Hội nghị Copenhagen là thời khắc quan trọng với loài người

Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Vương quốc Anh nói rằng nếu nhiệt độ sẽ tăng tới 4 độ C và hơn thế nữa, cuộc cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên sẽ đè bẹp mối liên kết hợp tác giữa con người với nhau.

Ông Ed Miliband, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh, suy nghĩ về tương lai của trái đất, cũng như trách nhiệm của cả các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống sự tăng nhiệt của hành tinh xanh.

Đặt chân tới Copenhagen, một thành phố lúc này tràn ngập bởi con người và giấy tờ, tôi càng hiểu rõ một điều rằng, Hội nghị Copenhagen không đơn thuần chỉ là một cuộc đàm phán quốc tế như những cuộc đàm phán vẫn thường diễn ra, mà đây còn là khoảnh khắc quan trọng cho tất cả chúng ta lựa chọn. Về phần mình, tôi rất quyết tâm và mong muốn chúng ta sẽ sẽ có được lựa chọn đúng đắn từ hội nghị này.

Dù những cuộc đàm phán này thành công hay thất bại, thế giới sẽ vẫn chuyển mình vào giữa thế kỷ này. Và chúng ta sẽ lựa chọn cách nó chuyển mình. Chúng ta có thể chọn một tương lai tích cực cho chính mình và con cái, hoặc để mặc những gì đang diễn ra dù biết nó sẽ dẫn đến một tương lai tiêu cực.

Nếu chúng ta thành công trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thế giới sẽ chuyển mình nhờ nỗ lực của chúng ta. Các quốc gia sẽ cùng hợp tác để giảm thải carbon. Chúng ta sẽ xây dựng một hệ thống năng lượng các bon trung tính, tạo ra những việc làm mới và tăng trưởng mới. Chúng ta sẽ triển khai một loạt các công nghệ ít carbon. Những nền kinh tế của chúng ta sẽ được đảm bảo an toàn hơn về năng lượng. Liên kết, hợp tác sẽ chiến thắng sự đối đầu, thù địch.

Dù thế nào chăng nữa, nhiệt độ trái đất sẽ chắc chắn tăng thêm 2 độ. Và nếu chúng ta thất bại trong Hội nghị Copenhagen, nhiệt độ sẽ tăng tới 4 độ và hơn thế nữa. Khi đó chúng ta không thể đảo ngược tình hình. Tấm bản đồ tôi đưa ra tháng trước cho thấy tình trạng không thể kiểm soát của thế giới khi các trận lụt, hạn hán khiến hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước và lương thực. Khi ấy, cuộc cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên sẽ đè bẹp mối liên kết hợp tác giữa con người với nhau.

Đây là sự lựa chọn mà chúng ta buộc phải có tại Hội nghị Copenhagen. Chúng ta có công nghệ, và bất chấp suy thoái kinh tế, chúng ta vẫn có thể thực hiện được quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng cần thiết. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể thống nhất được ý chí chính trị hay không ?

Chúng ta đã bước vào tuần thứ hai của hội nghị và mọi thứ vẫn còn ở trước mắt. Kết quả phải đạt được trong cuộc thương lượng chính là quá rõ ràng. Nó phải phản ánh được trách nhiệm của các nước công nghiệp trong việc gây ra hầu hết gánh nặng carbon dồn tích cho đến ngày nay. Nhưng nó cũng phải hướng đến giải quyết việc lượng carbon tăng lên trong tương lai xuất phát từ đâu khi các nền kinh tế mới nổi cũng phát triển thịnh vượng và tăng trưởng.

Các nước phát triển cần phải đồng ý đặt ra hạn mức giảm khí thải của họ. Khối EU là bên đầu tiên đưa ra một đề nghị đầy tham vọng và động lực đã được tạo ra từ đó. Hiện tại, tất cả những nước phát triển lớn đều đã có những đề xuất quan trọng, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Na Uy và Nga đã đưa ra những đề xuất của riêng họ từ mùa hè vừa qua.

Đồng thời, các nước đang phát triển mới nổi cần phải xác định rõ những hành động họ sẽ làm để tránh phát thải carbon. Điều này đã và đang được xúc tiến. Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi và Hàn Quốc đã thông báo những điều họ sẽ làm.

Nhiệm vụ của chúng ta tại Copenhagen là đảm bảo những đề nghị đó đủ để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Tất cả chúng ta cần phải đoàn kết hơn nữa, đưa ra những đề xuất và có những hành động mạnh hơn những gì chúng ta đã có cho tới giờ phút này tại Copenhagen.

Nước Anh đang đi đầu trong những nỗ lực này. Chúng tôi là đất nước đầu tiên đặt ra mức cắt giảm khí thải có sự ràng buộc pháp lý là 34% vào năm 2020 (so với mức năm 1990), và hướng tới cắt giảm 80% vào thời điểm năm 2050. Và nước Anh còn có thể làm được nhiều hơn nữa với tư cách là thành viên của EU. Như Thủ tướng Anh phát biểu hôm thứ 3 tuần trước, chúng tôi đang vận động để EU tăng mức giảm phát thải lên 30%.

Các nước phát triển cũng cần phải đưa ra những đề xuất ngắn và dài hạn, nhằm tài trợ hoạt động của các nước đang phát triển để thích nghi với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu hoặc để giảm khí thải. Khoản tài trợ phải đạt 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Điều này mang lại tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế ít carbon ở những nước nghèo, đưa hàng triệu người thoát nghèo, giúp họ tiếp cận năng lượng sạch và bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà chúng ta đã gây ra.

Có nhiều điều quan trọng khác cần phải thỏa thuận, nhưng trọng tâm của các cuộc đàm phán sẽ là: mức cắt giảm khí thải của những nước phát triển, hành động của các nền kinh tế đang lên, ngân quỹ để thực hiện những hành động đó. Nếu không đạt được thỏa thuận nào liên quan tới những điểm trên, thật khó để kì vọng những tiến triển ở những vấn đề khác.

Để hoàn tất sự lựa chọn, một thỏa thuận chính trị mà các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng đồng ý tại Copenhagen phải là cơ sở hướng tới một hiệp định ràng buộc pháp lý muộn nhất là giữa năm 2010.

Chúng ta vẫn thường được nhắc nhở rằng, chính trị là nghệ thuật biến mọi điều thành có thể. Thành công ở Copenhagen cần nhiều hơn thế. Chúng ta cần tập hợp các ý chí chính trị để củng cố các thỏa thuận có thể đạt được. Đó là ý nghĩa của việc lãnh đạo chính trị. Điều này nằm trong tầm với và chúng ta cần phải nắm lấy ngay từ bây giờ.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.