Samsung về VN sản xuất điện thoại, chuyên gia ngoại nói gì?

Đầu tư 3 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam sẽ giúp Samsung cạnh tranh tại Trung Quốc, một thị trường đang thay da đổi thịt, tạp chí IBT đánh giá.

Đầu tư 3 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam sẽ giúp Samsung cạnh tranh tại Trung Quốc, một thị trường đang thay da đổi thịt, tạp chí IBT đánh giá.

Để lấy lại phong độ, chỉ chuyển địa điểm về nơi chi phí sản xuất rẻ hơn là chưa đủ đối với Samsung, International Business Times nhận xét. Tuy nhiên, quyết định đầu tư 3 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại Việt Nam sẽ giúp công ty cạnh tranh tại Trung Quốc, một thị trường đang thay da đổi thịt, tạp chí đánh giá.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rời bỏ Trung Quốc

Một số thay đổi rõ nét nhất có thể rút ra từ doanh số của Alibaba vào ngày độc thân 11/11 vừa qua. Doanh số của riêng chợ trực tuyến này đã cán mốc 9,3 tỷ USD, cho thấy giới trung lưu của nước này không chỉ bành trướng về mặt số lượng, mà còn tăng cả về chất lượng cuộc sống.

Đây cũng là lý do dẫn đến chi phí sản xuất leo dốc tại Trung Quốc. Samsung nối gót Microsoft, LG và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác tìm đến Việt Nam, nơi có mức thuế suất ưu đãi, nhân công rẻ hơn.

"Tôi nghĩ đây là một bước đi tốt cho Samsung. Hiện tại họ đang chịu sức ép trong thị trường smartphone, mặc dù là nhà sản xuất có quy mô", ông Daniel Gleeson, Trưởng nhóm phân tích công nghệ điện thoại tại công ty tư vấn IHS nhận xét.

 Doanh số khổng lồ của Alibaba trong Ngày độc thân cho thấy giới trung Trung Quốc tăng cả về số lượng và mức sống.

Doanh số khổng lồ của Alibaba trong Ngày độc thân cho thấy giới trung Trung Quốc tăng cả về số lượng và mức sống.

Từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tới Nga, Samsung đang bị bủa vây. Trong phân khúc cao cấp, Apple mượn con át chủ bài là iPhone 6 để giành giật thị trường. Công ty công nghệ trụ sở California cũng vừa soán ngôi Samsung trở thành thương hiệu có giá nhất Trung Quốc.

Ở phân tầng phía dưới, Xiaomi, Huawei, thậm chí cả Motorola đang kèm cựa thị phần của Samsung với lớp người dùng bình dân.

Motorola vừa thông báo bán ra 1 triệu điện thoại tại Ấn Độ trong quý III, doanh số quý chưa từng có trong lịch sử. 3 trong số 5 công ty điện thoại chiếm thị phần nhiều nhất nước này là doanh nghiệp bản địa như Micromax Informatics. Samsung nắm thị phần lớn nhất, nhưng đang tan chảy dần theo thời gian.

Để cạnh tranh trong thị trường bình dân, Samsung cần tạo lợi thế cạnh tranh về giá, điều này Việt Nam có thể giúp ích. GDP đầu người tại Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc, nên Samsung có thể "giảm chi phí nhân công còn 1/2 hoặc 1/3", ông Gleeson tính toán. "Nếu bạn lắp ráp một chiếc điện thoại giá 50USD, giảm được 1 - 2USD chi phí cũng tạo khác biệt lớn trong lãi suất cận biên và giá thành sản phẩm", ông nói.

Việt Nam cũng là vị trí đắc địa để tiếp cận các nhà cung ứng từ Trung Quốc và Đài Loan. Quốc gia này cũng có cảng biển phục vụ vận chuyển thuận tiện, ông Jayanth Kolla, chuyên gia tại công ty tư vấn Convergence Catalyst nhận định. "Chưa hết, Samsung còn nhận được thuế suất cực kỳ ưu đãi. Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo", ông nói.

Việt Nam có thể giúp Samsung tạo lợi thế cạnh tranh về giá thành.

Việt Nam có thể giúp Samsung tạo lợi thế cạnh tranh về giá thành.

Theo Tổng cục thống kê, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và các sản phẩm liên quan từ Việt Nam tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19,2 tỷ USD.

Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ điện thoại di động mạnh với sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 54,6% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2013.

Chiến lược dài hạn

"Tuy nhiên, nhìn xa hơn, chi phí sản xuất không phải là thành tố quyết định giúp Samsung giảm giá smartphone từ 40 - 50%", ông Kolla đánh giá. Thị trường smartphone đang chứng kiến nhiều chuyển biến mới. Không những giá thành được hạ thấp mà trải nghiệm người dùng lại được cải thiện, nhiều thương hiệu xây dựng thành công khái niệm "phong cách sành điệu" đi liền với sản phẩm hãng mình.

Xiaomi của Trung Quốc là một ví dụ. Công ty 4 năm tuổi đời này hiện là nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất Trung Quốc, tẩu tán thành công 1,16 triệu điện thoại Mi series, bỏ túi 254 triệu USD từ gian hàng trực tuyến trên Alibaba chỉ trong 24 giờ Ngày độc thân. Công ty này đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Ấn Độ, đặt mục tiêu là Brazil trong thời gian không xa.

Ngoài ra, ngày mua sắm sầm uất chưa từng thấy trên chợ Alibaba cũng tiết lộ một xu thế: Thị trường smartphone tại Trung Quốc, mặc dù lớn thứ hai thế giới, nhưng đang phát tín hiệu bão hòa. Khoảng 43% đơn đặt hàng trong ngày 11/11 được thực hiện qua smartphone hoặc máy tính bảng.

"Làn sóng tăng trưởng smartphone tiếp theo chắc chắn sẽ đến từ các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và đương nhiên cả Ấn Độ. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn bão hòa", ông Tarun Pathak, chuyên gia cao cấp tại công ty Counterpoint nhận xét.

 Thị trường smartphone đang chứng kiến nhiều chuyển biến mới.

Thị trường smartphone đang chứng kiến nhiều chuyển biến mới.

Theo ông, nhà máy mới tại Việt Nam sẽ giúp Samsung cân bằng hoạt động. "Trong tương lai gần, Samsung sẽ tung ra sản phẩm tấn công thị trường bình dân, sau đó sẽ làm mới toàn bộ chiến lược trong đơn vị smartphone để thâm nhập mảng thị trường trung lưu", ông dự đoán.

Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Trung Quốc 

"Tôi nghĩ câu hỏi quan trọng rút ra từ hiện tượng này là tại sao Samsung và cả Microsoft kèm Nokia rời bỏ Trung Quốc", ông Gleeson lưu ý. Theo ông, lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ mang giá trị gia tăng cao đã được cải thiện đáng kể tại Trung Quốc. Củng cố sức mạnh của doanh nghiệp nội địa vốn là mục tiêu được chính phủ Trung Quốc chủ động theo đuổi.

Trong bối cảnh doanh nghiệp nội vững mạnh hơn, nhận các chính sách ưu đãi từ Bắc Kinh, thì Trung Quốc biến thành mảnh đất "lắm người nhiều ma" với các tập đoàn đa quốc gia, công ty tư vấn McKinsey viết trong báo cáo vào tháng Tám.

"Điện thoại giá rẻ 'made in China' đang tràn ngập thị trường. Ví dụ, điện thoại từ Trung Quốc chạy Android hiện chiếm 50% thị phần quốc tế, nhảy vọt ngoạn mục so với tình cảnh 5 năm trước đây", ông Gordon Orr, Giám đốc văn phòng Thượng Hải của McKinsey nhận xét.

Trước đây, Trung Quốc phải thuê ngoài từ châu Âu các công nghệ bậc cao như thiết kế, phát triển phần mềm, thiết kế phần cứng… Nhưng giờ đây, nhiều công ty nội địa như Huawei, Xiaomi đã đủ khả năng để sản xuất hoàn thiện một sản phẩm.

Điện thoại giá rẻ

Điện thoại giá rẻ "made in China" đang tràn ngập thị trường.

Ông Gleeson dự đoán các thương hiệu này vẫn tạm thời chưa thể chiếm ngôi Apple trong dài hạn. Apple vẫn là biểu tượng của sự cao cấp, sang trọng và tinh tế trong mắt người dùng Trung Quốc.

Vậy nên khi thương hiệu nội gia tăng quyền lực, Samsung mới là công ty lâm trận khốc liệt để bảo vệ và tái xây dựng hình ảnh.

Theo Bizlive


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.