Đường hoàn lương kì lạ của những trùm giang hồ dưới chân núi thiêng

Trong dòng người hành hương lên viếng chùa ở núi Bà Đen (Tây Ninh), thấp thoáng hình ảnh người phu khuân vác đã luống tuổi.

Trong dòng người hành hương lên viếng chùa ở núi Bà Đen (Tây Ninh), thấp thoáng hình ảnh người phu khuân vác đã luống tuổi.

Ông chính là Hà Văn Phết từng lũng đoạn thế giới ngầm tại bến xe An Đông những thập niên 80 của thế kỷ trước. Nay quay về nẻo thiện, ông tìm đến mảnh đất thiêng mong chuộc lại tội lỗi thời trai trẻ.

Kì 1: Hành trình chú bé nghèo thành thống soái trong thế giới ngầm Bến xe Sài Gòn

Thói đời đẩy đưa

Trời đã chuyển về chiều, men theo những mỏm đá, Hà Văn Phết (60 tuổi) với dáng người nhỏ con nhưng chắc đậm đặt lên vai một bao tải đồ đầy đủ nhu yếu phẩm, bắt đầu một chuyến đi mới lên đỉnh chùa Bà. Quá khứ, Phết từng dang tay che cả bầu trời nơi cửa bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM). Thì nay, cũng đôi bàn tay ấy nhưng lại chai sần đỏ rực rát buốt khi cứ phải bấu víu mỏm đá nóng bỏng giữa cái nắng như đốt của Tây Ninh.

Trải qua một thời tung hoành ngang dọc của tuổi trẻ, nay đã sống gần trọn một đời người, nhưng Hà Văn Phết vẫn chưa muốn sự rắn chắc của đôi tay, sức vóc dẻo dai của đôi vai ngưng nghỉ. Ông bảo, còn sức khỏe thì cần phải lao động. 


Hà Văn Phết nhớ lại thời kì “hoàng kim” của đời mình 

Trong tiếng thở dốc lấy hơi khi vừa leo qua được tảng đá to giữa đường đi, ông chậm rãi: “Tôi làm nghề khuân vác ở núi Bà Đen ngót nghét cũng đã 20 năm. Công việc tuy vất vả, thu nhập cũng chẳng là bao, nhưng bù lại tôi cảm giác bình yên tự tại trong lòng. Ở đây, tôi chủ yếu khuân vác cho nhà chùa và du khách, xem như một phần thiện căn mà mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ hoàn thành. Từ chân núi Bà Đen lên đến đỉnh là 1.000m, cõng hàng ngần ấy năm, nên giờ tôi thấy cũng thành quen rồi”.

Phết được sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em tại vùng quê Đức Hòa, tỉnh Long An. Sống giữa vùng đất quanh năm mưu sinh từ vài ba thửa ruộng, cuộc sống gia đình Phết vô cùng khó khăn. Bởi vậy, chỉ biết được mặt chữ là Phết đã phải bỏ học ở nhà phụ ba mẹ công việc đồng áng. 16 tuổi, gom vài bộ quần áo nhàu nhĩ nhét vào chiếc túi vải, Phết một mình lên Sài Gòn với mong muốn thay đổi cuộc sống đói nghèo. Thế nhưng, phải bắt đầu từ đâu, phải làm những gì thì Phết không hề biết, cậu như chú chim nhỏ lạc bầy và bơ vơ nơi phố thị.

Lang thang gần nửa ngày trời, nơi Phết dừng chân là bến xe An Đông (quận 5, TP.HCM). Nhìn những đứa bé trạc tuổi, nhỏ thó, khuôn mặt lấm la lấm lét chỉ chờ có người sơ hở là dùng chiêu bài “hai ngón” để móc đồ, Phết cũng dần mường tượng ra cuộc sống mưu sinh nơi bến xe xô bồ. Thói đời, lúc con người bơ vơ, không định hướng thường thì “Gặp Phật theo Phật, gặp ma theo ma”. Và với cậu bé Phết lần đầu ra chốn thị thành cũng không nằm ngoài thói đời nghiệt ngã ấy.

Như kẻ chết đuối vớ được cọc, giữa lúc chông chênh trước muôn vàn ngã rẽ, Phết được một đàn anh có máu mặt tại bến xe nhận làm đệ tử. Từ một đứa trẻ không mảnh víu, bỗng chốc Phết có hơn trăm người “anh em”. Công việc ban đầu của Phết chỉ là đàn em sai vặt. Gã không ngờ rằng, đây chính là nguồn cơn đẩy cuộc đời mình vào vũng bùn tội lỗi sau này.

