Ăn cho con

Chú trọng đến dinh dưỡng cho trẻ ngay khi bé còn đang trong bụng mẹ, đó là cách bạn tạo một nền tảng dinh dưỡng tuyệt vời cho con.

Ông bà xưa thường bảo "ăn cho hai người", hàm ý rằng thai phụ cần phải ăn gấp đôi bình thường, ăn luôn phần cho con... điều này đúng một phần, phụ nữ mang thai cần thêm 15% năng lượng so với bình thường. Tuy nhiên, nên lưu ý đến "chất" hơn là "lượng", vì ăn nhiều chưa hẳn là ăn đủ.

Ăn - "Nghĩa vụ cao cả"...

Một kế hoạch ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân đối vừa hợp lý trong giai đoạn mang thai sẽ là món quà đầu tiên, và cũng có thể là món quà lớn nhất mà bạn dành tặng cho bé yêu của mình.

Thật ra thói quen ăn uống lành mạnh trước khi mang thai là lý tưởng nhất, nhưng hãy nhớ rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, đừng buông xuôi dù bạn đang ở tuần đầu hay tuần cuối của thai kỳ.

Việc cung cấp cho cơ thể những loại thực phẩm đa dạng và bổ dưỡng sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe, mang lại cảm giác phấn chấn khi mang thai, đồng thời trải qua thời kỳ bầu bí một cách nhẹ nhàng và dễ chịu nhất. Nhưng trên hết, nó thiết lập nên một tiền đề vững chắc mang tính thiết yếu và quyết định đến sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của con bạn khi bé ra đời, thậm chí đến tận khi bé trưởng thành.

Quan trọng là thế, nhưng việc thực hiện cũng không mấy khó khăn, có khi lại khá nhẹ nhàng. Thật ra, nuôi con trong bụng dễ dàng hơn nhiều so với khi bé đã ra đời. Vì lúc này mẹ là người chủ động lựa chọn và dung nạp thức ăn cho bé. Một khi mẹ quyết định cho bé "ăn" món gì, bé sẽ chỉ việc hấp thu chứ không bao giờ "từ chối".

Ngoài các chất dinh dưỡng căn bản, người mẹ sẽ cần bổ sung vitamin và khoáng chất với liều lượng thích hợp cho từng giai đoạn và bổ sung sắt, canxi gần như suốt thai kỳ. Việc bồi bổ cũng phải phù hợp với các giai đoạn phát triển của thai nhi mới mang lại hiệu quả cao.

3 tháng đầu: "Khởi động!"

Đây là giai đoạn thai nhi vừa mới hình thành, tốc độ phát triển còn khá chậm, nhu cầu dinh dưỡng chưa cao lắm. Mẹ chỉ cần ăn uống bình thường, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm và bắt đầu bổ sung sắt cho cơ thể. Tình trạng nghén ngẩm đầu thai kỳ đôi khi khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Nếu thấy không đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết, bạn nên uống thêm sữa.

Đừng quá kiêng khem và sợ sệt đủ loại thức ăn vì những lời đồn đãi truyền miệng về tác hại của nó đối với bào thai, nên tìm hiểu cách khoa học hoặc nhờ bác sĩ tư vấn thêm nếu còn hoang mang. Kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết, có thể gây thiếu máu, đẻ non, con nhẹ cân và một số biến chứng khác.

Bắt đầu từ đây, hãy nói không với bia rượu, thuốc lá, thức uống có cồn và cafein, đồng thời từ bỏ thói quen ăn hải sản sống hoặc những món ăn chưa được nấu chín, cũng không nên dùng sữa tươi chưa qua tiệt trùng hoặc phô mai mềm.

3 Tháng giữa: "Vượt chướng ngại và tăng tốc"

Mẹ kết thúc thời kỳ ốm ghén khó chịu, con đã qua giai đoạn mỏng manh yếu ớt và chuẩn bị "bứt phá" ngoạn mục.

Ở giai đoạn này, thai nhi bắt đầu phát triển mạnh mẽ về não và thể chất, nhu cầu dinh dưỡng rất cao, mẹ cần tăng cường đạm, khoáng chất và vitamin nhóm B.

Những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu... cung cấp protein. Thai phụ cần ăn nhiều cá để dễ hấp thu canxi và các axit béo, nhưng cần hạn chế một số loại cá thu, cá ngừ to... Những loại cá này chứa hàm lượng thủy ngân cao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.

Rau xanh, trái cây hoặc nước ép trái cây sẽ bổ sung vitamin và khoáng chất, đây cũng là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể, phòng tránh táo bón trong thai kỳ.

