Giang hồ hoàn lương: Lựa chọn bất ngờ của ông trùm “ngã ngựa” (kỳ 2)

18 tuổi, Hà Văn Phết đã được xưng làm đại ca, dưới trướng có cả trăm đàn em “máu mặt”.

18 tuổi, Hà Văn Phết đã được xưng làm đại ca, dưới trướng có cả trăm đàn em “máu mặt”. Bởi từ khi nắm “ngai vàng” tại bến xe An Đông, Phết đã gây ra hàng trăm vụ đụng độ đẫm máu. Thế nhưng, thời “oanh liệt” của Phết rồi cũng đi vào dĩ vãng. 

>>
Kỳ 1: Đường hoàn lương kì lạ của những trùm giang hồ dưới chân núi thiêng

Chinh phục thế giới ngầm

Khoảng những năm 80 của thế kỉ trước, Hà Văn Phết là cái tên được nhắc tới nhiều trong thế giới ngầm tại bến xe. Thủa ấy, mọi đầu mối giao thông gần như đều tập trung tại bến xe An Đông. Bởi thế, nơi đây trở thành lãnh địa kiếm cơm lí tưởng nhất của nhiều tay anh chị. Được đám đàn em tôn lên làm đại ca, Phết nhanh chóng thích nghi với danh phận mới. Từ đây, cuộc sống của đứa trẻ dạt nhà đi bụi đã bước sang một trang khác.

Trong ánh chiều tà vàng vọt giữa lưng chừng núi Bà, hễ nhắc tới quá khứ tội lỗi năm xưa, Hà Văn Phết lại tư lự rít một hơi dài. Phết bảo, đó là quãng thời gian sóng gió nhất trong cuộc đời ông. “Từ ngày lên làm đại ca, tôi không còn phải lăn lộn mưa gió bên ngoài, mà chỉ ngồi một chỗ chỉ tay bắt việc cho đám đàn em. Hồi đấy còn trẻ, cứ thấy có kẻ cơm bưng nước rót tôi lầm tưởng như vậy là sung sướng. Kết thúc một ngày, hàng trăm anh em tập trung lại để chia chác các chiến lợi phẩm. Xong xuôi, cả đám lại cùng nhau ăn chơi đủ trò trên đời”, Phết kể.


Hà Văn Phết nhớ lại thời “vàng son” 

Để trụ được nơi bến xe bát nháo, Phết chỉ đạo đàn em hoạt động công khai từng nhóm và tất nhiên không quên kèm theo “hàng nóng”. Cả bọn luôn trong tư thế sẵn sàng đánh đuổi những kẻ chực chờ, manh nha tranh chấp địa bàn. Lâu dần, nhìn thấy Phết và đàn em với bộ dạng bặm trợn, hung dữ, ai cũng phải e dè. Công cuộc kiếm ăn của băng nhóm do Phết cầm đầu cứ thế tái diễn với đủ loại hình, từ “hai ngón”, cướp giật, đến đâm thuê chém mướn…Phết bảo, mỗi lần tụ họp lại để cùng chia chác, nhìn khoản chiếc lợi phẩm thu được, cả bọn lại càng trượt dài hơn vào vũng bùn tội lỗi.

Trước khi thâu tóm gần như toàn bộ bến xe vào tay mình, Phết đã có không ít lần đích thân ra mặt thách đấu các đối thủ. Gã bảo, đã bước chân vào giang hồ thì những năm tháng hỗn độn này cũng khó sống. Bởi lẽ, bến xe An Đông vào thời điểm đó được ví như “mỏ vàng” của những gã du đãng. Ngoài băng nhóm của Phết thì mỗi ngày rải rác các băng nhóm từ quận, huyện khác cũng kéo đến tranh giành lãnh địa. “Một là phải thanh trừng loại bỏ đối phương, hai là sát nhập băng nhóm. Chính điều này khiến anh em chúng tôi không tránh khỏi những cuộc thanh trừng đẫm máu”, Phết nói.

Với sự lọc lõi và nham hiểm, chẳng mấy chốc mà Phết đã “dẹp yên bờ cõi”, thâu tóm gần như toàn bộ bến xe. Tung hoành làm ăn hơn một thập kỉ, cuộc sống của Phết và đám đàn em được ví như “thiên đường”. Lại nói về quê nhà, khi hay tin Phết lên Sài Gòn làm nghề cướp giật, cha mẹ Phết đã hoàn toàn bất lực. Phết bỏ ngoài tai lời khuyên răn của cha mẹ, chấp nhận sống bám trụ tại bến xe, nơi mà gã ngày ngày được xưng tụng như một “ông vua” không ngai. Suốt hơn một thập kỉ, Phết thống lĩnh đàn em gây biết bao tội ác. Song lưới trời lồng lộng, những hành vi Phết và  đồng bọn gây ra trước sau gì cũng phải trả giá.

