Cô du học sinh Việt thiết kế đồ họa cho "siêu phẩm" Fast and Furious 7 là ai?

Hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe bí quyết thành công cùng Võ Ngọc Nhi - cô nàng du học sinh Việt xuất hiện trong nhóm thiết kế đồ họa của "bom tấn" Fast and Furious 7.

Hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe bí quyết thành công cùng Võ Ngọc Nhi - cô nàng du học sinh Việt xuất hiện trong nhóm thiết kế đồ họa của "bom tấn" Fast and Furious 7.

Cô gái Việt can đảm, đam mê và chăm chỉ

Chỉ hơn một tuần ra mắt, “Fast & Furious 7” đã trở thành “bom tấn” tại các phòng chiếu trên toàn cầu, nhanh chóng đè bẹp các đối thủ khác và lập hàng loạt kỷ lục. Bộ phim đã khởi chiếu tại 63 thị trường, trong đó có cả Việt Nam. Và không ngoại lệ, “Fast & Furious 7” phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu từng có ở Việt Nam.

Cơn sốt mang tên "Fast & Furious 7" đến nay vẫn chưa hề giảm nhiệt. Bộ phim trở thành một trong những “bom tấn” có doanh thu thương mại cao nhất điện ảnh thế giới trong năm 2015.

Nhưng ít “fan” Việt để ý rằng, một nữ du học sinh Việt thế hệ 8X đã có tên trong danh sách 4 người thiết kế đồ họa cho bộ phim hành động với những cảnh quay “đẹp miễn chê” này.

Cô là Võ Ngọc Nhi, cựu du học sinh ngành Digital Media chuyên về đồ họa điện ảnh, quảng cáo và truyền hình tại Mỹ, hiện sinh sống tại Los Angeles. Xoay quanh cô gái Cà Mau duyên dáng này là câu chuyện thú vị của một nữ du học sinh Việt với những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi để khẳng định mình trên đất khách.

Võ Ngọc Nhi sinh năm 1989 tại Cà Mau.

Tốt nghiệp ngành Graphic Design ở Đại Tôn Đức Thắng, TP.CHM, Ngọc Nhi nộp đơn học cao học ngành Web Design & New Media ở Academy of Art, San Francisco. Sau học kỳ đầu tiên, cảm thấy chương trình học “trật khớp” với nhu cầu học và làm việc của bản thân, Nhi“đánh liều” bỏ ngang để nộp đơn học đại họcngành Digital Media ở trường Otis College of Art and Design (thành phố Los Angeles).

Kể về những tháng năm du học đất Mỹ, Nhi có nhiều kỉ niệm “nhớ đời”: “Những ngày đầu vô Otis, Nhi bị choáng với số lượng bài vở, sự tận tình của thầy cô và lửa đam mê nghề nghiệp của đám bạn cùng lớp.

Ban ngày tụi nó chui vô lớp học, chiều tối thì chui vô Computer Lab (phòng máy) làm bài tới mờ sáng hôm sau (mở cửa 24/7), cứ vậy ngày này qua ngày khác cho tới khi ra trường, tuyệt nhiên không đi chơi, không về thăm nhà, không “cà kê dê ngỗng” la cà dưới căng tin (cười)”.

Chương trình đào tạo Art & Design ở Los Angeles hơi khác biệt vì mỗi sinh viên buộc phải đăng ký ít nhất 6 lớp mỗi học kỳ (gần gấp đôi số lượng lớp trung bình ở những ngành khác). Nhi tiếc tiền nên nhiều khi đăng ký tới 7 lớp, ngày ngày chỉ biết tới trường rồi về nhà, tối khuya vừa ngồi làm bài trong phòng máy vừa Skype nói chuyện với gia đình ở Việt Nam.

Nhi góp mặt trong danh sách những người thiết kế đồ họa cho “Fast and Furious 7”

“Những ngày cuối kỳ bài vở chồng chất, nhà trường tâm lý mua cả bánh mì và cơm phát miễn phí cho bạn nào ở lại làm bài sau 10 giờ khuya, bởi vậy có lần Nhi ở trong trường liền tù tì 3 ngày không về nhà luôn. Bạn Nhi nhiều đứa còn đem cả túi ngủ vô để sẵn dưới gầm bàn, mệt thì chui xuống ngả lưng”, Nhi tâm sự.

Tốt nghiệp và làm việc thiết kế đồ họa động ở Hollywood, bằng tài năng và sự kiên trì học hỏi, Nhi “nhích thêm từng bước” trong chặng đường dài mình chọn để “thương gửi mẹ cha nơi quê nhà”.