 “Sài Gòn những năm đầu thập niên 80, tại các bến xe nhốn nháo vô cùng. Người tứ xứ khắp nơi đổ về, canh me lúc họ sơ sẩy là chúng tôi đã có thể giở nghề “hai ngón” móc túi được rồi. Hồi đấy, đại ca trong nhóm yêu cầu không ai được phép nhắc tới hai từ móc túi mà phải né đi gọi là “đi làm” hay “kiếm ăn””, Phết kể lại thời gian đầu mới vào băng hội.

Mới vài ngày đầu, nhưng Phết đã tập dần quen với “cuộc sống mới”. Không cần bỏ nhiều sức, chỉ cần chút tài lanh là Phết đã có tiền rủng rỉnh trong túi. Nhiều đêm Phết nằm nghĩ, không cần cực khổ ra đồng như ở quê mà lại có tiền. Hơn nữa, lại có cái ăn cái mặc, không phải sống trong cảnh chưa no đã đói. Cuộc sống của đứa trẻ nghèo cứ thế mải mê trong vòng xoáy đỏ đen. Bước đường “kiếm ăn” của Phết mỗi ngày một dài…

Cầm trùm thế giới ngầm bến xe

Ngoài việc thó đồ của khách một cách chuyên nghiệp, Phết kiêm luôn việc đánh giày, bán vé số, trộm cắp vặt hay bốc vác tại bến xe. Phết không ngại khó, ngại khổ miễn là có tiền. Rít nhẹ điếu thuốc lá, trầm ngâm nhớ về thời dĩ vãng, Phết bảo: “Dù khi đó còn ít tuổi, nhưng những đứa trẻ sống theo bầy đàn như tôi ít nhiều đều có chất lưu manh, bản chất dễ dàng manh động và liều lĩnh. Tầm tuổi tôi lúc bấy giờ, có một số đứa trẻ choai choai đã trở thành thủ lĩnh của một đám thanh thiếu niên dạt nhà đi bụi. Điều hiển nhiên, đứa trẻ nào cũng có lúc không giữ được mình và sẽ đi vào con đường phạm tội. Như tôi lúc đó chẳng hạn”.

Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh nơi Phết đang mưu sinh hằng ngày

 Người xưa vẫn thường nói “giang hồ hiểm ác”, để có thể sống sót nơi “chợ đời”, Phết luôn phải trong tư thế sẵn sàng đánh đuổi những kẻ tranh chấp địa bàn của mình. Hễ có ai đụng vào “miếng cơm” thì Phết trợn mắt, bặm môi. “Đây được xem như thế giới ngầm, khắc nghiệt. Sống trong nó luôn có những luật lệ nhất định. Để sống một là phải phục tùng, hai là hạ gục đối phương để ngoi lên”, Phết nhớ lại. Với sự lì lợm, liều lĩnh, dần dần Phết được đám đàn anh ưu ái, và cho đi theo trong những trận “huyết chiến” tranh dành địa bàn.

Trong kí ức của người phu khuân vác, quá khứ không thể nào thay đổi nhưng mỗi lần nhắc lại vẫn có chút thoáng rùng mình. Ông bảo, hồi đấy gan lì chẳng biết trời cao đất dày là gì, không sợ ai, chỉ nể người đàn anh đứng đầu bang nhóm. Thế nhưng trong một lần đấu đá với bang nhóm khác, đàn anh của Phết bị trọng thương.

“Giới giang hồ thắng làm vua, thua làm giặc. Người đàn anh bị trọng thương, hoàn toàn mất hết uy lực để lãnh đạo. Chỉ mới hơn hai năm sống với cả trăm con người, nhưng tôi phần nào cũng tạo được uy tín. Ít ra trong thời điểm đó, tiếng nói của tôi cũng khiến cho mọi người trong bang nhóm nể sợ. Sau một hồi bàn bạc, anh em thống nhất để tôi làm thủ lĩnh trong bang”, Phết kể.

Chính bản thân Phết thời điểm đó cũng không thể ngờ rằng, có một ngày mình sẽ làm thủ lĩnh cho hơn trăm người “anh em”. Từ đây, Phết chính thức trở thành đại ca giang hồ tại bến xe An Đông khiến nhiều kẻ phải nể sợ. Một tay Phết đã thu phục gần như toàn bộ “miếng cơm” tại đây. Đứa trẻ dạt nhà đi hoang bắt đầu cuộc sống “hoàng kim”, dưới trướng luôn có đám đàn em sẵn sàng chết vì đại ca Phết.

Mời bạn đón đọc Kì 2: Khi ông trùm “ngã ngựa”
Ái Thụy/ VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.