Tướng cướp “ngã ngựa”

Nhớ lại ngày tàn “ngã ngựa” của mình, Phết lặng lẽ: “Tình hình an ninh khu vực ngày một phức tạp, bến xe An Đông nơi tôi và đám đàn em tung hoành ngang dọc nằm trong tầm ngắm của cơ quan công an. Tôi biết ngày này trước sau gì cũng sẽ đến với mình nhưng vẫn ngỡ ngàng lúc mọi chuyện xảy ra. Khi bị bắt tôi mới hay, trong đám anh em của mình có một chiến sĩ công an hình sự nằm vùng. Vậy là sau một đợt truy quét, tôi và đồng bọn bị hốt một “mẻ lưới”. Tôi bị tra tay vào còng và bắt đầu những tháng ngày trong trại giam để trả giá những tội lỗi mình gây ra”.

Điện chùa Bà, nơi hằng ngày ông Phết  ngồi nghỉ sau khi  khuân vác hàng

Kết thúc những năm tháng “vàng son”, Phết bị kết án ba năm tù giam. Ông bảo, ba năm tù không hẳn là nhiều nhưng đổi lại lương tâm ông bị cắn rứt cả đời. Ngần ấy thời gian làm bạn với bốn bức tường vô tri vô giác, lại khiến tâm trí Phết được tĩnh tâm. Nghĩ về quá khứ, về mẹ cha, về kiếp giang hồ đâm thuê chém mướn, cướp bóc Phết tự hỏi con đường gã buộc phải chọn sau khi ra tù là gì? Chỉ có hai con đường, một là quay lại tiếp tục cuộc sống phiêu bạt giang hồ, hoặc là từ giã nó làm một con người tử tế.

Ngày được tại ngoại, Phết lẻ loi, cô độc giống như hồi mới bước chân lên Sài Gòn. Không một ai đến đón, Phết lặng lẽ tìm về bến xe An Đông. Đám đàn em năm xưa giờ Phết không còn gặp được ai, tất cả tan tác. Không còn chỗ đứng, Phết thất vọng ê chề. Hơn ai hết, Phết biết rõ thời của mình đã hết thật rồi. “Thời gian chẳng đợi ai cả, anh em năm xưa không còn ai, lúc đấy tôi nghĩ dù có muốn quay lại với “nghề” cũng không còn ai tương trợ. Tôi thực sự không còn chốn để quay về. Nếu trở về quê nhà, tôi không dám nhìn mặt cha mẹ với bản lí lịch nhuốm bùn của mình. Đã không giúp gì được cho đấng sinh thành, nay lại gây thêm áp lực và gánh nặng cho họ, tôi không còn mặt mũi nào”, Phết trầm tư.

Từng xưng bá một phương nay không chốn dung thân, Phết chỉ còn cách lang bạt tứ xứ. Phết thuê hẳn một phòng trọ, ngày lầm lũi đi làm phu khuân vác tối về ngả lưng. Sống trong giang hồ từ lâu, lại quen với cuộc sống nay đây mai đó Phết không ở yên một nơi nào quá lâu. Phết bắt đầu một hành trình lang bạt từ Bắc chí Nam. Từ lơ xe, bán hàng dạo, thợ hồ…chỉ cần có tiền mưu sinh Phết không ngần ngại lăn xả. Con người dù có đi nhiều nơi, trải qua mọi thăng trầm thì nơi muốn về nhất cuối cùng vẫn là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Cuối năm 1980, Phết quay về miền quê nơi gã từng sinh ra và lớn lên ở huyện Đức Hòa, Long An. Bao nhiêu năm bặt vô âm tín, nay quay về thì Phết mới hay cha mẹ già yếu đã qua đời.

Rơi nước mắt nhìn di ảnh trên bàn thờ cha mẹ, khói hương vẫn còn nghi ngút, phần lương tri còn sót lại trong Phết mới có dịp sống dậy. Cựu giang hồ thực sự thấy hối hận vì những lỗi lầm của mình là nguyên nhân khiến cha mẹ đau khổ rồi sinh bệnh. Sau một đêm trăn trở, Phết quyết định lên Tây Ninh lập nghiệp, tu chí làm ăn và chuộc lại lỗi lầm. Tại đây, Phết may mắn gặp được một nửa còn lại của đời mình và nên duyên vợ chồng. Ông bảo, lòng người thành thản nhất là khi làm được điều mình thích, sống vui, bình yên tự tại dù công việc có vất vả, cực nhọc. Và Phết đã chọn nghề phu khuân vác trên núi Bà Đen để mưu sinh.

Mời bạn đón đọc kỳ 3: Của “chín ngón”-đạo chích khét tiếng quyết cạo đầu ở ẩn

Ái Thụy/ VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.