Tinh bột và đường cũng giúp sinh năng lượng, nhưng nên duy trì ở mức độ vừa đủ.

Chất béo đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp cơ thể hấp thu tốt vitamin A, D, E... mà còn góp phần bảo vệ thai nhi, cho mẹ khỏe mạnh, con chóng lớn. Dầu mỡ có thể dùng dưới dạng trộn vào thức ăn hoặc chiên xào. Nhưng cách tốt nhất là trộn salad để giữ được các vitamin cần thiết.

Vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của thai nhi.

Vitamin C: Có nhiều trong trái cây tươi vừa chín tới, làm tăng cường sức đề kháng và giúp hấp thu tốt chất sắt.

Axit Folic: Rất cần cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Mang thai, mẹ cần rất nhiều Axit folic, nhưng cơ thể không dự trữ được chất này nên phải cung cấp thường xuyên. Axit folic có nhiều trong thịt, các loại rau xanh, các loại đậu, sữa và các thực phẩm làm từ sữa...

Chất sắt: Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai đặc biệt cao vì cần thiết cho cả hai mẹ con. Thai nhi cần sắt để phát triển và tích trữ cho cơ thể sau khi chào đời, mẹ cần sắt để tăng thể tích máu, duy trì cơ thể khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ mất máu sau khi sinh.

Chất sắt có nhiều trong gan, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, rau xanh, ngũ cốc... Tuy nhiên sắt nguồn gốc động vật dễ hấp thu hơn sắt nguồn gốc thực vật. Ngoài thức ăn, thai phụ cũng nên dùng viên sắt bổ sung mỗi ngày, uống khi dạ dày rỗng hoặc uống kèm nước cam vắt sẽ giúp hấp thu nhanh hơn.

Canxi: Mang thai, người mẹ cần lượng canxi cao gấp đôi bình thường. Giai đoạn này, thai nhi đang trong quá trình hình thành xương nên nhu cầu canxi rất lớn. Thai càng lớn thì càng cần nhiều canxi, nếu cơ thể mẹ đáp ứng không đủ, canxi sẽ thiếu hụt khiến thai phát triển kém, mẹ có nguy cơ tăng huyết áp ở giai đoạn cuối, bị phù nề hoặc một số biến chứng khác...

3 Tháng cuối: "về đích"

Thai nhi phát triển nhanh hơn và đòi hỏi dinh dưỡng cao hơn để tích trữ cho cơ thể trước khi chào đời. Thời gian này, mẹ sẽ tăng cân nhanh hơn, cảm giác thèm ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên vẫn phải chú ý hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi loại thực phẩm, tránh ăn quá nhiều bột đường hoặc các loại thức ăn nhanh vì chúng có thể gây béo phì hoặc tiểu đường thai kỳ.

Ngoài việc duy trì thực đơn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, bạn nên có đa dạng hóa bữa ăn bằng việc kết hợp nhiều loại thực phẩm một cách hợp lý. Việc này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn kích thích vị giác, giúp cơ thể hấp thu tốt nhất các dưỡng chất cần thiết.

Uống nước nhiều để cơ thể dễ loại bỏ những chất độc, bớt ăn mặn để tránh tăng huyết áp và hạn chế phù nề cuối thai kỳ.

Vì luôn có cảm giác đói và thèm ăn, bạn cần phải chú ý đến việc chọn lựa thức ăn phù hợp, vừa "chống đói" vừa đầy đủ dinh dưỡng. Tăng cân khi mang thai là cần thiết và hoàn toàn bình thường, nhưng cũng nên lưu ý kiểm soát cân nặng vì thừa dinh dưỡng cũng tai hại như thiếu.

Đến cuối giai đoạn này, bạn đã có thể an tâm con mình được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiếu yếu và sẵn sàng chính thức hội nhập vào cuộc sống, chấm dứt thời kỳ "nhờ mẹ ăn giùm" để bước vào một thời kỳ mới lạ hơn và nhiều thử thách hơn, kể cả trong việc ăn uống.

Đối với phụ nữ, mang thai là giai đoạn đặc biệt thú vị, khi mà thói quen ăn uống của bạn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của một sinh linh khác. Vì thế hãy trang bị cho mình kiến thức cần thiết để có thể lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm một cách tốt nhất, bằng cách này bạn sẽ tạo cho con một khởi đầu mạnh mẽ và tràn trề sinh lực.

Theo BS Song Hà

MNVN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.