Bữa cơm: Quây quần, đầm ấm

“Quây quần” và “đầm ấm” có lẽ là hai từ chính xác nhất miêu tả về bữa cơm gia đình trong hình dung của mỗi người, nhất là người Việt Nam.

Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, bữa cơm gia đình có thể không còn “bắt buộc” và thường xuyên, tuy nhiên những giây phút họp bên mâm cơm vẫn có giá trị riêng của mình, đặc biệt là những giá trị tinh thần đối với trẻ em và những bà mẹ mới sinh con.

Ngày… tháng… năm…

Chán ba Bin lắm, chẳng tâm lý gì cả, thấy vợ ngồi ăn lủi thủi một mình cũng không chạy lại ngồi chung, hỏi han vợ tý. Thời gian đầu thì còn có vẻ “áy náy” nên ngồi thường xuyên “Anh bới cơm cho em nhé”, “Gắp thịt mà ăn em ạ, hôm nay thịt kho ngon lắm”… rồi tần suất ngồi cứ thưa dần, thưa dần… Tủi thân quá đi mất, không lẽ lại khóc như trẻ con? Ơ hay, đã bảo không khóc cơ mà… sao nước mắt cứ lăn. Đến khổ, hôm nay chắc “trái gió trở trời”, tinh thần bỗng yếu đuối…

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay cả nhà ra nhà hàng ăn. Ông bà nội thích ăn cơm nhà nên năm thì mười họa mới có dịp đi thế này. Bin ăn hết chén cháo ở nhà trước rồi cả nhà mới đi. Nhà hàng có ghế dựa, Bin ngồi giữa mẹ với ba xả láng chơi với đống đồ chơi mẹ mang theo. Hì, lỉnh kỉnh tý, nhưng đến nơi thì “rảnh tay”. Cơm nóng, đồ ăn thơm ngon, vừa ăn vừa nói chuyện. Hạnh phúc! Hạnh phúc! Hạnh phúc! Ăn liền một mạch ba bát cơm. Bà nội đùa “Chê cơm nhà mẹ nấu dở à? Ngày nào phần cơm ăn cũng thừa, ra đây sao ăn lắm thế?”. Cười trừ. Có nên làm “cách mạng”? Tính sau, an tráng miệng đã.

Đêm về. Bin đã ngủ. Nhất quyết sẽ thủ thỉ với chồng. Chứ cứ ăn “cơm nguội” thế này mãi chắc trầm cảm mất. Em sẽ đi làm về sớm hơn một tí để cho con ăn trước. Cả nhà chỉ cần ăn trễ hơn bình thường 15 phút thôi. Em hứa sẽ giữ Bin ngồi trong ghế riêng, phá chén bát nhựa, có thể hơi ồn một tí, nhưng chắc chắn sẽ không “phá mâm” quá đáng đâu. Em hứa sẽ cho Bin ngồi vào lòng nếu lỡ Bin “giở chứng”, em ăn bằng một tay được mà, tay kia sẽ vẫn ôm Bin, chỉ cần chồng không chê dáng em ngồi xấu xí. Anh giúp em thuyết phục mẹ nhé… Chuẩn bị hết lý lẽ rồi… “Anh ơi…”

Không bàn về những gia đình có thói quen “ăn độc lập” do sở thích hoặc do lịch sinh hoạt của các thành viên không trùng khớp – cơm và đồ ăn được chuẩn bị sẵn, để nguyên trong nồi, ai tiện lúc nào thì xới cơm vào tô lúc ấy – đa số các gia đình Việt Nam đều cố gắng sắp xếp để ăn một bữa cơm chung có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Đó thường là những bữa cơm tối đầm ấm hoặc cũng có thể chỉ là những bữa trưa giản dị tranh thủ về nhà nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, song song với bữa cơm gia đình, cũng còn một thói quen khá phổ biến trong các gia đình Việt: Các mẹ có con nhỏ thì thường được ăn thực đơn riêng, trong phòng riêng suốt thời gian “ở cữ’. Và kể cả sau đó, khi bé con đã “ra tháng”, mẹ vẫn có khả năng phải ăn riêng để thuận tiện, và ưu tiên cho việc chăm con.

