"Chiếc roi" mới mang tên... công nghệ

Internet ngày càng phát triển với nhiều thiết bị tiện ích thì hàng loạt phim điện ảnh, truyền hình ở Việt Nam ngày càng bị vi phạm tác quyền trầm trọng. Chưa bao giờ công chúng vô tư hưởng thụ thành quả lao động của người khác một cách miễn phí và dễ dàng chỉ bằng một cú click chuột như hiện nay. Sự phát triển chóng mặt, thiên biến vạn hóa của "ma trận" môi trường số buộc giới chức quản lý phải tìm cho mình "chiếc roi" có uy lực và nhanh nhạy hơn.

Internet ngày càng phát triển với nhiều thiết bị tiện ích thì hàng loạt phim điện ảnh, truyền hình ở Việt Nam ngày càng bị vi phạm tác quyền trầm trọng. Chưa bao giờ công chúng vô tư hưởng thụ thành quả lao động của người khác một cách miễn phí và dễ dàng chỉ bằng một cú click chuột như hiện nay. Sự phát triển chóng mặt, thiên biến vạn hóa của "ma trận" môi trường số buộc giới chức quản lý phải tìm cho mình "chiếc roi" có uy lực và nhanh nhạy hơn.

1. "Những người yêu thích điện ảnh, khi xem bộ phim, hãy dừng một thoáng để nghĩ về các nhà sáng tạo và các nhà cải tiến, những người có đóng góp một phần vào việc hình thành bộ phim; hãy nghĩ đến thách thức của môi trường số, nơi các phim được trình chiếu trên Internet. Đây là trách nhiệm không chỉ của các nhà làm chính sách mà còn của từng người trong chúng ta khi xem xét về thách thức đó.

Làm sao chúng ta vừa tận dụng những ưu việt của môi trường số để dân chủ hóa văn hóa và để tạo ra các sản phẩm sáng tạo chỉ bằng một cái nhấp chuột. Một mặt chúng ta cũng cần đảm bảo để các nhà sáng tạo giữ được sức sáng tạo và mức thu nhập cho cuộc sống của họ, để họ tiếp tục tạo ra những bộ phim làm giàu thêm cho cuộc sống của chúng ta" -  Không phải ngẫu nhiên mà Tiến sĩ Francis Gurry - Tổng Giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) truyền tải thông điệp trên cho chủ đề "Điện ảnh - Niềm đam mê toàn cầu" nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin với tốc độ chóng mặt, môi trường số là nguồn nhanh nhất đưa các tác phẩm đến với công chúng, đồng thời cũng là nguồn gây tổn thất lớn nhất cho những nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình. Đây là mối lo ngại chung của nhiều nước, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, trình độ dân trí thấp.

Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh trên Internet công khai và trắng trợn ở mức báo động. Ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng Thương mại điện tử của Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao ước tính: Thống kê trên một trang mạng, với giả định có 7 chương trình video, gồm 2 chương trình ca nhạc và 5 bộ phim. Nếu mỗi người xem chỉ trả 1.000 đồng thì chỉ trong vòng nửa năm, số tiền mà trang mạng này thu được đã lên đến 95 tỷ đồng. Hầu hết các video sử dụng trên các trang mạng đều không có bản quyền.

Trường hợp chủ động thực hiện việc tôn trọng quyền tác giả đến nay chỉ có một website duy nhất là sohaphim - trang phim online của VCCorp có địa chỉ tên miền phim.soha.vn. Trang phim này đã bất ngờ thông báo ngừng cung cấp dịch vụ từ cuối tháng 1/2014 với lý do chưa đạt được thỏa thuận về bản quyền với một số nhà sản xuất và cung cấp phim. Việt Nam hiện có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc), với 90% lượng người dùng Internet đều sử dụng sản phẩm video thì lượng tiền bản quyền thất thoát sẽ rất lớn.

Tình trạng vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp lên Internet để thu phí hoặc thu quảng cáo, hoặc tự ý phát sóng mà không có sự thỏa thuận giữa các hãng phim. Phim điện ảnh "Cánh đồng bất tận" chưa công chiếu đã bị in đĩa bán lậu và tung lên Internet. Trường hợp điển hình nhất là năm 2013, bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu nhưng bản nháp vẫn bị tung lên mạng và in đĩa lậu bán tràn lan trên thị trường.

Nhiều trang mạng lớn vẫn vô tư đăng tải các phim điện ảnh không có bản quyền.

Tương tự, ở lĩnh vực truyền hình, sự xâm phạm bản quyền tập trung vào các đài truyền hình, tập đoàn truyền thông có các chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trước ngày lên sóng, chương trình độc quyền của VTV  "Táo quân 2014" cũng bị phát tán trái phép bản quay nháp trên các trang mạng, trong đó có Youtube.

Trước đó, đầu năm 2012, bộ phim truyền hình "Những đứa con biệt động Sài Gòn" cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi nhà sản xuất phim chưa kịp bán cho nhà đài thì đĩa lậu của phim này đã tràn ngập ở các cửa hàng bán băng đĩa.  

