Giá bán chỉ 1,5-2,5 triệu đồng, những chiếc máy tính bảng “hồn China, da Hàn Quốc, Đài Loan” đang khuấy động thị trường tại TP.HCM.
Quan niệm bỏ 1-2 triệu đồng mua máy cho con học, chơi game trong mùa hè của nhiều người đã tạo đất sống cho máy tính bảng giá rẻ (ảnh minh họa). Quan niệm bỏ 1-2 triệu đồng mua máy cho con học, chơi game trong mùa hè của nhiều người đã tạo đất sống cho máy tính bảng giá rẻ (ảnh minh họa).Lần theo địa chỉ chào bán máy tính bảng Hàn Quốc giá rẻ của một doanh nghiệp được giới thiệu là chuyên phân phối máy tính hiệu Window, chúng tôi đến chi nhánh công ty này tại đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM) để xem chiếc máy được quảng cáo có cấu hình “khủng”… và giá chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng.
Thế nhưng, ngoài logo cách điệu cho giống một số thương hiệu máy tính Hàn Quốc, còn lại mọi thông số trên máy đều ghi Made in China (sản xuất tại Trung Quốc). Thắc mắc tại sao quảng cáo máy Hàn Quốc, nhân viên bán hàng giải thích: “Kiểu dáng Hàn Quốc còn bo mạch chủ, ruột máy là Trung Quốc, do thông tin trên mạng không được rõ ràng…”.
Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh máy tính bảng giá rẻ khác nằm trên đường Phan Văn Trị (Q.5), không khí mua bán khá tấp nập. Ở đây có tới hàng chục thương hiệu máy tính khác nhau như: Teclast, Window, Onda, V-Pad, Onn, Ramos, JXD, Chuwi… mức giá từ 1-2 triệu đồng/chiếc. Khi khách hàng băn khoăn chỉ có hàng Trung Quốc mới rẻ vậy, một nhân viên bán hàng giải thích, đây là hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo… tiêu chuẩn Đài Loan.
Mặc dù nguồn gốc khá loạn, các loại máy tính bảng giá rẻ này lại hút khách. Theo một chủ cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng (quận 1), doanh số cửa hàng anh tăng gần 20% từ đầu tháng 5 đến nay - một con số khả quan nếu xét trong bối cảnh thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ ảm đạm. Phần lớn là phụ huynh mua làm quà tặng cho con cuối năm học.
Anh còn nhận được 4 đơn hàng phụ huynh mua tặng cho con nhân ngày 1/6. Theo anh, người sành công nghệ ít ai dùng loại máy này, song dòng sản phẩm này vẫn được lùng mua và sốt bởi thỏa mãn được chức năng lướt web, chơi game, nghe nhạc…phù hợp nhu cầu đơn giản của phụ huynh mua cho con học, chơi trong dịp hè.
Trên các trang web máy tính bảng giá rẻ được rao bán tấp nập với mức giá chỉ 1,5 triệu đồng. Theo ghi nhận, hầu hết các dòng máy tính bảng Trung Quốc giá rẻ có kiểu dáng, thông số na ná với những dòng máy của các thương hiệu nổi tiếng… mà giá chỉ bằng 1/4 - 1/6 nên “được lòng” nhiều đối tượng khách hàng. Thường thì thời gian đầu, máy chạy khá "êm”, nhưng không lâu sau đó, cảm ứng máy không còn nhạy, phải nhấn, giữ chậm mới có thể điều khiển được máy. Không những vậy, phần mềm trong máy không ổn định, phải cài đi cài lại nhiều lần.
Anh Trần Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Kinh doanh một công ty máy tính cho rằng, nhìn qua hình dáng bề ngoài thì các dòng máy tính giá rẻ khá “hào nhoáng”. Tuy nhiên, những người từng dùng qua máy tính bảng có thương hiệu có thể nhận rõ sự khác biệt. Thường các dòng máy giá rẻ kiểu dáng đơn giản hơn, hình ảnh không sắc nét, tính năng hạn chế, cảm ứng không nhạy… và đặc biệt nhiều người dùng thấy bất tiện nhất ở chỗ những loại máy này không có 3G, hoàn toàn phụ thuộc vào sóng wifi.
Ngoài ra, những thông số về chip, bo mạch… trong các dòng máy giá rẻ thường không đúng với thực tế, hệ điều hành đã lỗi thời, thậm chí biến mất hoàn toàn trên thị trường. Trong khi đó, người mua đa số chỉ có thể kiểm tra trực quan chứ không phải ai cũng đủ trình độ để xem xét các thông số thực của sản phẩm. Đặc biệt, loại máy giá rẻ thường chỉ được bảo hành ba tháng, nên sau thời gian này, nếu máy trục trặc, khách hàng chẳng biết “níu” ai.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng cũng tỏ ra bằng lòng với chất lượng thấp của dòng giá rẻ này. Một số phụ huynh còn khẳng định mua máy tính bảng giá rẻ cho con học, chơi game…với suy nghĩ: bỏ 1,5-2 triệu dùng trong 1 năm là…hòa vốn.
Theo Infonet