Mặc dù phương án này được “đồng thuận” ở khá nhiều gia đình, thật sự, đối với các bà mẹ có con nhỏ đây có lẽ không phải là lựa chọn tối ưu. Bên cạnh đó, phương án này cũng không được các chuyên gia về trẻ em ủng hộ vì không khí của bữa cơm gia đình cũng rất có ích cho sự phát triển của các bé.

Lợi ích của mẹ

Thực tế, không phải “ăn gì” mà “ăn như thế nào” mới là điều ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta. Đối với các bà mẹ có con nhỏ, việc cả ngày chỉ “bi bô” nói chuyện vói con, lo cho con uống sữa, thay tã, ăn bột có thể cực kỳ stress, đặc biệt là khi mẹ đang ở trong giai đoạn “tinh thần yếu đuối”, dễ trầm cảm. Vì thế, cách xả stress tốt nhất là cho mẹ cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện với người thân (không phải con), được nghe những câu chuyện phiếm, “tám” về chuyện xã hội,hoặc kể cả khoe con, “khoe” những việc 2 mẹ con làm trong ngày.

Không chỉ giúp xả stress, bữa cơm gia đình còn là dịp để người mẹ mới sinh có thể cảm nhận được sự gắn bó của mình với các thành viên khác trong gia đình (điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang ở nhà chồng). Cả ngày chỉ tiếp xúc với con, mẹ rất dễ có cảm giác bị cô lập, không được rời con nửa bước và phải gắn chặt với nghĩa vụ chăm con. Ngồi ăn chung với cả gia đình cho người mẹ cảm giác là “thành viên mới” giúp gia đình đông vui, hạnh phúc hơn, chứ không phải vì nhóc-con-hay-khóc ấy mà cuộc sống của mẹ thay đổi 180o.

Tốt cho cả con

Mọi người vẫn nghĩ rằng chỉ với các bé lớn, thói quen ăn cơm chung với cả nhà mới quan trọng, còn với các bé nhỏ (thường là dưới 1 tuổi) thì ăn thế nào đảm bảo chất dinh dưỡng mới là ưu tiên số 1. Thực tế, bữa cơm gia đình mang lại rất nhiều lợi ích cho bé con đấy ba mẹ ạ.

Cảm nhận về “gia đình”: Bữa cơm chung là cách hữu hiệu nhất để giải thích cho trẻ nhỏ khái niệm “gia đình”: Bé sẽ nhận diện những khuôn mặt quen thuộc, và lập dần mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Cảm nhận sự cân bằng: Những bữa cơm gia đình đều đặn, thường xuyên sẽ giúp bé hình thành được thói quen cũng như khái niệm về thời gian biểu. Việc này cũng cho bé cảm giác an tâm (là mình biết được việc gì xảy ra), và an toàn (vì được ở trong vòng tay và tình thương yêu của các thành viên trong gia đình).

Phát triển kỹ năng giao tiếp: Khi cùng dùng bữa, chắc chắn là mọi người sẽ nói chuyện – đây chính là lúc bé học hỏi tốt nhất các kỹ năng giao tiếp, bé sẽ lắng nghe, tán đồng hoặc thậm chí “kể chuyện” theo cách riêng của mình (dù có thể bé chưa biết nói, mọi người chắc chắn vẫn sẽ đáp lại “câu chuyện” của bé mà), những bé ở độ tuổi lớn hơn thì lại cần có bữa cơm gia đình để chia sẻ với ba mẹ những chuyện vui, buồn của bé trong ngày.

Làm giàu vốn từ vựng: Thêm một lợi ích nữa từ những cuộc nói chuyện trên bàn ăn – Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong bữa ăn, trẻ em học từ vựng và cách diễn đạt thành câu nhanh hơn cả khi được truyền đạt kỹ năng này qua việc đọc sách.

Thói quen ăn uống sẽ tốt hơn: với các bé đã ăn được cơm, thường xuyên ăn chung với cả nhà sẽ giúp thực đơn của bé da dạng hơn vì bé sẽ được ăn chung thức ăn với người lớn, trong khi nếu ăn riêng, phụ huynh thường sẽ dành cho bé một “thực đơn đặc biệt” với những món bé dễ ăn – mà những món này lại thường là những món chiên, xào, ít rau.

Với nhiều lợi ích như thế này, đâu có lý do gì để tách bé (và nhiều khi cả mẹ nữa) ra khỏi bữa cơm gia đình, đúng không nào?

Theo Song Hân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.