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM cho biết phim Việt Nam ra nước ngoài hoặc phim nước ngoài vào Việt Nam đều bị vi phạm về bản quyền. Nhà sản xuất phim Hoa Kỳ, các hiệp hội phim Hoa Kỳ chưa từng cấp giấy phép cho một website nào của Việt Nam để sử dụng phim trực tuyến nhưng chỉ cần lên Google sẽ tìm thấy hàng trăm website đăng tải những phim vừa mới ra mắt tại thị trường Bắc Mỹ.

Luật sư Phan Vũ Tuấn bức xúc: "Hậu quả do vấn nạn này để lại hết sức nặng nề, mỗi năm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà công chúng cũng chịu thiệt thòi đáng kể khi tác phẩm chiếu lậu thường không đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh trong khi kẻ vi phạm thì thu bộn tiền".

2. Tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình xuất phát chủ yếu từ thói quen sử dụng hàng "chùa", rẻ của công chúng. Hành lang pháp lý ở môi trường kỹ thuật số còn lỏng lẻo và chính nhà sản xuất phim, chương trình truyền hình chưa thực sự hiểu rõ những vấn đề pháp lý để bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình. Kiện tụng lại thêm rầy rà mà mọi nỗ lực như "muối bỏ bể" nên bên bị xâm phạm đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ thì chính chủ sở hữu của tác phẩm phải quyết liệt trong việc đấu tranh với vấn nạn xâm phạm bản quyền. Ông Viễn nêu quan điểm: "Để bảo hộ quyền tác giả trong phim ảnh, truyền hình cần có sự phối hợp của 3 chủ thể. Chủ thể đầu tiên là tác giả, những người làm ra các bộ phim đó, họ quan tâm đến bộ phim như chủ sở hữu quan tâm đến khối tài sản của mình. Nếu nhận thấy có sự xâm phạm đến tài sản của mình thì họ phải thu thập chúng cứ và báo cho cơ quan quản lý nhà nước (đây chính là chủ thể thứ hai) để có chế tài ngăn chặn... Chủ thể thứ ba là khán giả, họ phải được nâng cao nhận thức về vấn đề tác quyền, tôn trọng sự sáng tạo của người khác".

Liên quan đến việc làm thế nào để lấy lại sự công bằng giữa nhà sản xuất và người sử dụng khi nhà sản xuất thì tốn tiền sản xuất trong khi đó công chúng lại sử dụng miễn phí, nhiều nhà chuyên môn cho rằng nhiều người sử dụng cũng muốn trả tiền cho tác phẩm họ chọn, song chưa có cách tiếp cận người cần chi trả và cách thức chi trả. Do đó, việc tiếp cận, hướng dẫn cho người sử dụng trả chi phí cho nhà sản xuất thuộc trách nhiệm chỉ dẫn của các tổ chức, tập thể chuyên trách về lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.

"Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rất rõ ràng, đồng thời các điều ước và công ước mà Việt Nam tham gia đã quy định rất rõ, tuy nhiên nó cần được hướng dẫn và điều chỉnh cụ thể vì công nghệ thông tin phát triển rất nhanh và tinh vi. Để được như vậy, luật phải luôn cập nhật, áp dụng công nghệ vào trong các văn bản quy phạm pháp luật" - Luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.

Hiện nay, bên cạnh các chế tài xử phạt, các nước phát triển trên thế giới đều áp dụng các phần mềm công nghệ để ngăn chặn tình hình sao chép lậu như: hệ thống ICOP dễ dàng nhận ra điểm đặc biệt và tìm kiếm tự động các nội dung bị sao chép trên Internet và tự động yêu cầu làm gián đoạn quá trình sao chép; sử dụng webhard và P2P là những hình thức đặc biệt của Online Service Provide (Cung cấp dịch vụ online) có nhiệm vụ quản lý, báo cáo, nhận dạng, lưu trữ nội dung download; hệ thống tìm kiếm tự hủy dùng cho các bài hát bị tải về…

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cho rằng: "Bên cạnh việc củng cố hàng lang pháp lý, chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp công nghệ để điều chỉnh, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề công nghệ. Cụ thể cần thành lập hệ thống quản lý sao chép lậu có tác dụng tìm kiếm và xóa bỏ các loại hình sao chép, giám sát nội dung có bản quyền, gửi cảnh báo phạt đến những người sử dụng sản phẩm sao chép… Việt Nam sẽ hợp tác với tổ chức của các nước đã và đang làm tốt việc đối phó với nạn xâm phạm bản quyền như Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… để xây dựng chương trình, phần mềm ngăn chặn hữu hiệu. Hy vọng "chiếc roi" mới này sẽ hạn chế phần nào tình trạng xâm phạm tác quyền trên lĩnh vực điện ảnh, truyền hình đang tràn lan hiện nay".

Theo Công an nhân dân


Bình luận