rẻ thì cũng là lúc ông bỏ nghề để bắt đầu theo đuổi đam mê chế tạo “ôtô biết bơi”.

Bản vẽ của chiếc xe khi hoàn thành.

Năm 2000, ông bắt đầu nghiên cứu về chiếc “ôtô biết bơi” và ông phân tích: “Ý tưởng của tôi là chiếc xe phải đạt được hai chức năng đó là chạy được trên đường và bơi được dưới nước, chạy trên đường thì dễ rồi nhưng bây giờ làm thế nào nó có thể bơi được dưới nước? Để có thể bơi, nhất thiết phải có ống Z thủy lực, áo xe phải cứng nhẹ kín không để thấm nước vào trong, bánh trước của xe làm bánh lái đồng thời hai bánh sau sẽ nâng lên khi bơi dưới nước”. Từ những tiêu chí đó ông Trí cho ra đời bản vẽ chiếc “ôtô biết bơi”.

Chưa hết vui vì hoàn thành xong bản vẽ thì vợ đưa ra kế hoạch xây nhà bếp. Nhẩm nhẩm tính toán một lúc ông Trí thuyết phục vợ làm tạm một nơi nấu ăn, còn tiền và khoảng đất đó xây một xưởng nhỏ làm nơi để máy tiện, máy khoan, máy cắt…đồ đạc phục vụ cho công việc chế tạo. Nghe nói vậy vợ không đồng ý nhưng thấy ông quyết tâm và hứa sau khi làm xong sẽ xây nhà bếp nên bà cũng đành chiều theo. Có xưởng, có máy móc, ông Trí bắt tay vào thực hiện ước mơ.

Ông Trí cho biết: “Lúc đầu mình tưởng tượng thì cũng bình thường nhưng khi bắt tay vào làm thì đó là cả vấn đề, khó khăn nhất trong quá trình làm ra chiếc “ôtô biết bơi” đó là chế tạo ống Z thủy lực để chiếc xe có thể bơi khi xuống dưới nước. Vì cái ống đó mà tôi phải đi xuống Vũng Tàu, lân la vào xưởng đóng tàu để học cách họ làm, sau đó mua một ống thép về nhà tự khoan, làm theo ý mình. Mày mò mãi, làm đi làm lại mất 3 năm với hai lần thất bại, đến lần thứ 3 mới làm được 1 ống Z thủy lực ưng ý và đạt”.

Sau 13 năm bỏ công sức và hơn 1 tỉ đồng, đến này chiếc xe của ông Trí đã hoàn thành được khoảng 70% nhưng đành phải dừng lại do khó khăn về kinh tế.

Có ống thủy lực ông lại bắt tay vào chế tạo hệ thống nâng hai bánh sau, khi chiếc xe xuống nước. Từ những mảnh sắt thô ban đầu, ông Trí tự tay tiện bánh răng, thiết kế trục và làm từ chi tiết nhỏ đến lớn. Bằng sự kiên trì của ông những chi tiết của hệ thống lần lượt ra đời và khi kết nối với nút điều khiển gắn trong buồng lái nó hoạt động tốt.

Hai chi tiết gần như quan trọng nhất của chiếc “ôtô biết bơi” được hoàn thành, ông tiếp tục làm đến những bộ phận khác của xe như thiết kế chiếc gương có thể di chuyển tùy thuộc vào con đường rộng, hẹp. Hay như hai chiếc đèn phía trước có thể xoay sang phải, trái tùy thuôc vào hướng xoay của vôlăng. Hệ thống điện của chiếc xe, ông chỉ mua dây điện và những vật dụng cần về tự tay thiết kế và lắp đặt.

Năm này qua năm khác, chiếc xe vẫn ngổn ngang, chưa ra hình thù gì thì ngôi nhà bếp tạm của gia đình đã xuống cấp. “Cứ mỗi lần trời mưa là dột tứ tung, những lần như vậy vợ con lại lầm bầm chửi, còn bạn bè lên nhà chơi thì nói “khùng” hay sao mà ông đổ bao nhiêu tiền của và thơi gian vào cái thứ viển vông thế? Số tiền đó để làm cái bếp rồi xây thêm mấy phòng trọ để hưởng tuổi già có phải nhàn nhã hơn không? Bỏ những lời đó ngoài tai, chấp nhận ở nhà dột tôi vẫn làm. Mình theo đuổi đam mê mà”. Ông Trí chia sẻ.

