Cảnh giác với chiêu lừa mới của tin tăc

Các chủ thuê bao sẽ "sập bẫy" khi ấn số gọi lại các số điện thoại từ nước ngoài có thực hiện công đoạn nháy máy.

Các chủ thuê bao sẽ "sập bẫy" khi ấn số gọi lại các số điện thoại từ nước ngoài có thực hiện công đoạn nháy máy.

“Gọi lỡ" lừa cước viễn thông

Tính đến thời điểm này, đã có rất nhiều thông tin của khách hàng phản ánh về việc liên tục bị các số máy lạ từ nước ngoài có đầu số +881, +882 nháy máy, gọi lỡ vào số điện thoại di động; tất cả các trường hợp trên muốn gửi tin lại thì không gửi được, bấm số gọi lại vào đầu số gọi nhỡ thì lúc thấy tín hiệu đổ chuông, lúc thì nghe nhạc chờ, lúc thì chỉ có tổng đài trả lời tự động bằng tiếng Anh nhưng tuyệt nhiên không có ai trả lời đáp trả cuộc gọi. Đến khi thanh toán cước phí, mặc dù liên lạc không được kết nối nhưng khách hàng đã bị mất một số tiền lên đến hàng trăm nghìn đồng cho các số gọi không được nêu trên. Gọi điện tới trung tâm tư vấn khách hàng của các nhà mạng để khiếu nại khách hàng mới biết đã bị tin tặc quốc tế lừa bằng chiêu thức hết sức đơn giản: “nháy máy + gọi lỡ + gọi lại + không kết nối = mất tiền”. Thậm chí số máy lạ không chỉ gọi lỡ một lần mà rất nhiều lần, khiến cho việc mất tiền cũng nhiều thêm. Rất nhiều khách hàng của các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel đã bị rơi vào trường hợp tương tự.

Thực hư ra sao, cụ thể theo thông báo của các nhà mạng trong nước, hiện nay đã xuất hiện các số điện thoại từ nước ngoài có mã đầu số +881xxxxxxxx, +882xxxxxxxx thực hiện công đoạn nháy máy để tạo nên các cuộc gọi lỡ để chủ thuê bao “sập bẫy”, khi ấn số gọi lại, ngay khi đổ chuông dù chỉ trong tích tắc đã bị tính cước và nhóm hacker bắt đầu chiếm đoạt tiền cước.



Thủ đoạn của tin tặc là liên tục tạo nên hàng triệu triệu cuộc gọi nhỡ thông qua dải số có sẵn đến các số điện thoại di động của bất kỳ ai, sống tại quốc gia và vũng lãnh thổ nào, trong đó có Việt Nam. Sau khi thuê bao di động Việt Nam gọi lại đến các số quốc tế đã gọi lỡ, trạng thái kết nối bị các hacker chuyển sang chế độ trả lời tự động, hướng dẫn khách hàng bấm số nội bộ, hoặc số nhánh để sử dụng dịch vụ để “câu” giờ vì thời gian chờ càng lâu số tiền khách hàng bị hacker rút ruột càng lớn. Đó là lý do vì sao nhiều người dùng mới chỉ gọi lại, đợi chuông nhưng tài khoản đã bị trừ hàng trăm nghìn đồng.

Theo tư vấn của dịch vụ chăm sóc khách hàng 1080 Hà Nội thì những dải số +881…, +882… được xác định là hệ thống vệ tinh di động toàn cầu không trực thuộc sự quản lý của bất kỳ cơ quan, quốc gia nào (?), nên khi khách hàng bị “móc túi” thì việc truy thu hoàn cước số tiền bị mất là bất khả thi. Theo thống kê tính đến thời điểm này, mức cước mà thuê bao Việt Nam bị lừa dao động từ khoảng 99.000-150.000 đồng/phút.

Cảnh giác

Rất nhiều khách hàng của Tập đoàn Viễn thông SingTel (Singapore), AT&T (Mỹ), Hãng Viễn thông MTC (Namibia) cùng nhiều quốc gia khác đã bị lừa từ dải số +881, +882… Thông tin khẩn được phát đi từ các tập đoàn này cảnh báo các thuê bao di động cảnh giác bởi ngoài việc lấy tiền cước, các nhóm hacker còn truy cập vào điện thoại để “ăn trộm” những dữ liệu mang tính bảo mật cá nhân được lưu giữ trong điện thoại. Diến biến tiếp theo của nhóm hacker này sau khi “missed call” bị bại lộ, chúng tiếp tục chuyển hướng sang dùng phần mềm gửi tin nhắn (sms) hàng loạt (spam) với nội dung úp mở, gây sự tò mò khiến khách hàng gọi lại theo số nhắn tin và chúng tiếp tục “rút” tiền với giá cước rất cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên kỹ thuật Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone cho biết, khi khách hàng mở máy nhận các cuộc gọi quốc tế thì không bị mất tiền, nhưng khi khách hàng dùng mạng di động gọi lại các số điện thoại vệ tinh sẽ bị tính cước rất cao ngay sau khi điện thoại ở đầu dây bên kia có tín hiệu đổ chuông. Để khắc phục, ngoài việc cảnh giác tuyệt đối không được gọi lại ở bất kỳ hình thức nào khi thấy cuộc gọi lỡ từ số máy lạ có đầu số quốc tế thì khách hàng nên đăng ký khóa chiều gọi đi quốc tế để tránh tình trạng mất cước quốc tế. 

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội cho biết, hiện nay tội phạm công nghệ cao liên tục gia tăng, hoạt động trên địa bàn rộng và ngày một tinh vi. Ngoài các đối tượng tội phạm trong nước còn có hiểm họa từ các đối tượng ở nước ngoài xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thông qua Internet, hệ thống vệ tinh toàn cầu xâm nhập vào máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác của cá nhân lẫn cơ quan, tổ chức. Trước khi có những biện pháp cụ thể, khách hàng không nên chủ quan, cần cảnh giác kiểm tra kỹ số điện thoại trước khi thực hiện gọi lại, đăng ký chặn số và tin nhắn để tránh các chiêu lừa tiền của tin tặc.

Theo ANTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.