“Fast & Furious 7” và kỷ niệm “đột nhập”

“Nói thiệt, lúc dự án Fast 7 kết thúc, Nhi nôn nao lắm luôn, cứ mong chờ ngày phim công chiếu để được tận mắt thấy tên mình trong phần credit. Nhưng tới khi ngồi trong rạp xem hết 140 phút phim rồi, danh sách ekip làm phim chạy qua hết mấy trăm cái tên, tự nhiên cảm xúc lâng lâng bấy lâu không còn nữa.

Nhi thấy mình như con kiến nhỏ trong bầy có trăm ngàn con, người ta làm phim bao nhiêu năm còn mình chỉ mới góp chút sức vài lần, chưa đủ để thấy vinh dự hay tự hào gì cả. Lúc đó lại còn bận chùi nước mắt vì đoạn kết phim quá xúc động, rồi còn bận chụp lại màn hình có tên mình để gửi về nhà cho cha mẹ coi nữa”, Nhi khiêm tốn bộc bạch.

Nhi trong ngày tốt nghiệp ở Mỹ.

Ngọc Nhi cho hay, cô nằm trong nhóm chuyên viên thiết kế giao diện tương tác cho những những cảnh quay có sự góp mặt của thiết bị điện tử trong phim; mà cụ thể, công việc của Nhi là làm hiệu ứng đồ họa động (GFX) cho bom tấn "Fast & Furious 7".

Dù là cộng tác với “bom tấn” nhưng thù lao nhận được cũng không khác là bao so với các dự án khác. Phần việc của Nhi trong Fast7 cũng đòi hỏi kỹ thuật ngang với những dự án quảng cáo hay truyền hình khác, chỉ khác ở ngôn ngữ thể hiện.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong 2 tháng làm việc hậu kỳ cho Fast & Furious 7, Nhi kể: “Studio Nhi cộng tác có chế độ bảo mật rất nghiêm ngặt, toàn bộ nhân viên phải có chìa khoá cảm ứng đúng tên mình mới được ra vào công ty. Hôm đó là ngày làm việc cuối cùng của năm 2014, Nhi ráng ngồi lại để làm cho hết phân cảnh nên là 1 trong 2 người cuối cùng rời khỏi công ty.

Lái xe ra tới cổng chính thì Nhi sực nhớ đã bỏ quên cái bánh cookie bạn cho trên bàn làm việc, sợ qua 2 tuần nghỉ lễ cái nó thành tổ kiến mất, rồi sợ máy móc xung quanh bị kiến chui vô làm hư…nên bèn quay đầu xe lại, chạy mau mau vô lấy cái bánh rồi về.

Ai dè nửa tiếng sau sếp Nhi gọi, “Nhi mày có sao không? Tao đang ở nhà nghe chuông báo động kêu om sòm. Studio có người đột nhập! Phải thằng nào trấn áp mày, lấy chìa khoá của mày rồi lẻn vô studio không? Có sao không?”

Nhi sợ quá, ấp úng giải thích với ổng về… cái bánh. Tưởng bị đuổi rồi, ai dè đầu năm vô làm ổng đứng giữa phòng kể cho bà con nghe câu chuyện “tại vì cái bánh” của Nhi, ai cũng cười ha hả” (cười lớn).

Sau khi tốt nghiệp, Ngọc Nhi làm freelance cho những công ty chuyên thầu đồ họa hậu kỳ các dự án phim ảnh và truyền hình. Khi mới ra trường nửa năm, Võ Ngọc Nhi đã thực hiện một quảng cáo ngoài trời cho Dunkin' Donuts, phát trên quảng trường Thời đại (Times Square) ở New York.

Làm việc ở Hollywood, cô gái Việt duyên dáng luôn tâm niệm về bản lĩnh và sự can đảm để khẳng định bản thân. Cô chia sẻ: “Những ngày đi thực tập Nhi vấp váp đủ hết, nào là ngôn ngữ, văn hóa, lối làm việc…nhưng người ta biết mình là sinh viên ngoại quốc nên cũng thông cảm cho.

Còn đi làm freelance rồi, áp lực lớn nhất là phải làm sao cho người ta coi mình ngang hàng với những họa sĩ đồ họa động sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Muốn họ trả tiền cho mình làm việc thì tuyệt đối không thể để họ nghĩ “Nhỏ này xứ khác tới, còn chân ướt chân ráo, không biết có làm đúng ý mình không đây!?”

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.