Chiếc xe “ôtô biết bơi” di chuyển trên đường trong lần thử nghiệm đầu tiên và chiếc pô phun ra lửa phía sau.

Mười ba năm vẫn…dang dở

Sau 13 năm với biết bao công sức, tiền của đầu tư và chịu biết bao lời trách móc của vợ con bạn bè, hàng xóm, thậm chí có người mắng ông “khùng”, đến nay chiếc “ôtô biết bơi”, của ông Trí hoàn thành được khoảng 70%. Chiếc xe có độ dài 4,52m, ngang 1,62m, chiều cao khi hoàn thành 1,55m. Tốc độ thiết kế tối đa trên đường bộ 120 km/giờ, tốc độ tối đa dưới đường thủy 34 km/giờ. Mức tiêu hao nhiên liệu đường bộ 6 lít/100km, đường thủy 12 lít/100km.

Từ khi ông bắt đầu bước vào làm chiếc “ôtô biết bơi” thì kinh tế gia đình đều trông vào quán cafe của vợ. Giờ đây cậu con trai đã lớn và bước vào học THPT nên cũng phải lo toan nhiều nên ông đành phải tạm gác lại ước mơ vì tiềm lực kinh tế không còn.  

Nhìn thành quả trong suốt 13 năm miệt mài giờ phải đắp mền ông Trí suýt xoa: “Tới gần 85% chi tiết trong đó là tự tay làm từ thép ra rồi phun sơn tĩnh điện đấy, tôi chỉ mua máy nổ, bình xăng, lốp xe, dây xích và dây điện thôi. Có khi tôi bỏ ra vài triệu mua một cái máy mới về chỉ để tháo ra lấy dây xích vì nó tốt. Thế nên tính từ lúc tôi bắt đầu làm đến giờ bỏ vào đó cả tỷ bạc rồi đấy. Từ khi lắp ráp tôi thử nghiệm thành công hai lần trên đường rồi và chờ khi hoàn thiện xong bộ áo bên ngoài sẽ tiến hành thử nghiệm dưới nước”.

Dù chiếc xe chưa hoàn thiện nhưng căn phòng chứa đồ phục vụ cho quá trình chế tạo gần như hết chỗ để.

Để tạo điểm nhấn cho chiếc xe ông Trí quyết định nghiên cứu và cho ra đời chiếc pô có chức năng phun khói, phun lửa tùy vào người điều khiển. Nhờ đó mà có người khi nhìn thấy ông lấy xe đi thử nghiệm liền thích chiếc pô nên đã hỏi mua với giá hơn 100 triệu đồng mà ông không bán.

Dù chiếc xe chưa hoàn thiện nhưng những vật dụng được ông mua về để phục vụ cho việc chế tạo những chi tiết của chiếc xe đã xếp đầy hai chiếc tủ và một gian phòng trong xưởng. Trong đó có nhưng chiếc máy ông mua về chỉ lấy một chi tiết nhỏ rồi bỏ cho chiếc xe rồi bỏ vào kho.

Để có được chiếc xe theo đúng ý ông đã phải đi nhiều nơi và gặp nhiều người như tìm đến nhà ông thợ sửa máy cày và ông chủ gala ôtô chế tạo ra máy bay bên Tây Ninh để xem và học hỏi. Tìm các loại sách nói về chế tạo máy để nghiên cứu và học thêm phun sơn, tiện, khoan…Từ đó ông rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân đó là phải làm đến đâu chắc đến đó và cố gắng làm bằng được chứ không nên bỏ nửa vời.

Ông Trí cho biết, đây là chiếc xe ông làm với niềm đam mê chứ không phải mục đích kinh doanh nên từng chi tiết dù nhỏ đến lớn đều được làm rất cẩn thận. Hiện tại ông mong muốn gặp được một người có chung niềm đam mê để tài trợ cho ông hoàn thiện chiếc xe độc đáo này. Khi hoàn thiện và qua thử nghiệm ông sẽ đến văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM để tìm hiểu và tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo về mặt lợi ích sau này.

Theo laodong.com.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.