Cuộc lấn chiếm của taxi Uber: Rồi chẳng ai cản nổi?

Sau hơn 4 tháng có mặt tại Việt Nam, dù nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người sử dụng về dịch vụ và giá cước, Uber không nhận được nhiều ủng hộ từ các cơ quan chức năng.

Sau hơn 4 tháng có mặt tại Việt Nam, dù nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người sử dụng về dịch vụ và giá cước, Uber không nhận được nhiều ủng hộ từ các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, dịch vụ này vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Hiệp hội Taxi TP.HCM.

Bên cạnh đó Uber cũng bắt đầu đối mặt với một số vấn đề pháp lý gây tranh cãi như tính an toàn, trách nhiệm nộp thuế và việc tuân thủ các quy định về vận tải. Một trong số những cáo buộc gần đây nhất là hoạt động trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Với những khó khăn về môi trường pháp lý và sự giận dữ ngày càng tăng từ các nghiệp đoàn taxi, liệu Uber có chấm dứt hoạt động tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam? Câu trả lời tất nhiên là không!

Làm trước, thưa sau

Từ năm 2009 đến nay, Uber đã có mặt tại 232 thành phố của 50 quốc gia. Tại châu Á, Uber cũng mở rộng hoạt động tại 40 thành phố. Lãnh đạo Uber kỳ vọng trong 3 năm tới, hơn một nửa doanh thu sẽ đến từ các quốc gia ngoài nước Mỹ, chủ yếu là các thành phố đông dân khu vực châu Á - nơi có mật độ sử dụng smartphone cao và mức tăng trưởng rất nhanh.

Mạng xã hội, sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng cùng các hoạt động vận động chính sách sẽ hỗ trợ “ứng viên” Uber “đắc cử”.


Cách tiếp cận thường thấy của Uber tại các quốc gia trên thế giới là “làm trước, thưa sau”. Uber thường tổ chức hoạt động kinh doanh tại nhiều thành phố trước khi làm việc với cơ quan chức năng về các khía cạnh pháp lý của dịch vụ này. Tuy nhiên, Uber hiểu rất rõ mô hình kinh doanh của họ không thể cạnh tranh với các đối thủ mà không quan tâm đến vấn đề chính sách.

Cuối tháng 9 vừa qua, David Plouffe, nguyên cố vấn của tổng thống Barack Obama, đã đầu quân cho Uber với vai trò Phó Chủ tịch cao cấp về Chính sách và Chiến lược. David từng được biết đến là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, giúp ông Obama đắc cử năm 2008. Tại Uber, David sẽ phụ trách các hoạt động chiến lược, phát triển thương hiệu và truyền thông.

Đây không phải lần đầu tiên Uber gặp phải những thách thức từ phía cơ quan quản lý. Tại châu Âu, Uber bị cấm tại một số quốc gia trong đó có Đức, Bỉ. Tại châu Á, các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore... cũng có những quy định cấm hoặc quản lý chặt hoạt động của Uber. Ngay tại Mỹ, Uber cũng bị cấm hoạt động tại một số bang.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times gần đây, vị tân Phó Chủ tịch này cho biết sẽ thực hiện các hoạt động đối ngoại và truyền thông của Uber tương tự như các hoạt động tranh cử chính trị. Trước đó, David đã rất thành công trong việc tổ chức các hoạt động tranh cử sử dụng mạng xã hội, tập hợp quần chúng, và vận động chính sách. Trong cuộc “tranh cử” lần này, “ứng cử viên” Uber sẽ chạy đua với các nhà làm luật và các doanh nghiệp taxi.

Một cây làm chẳng nên non

Một trong những lợi thế hiện nay của Uber đó là có được sự ủng hộ và tin dùng của rất nhiều khách hàng, chỉ trong thời gian ngắn. Cộng với “tôn chỉ” là “thúc đẩy hệ thống giao thông thành phố ngày càng phát triển bằng cách gia tăng tính an toàn, hiệu quả và làm giảm thiểu ùn tắc giao thông”, Uber tập hợp được sự ủng hộ của hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn khách hàng.

Có thể nói, đây sẽ là sức ép lớn đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách trong việc cân nhắc điều chỉnh hoặc thay đổi các chính sách vận tải đã được ban hành nhiều năm nay.

Thực tế cho thấy, ngày 1/12, tức là chỉ vài ngày sau khi các cơ quan chức năng TP.HCM đột xuất kiểm tra và xử phạt một số tài xế Uber tại trung tâm thành phố, Uber đã gửi email kêu gọi sự ủng hộ của người sử dụng trên các trang mạng xã hội. Câu chuyện của họ sau đó đã lan rộng thu hút sự chú ý của truyền thông, thậm chí của cả những người chưa sử dụng Uber.

Cách đây 2 ngày, chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo cần nghiên cứu hợp pháp hóa dịch vụ Uber. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cũng cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải như Uber có thể đăng ký kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Thuế trong phát biểu ngày 3/12 cho biết đã nhận được kiến nghị từ Bộ GTVT và đang nghiên cứu đề xuất phương án quản lý thuế dịch vụ taxi Uber. Đây rõ ràng là những tín hiệu tích cực đối với hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Có người đã nói, nếu muốn đập đi cái cũ thì đừng nên đương đầu với nó mà phải xây một cái mới và chứng minh cái cũ đã lỗi thời. Hãy chờ xem liệu Uber có thể làm nên chuyện tại Việt Nam!

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.