Câu chuyện... xin được mổ đẻ

Nhát gan, sợ đau, tốt nhất xin được mổ đẻ, mặc cho vị bác sĩ nhiệt tình phân tích thiệt hơn. Nhưng sau cơn vượt cạn hết sức… đơn giản, tôi biết sự lựa chọn của mình không hề khôn ngoan.

Cuối cùng, sau một loạt thủ tục, nộp thẻ bảo hiểm, khai tên con, ký giấy cam đoan, thay áo váy và thoa lên bụng thứ dung dịch sát khuẩn sánh màu cà phê, tôi vẫy tay chào chồng để bước vào phòng mổ đẻ. Một cảm giác như là phấn chấn chạy ngang qua đầu khi đập vào mắt tôi là một không gian hiện đại và sạch sẽ chứ không như những gì tôi từng nghe về chốn “đàn ông chớ ló mặt vào” này.

Cũng chẳng thấy đâu cái giọng quát nạt, dọa dẫm, cau có của những bác sĩ đỡ đẻ. Không lẽ các mẹ trên diễn đàn đổ oan, chứ mấy bác sĩ này dễ chịu lắm, vui tính lắm. Họ vừa thoăn thoắt thao tác, vừa làm tôi bật cười với những câu hỏi dí dỏm nhằm mục đích trấn an tinh thần. Cứ thế tôi mải miết theo những câu hỏi, câu trả lời và những chuyện tếu táo của nhóm bác sĩ mà không biết rằng mình đã vượt qua cửa ải đau đớn nhất của người đàn bà để hạ sinh ra một bé con kháu khỉnh. Chỉ đến lúc nghe thấy cô y tá suýt soa: “trông yêu quá” và tiếng trẻ con khóc ré lên thì mắt mình mới bắt đầu trào lệ. Hạnh phúc quá chừng. Nhưng cũng thấy đôi chút gì đó như là hẫng hụt “vượt cạn đơn giản thế thôi sao”.

Tôi nhắm mắt lại lắng nghe từng dòng cảm xúc chạy qua mình hiền hòa, êm dịu. “Tưởng gì, đẻ đơn giản thế này thì năm sau làm tiếp thằng cu nữa nuôi một thể”, tôi thầm nhủ. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ và dễ dàng như thế, nhất là khi tôi đã trót chọn biện pháp sinh mổ…

Đau như đau… đẻ mổ

Cuộc trốn chạy cơn đau chuyển dạ muôn thuở của đàn bà bằng giải pháp mổ hứa hẹn nhiều ưu việt là thế này đây ư? Tôi từng tưởng tượng nó ngọt ngào và ít đau đớn hơn thế. Nhưng… Những cơn đau đến xa xẩm mặt mày, đến tê dại thịt da ngay khi mùi thuốc tê vừa hết tác dụng. Nó khiến tôi không thể đứng - tất nhiên, không thể ngồi, cũng chẳng thể nằm bởi tất cả những điều này đều có thể kéo căng vùng da nơi vết mổ. Cả ngày đầu tiên sau mổ, tôi luôn phải ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi và tránh hết sức những cử động hay vặn vẹo người để giữ cho vùng vết thương không mảy may nhúc nhích. Mọi việc ăn uống, vệ sinh, thay đồ… tất tật đều dựa vào chồng. Tất nhiên cái sự đau đớn này không kéo dài mãi, nhưng nó dạy cho tôi một bài học: đừng nên đi ngược với quy luật tự nhiên. Vài tuần sau, tôi hết đau. Nhưng sau này, ngay cả khi con bé được một tuổi thì mỗi lần lỡ va quệt vào vết mổ cũ hoặc thời tiết thay đổi, tôi vẫn phải nhăn nhó.

Sau những cơn đau hậu phẫu là những khó nhọc của việc tập đi. Ngược đời làm sao chứ.trong khi các mẹ sinh thường sau một ngày là có thể đi lại bình thường thì tôi mất đứt ba ngày gần như chỉ xê dịch trên giường, và mất tiếp một ngày tập đi trở lại. Cái bước chân đầu tiên sau ngày “lột xác” mới khó nhọc làm sao. Chân đi được một bước mà mắt chan chứa nước. Song để giải tỏa được trăm mối lo bắt nguồn từ cái sự nằm bất di bất dịch, từ nỗi lo dính ruột, đường tiêu hóa không thông cho đến nỗi phấp phổng về sự trở lại của một cơ thể bình thường, thì sự đau đớn về thể chất này đâu đã là gì.

Người ta đẻ xong là thấy mặt con, còn tôi ba ngày sau khi sinh mà chưa được ôm con lấy một đêm. Nhiều lúc, khi chợt tỉnh giữa những cơn nóng lạnh, lúc chập chờn với liều thuốc giảm đau tôi thấy mình như rớt bịch từ trên trời xuống đất. Những tưởng “sau một giấc ngủ mơ mình sẽ thấy con nằm bên cạnh”, “hai mẹ con sẽ ôm chặt nhau suốt những giây phút đầu tiên của cuộc đời”. Nhưng tưởng vẫn chỉ là tưởng. Mấy cái kỹ năng quấn tã hì hụi tập trước khi sinh chẳng biết đến khi nào được áp dụng.

Sao sữa mãi chẳng về?

Gần một tuần phải tiêm thuốc kháng sinh, con cũng không được ẵm bế liên tục nên đương nhiên, tôi và mấy mẹ sinh mổ cùng phòng thèm lắm cái cảm giác căng ngực khi sữa về. Vẫn lặng im, vẫn xẹp dí, không một giọt sữa non, dù con tôi mải miết mút lấy mút để mỗi khi được gần mẹ. Lúc đó sao tôi ghét mấy cái quảng cáo sữa trên tivi thế, tôi muốn quẳng hết đống kiến thức sách vở đã đọc trước khi sinh rằng sữa non nhiều kháng thể, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tôi làm gì có sữa. Tự dưng tôi hận mình là một bà mẹ tồi.

Chuyện cái bầu sữa của tôi làm cả nhà… điên đảo. Bà ngoại hì hụi đi kiếm lá mít về luộc để rửa bầu ti. Bà nội nhắc tôi lấy cái lược chải xuôi để sữa về. Cô em gái được giao nhiệm vụ thay đổi thực đơn từ cháo chân chó đến móng giò hầm đu đủ, rồi hoa tam thất… tất tật những gì có thể làm cho tôi nhiều sữa đều được mang ra nấu và ninh. Nhưng hình như tôi chỉ là… “bò cầy” chứ không phải “bò sữa”. Rồi mẹ chồng thở vắn than dài: “Các cô bây giờ lạ thật, ăn uống đầy đủ thế mà sao chẳng có sữa?”. Rồi mẹ đẻ ngậm ngùi thanh minh: “Chắc tại cháu nó đẻ mổ, thôi cứ ráng chờ hết thuốc kháng sinh xem sao”. Ơ hóa ra cái bầu sữa của tôi lại gây bất hòa giữa hai đằng thông gia hay sao? Sữa ơi, mày ở đâu thế?

Tránh thai cũng… khổ!!!

Ba tháng sau ngày sinh, nhân ngày chủ nhật nhà có sẵn người trông con giúp, tôi xách xe ra đường với lý do tế nhị: “đi đổi sữa cho con”. Thực ra là phi thẳng đến phòng khám phụ khoa. Dạo này thấy bố nó cứ nhấm nháy khen mẹ là “gái một con”. Mà nghĩ cũng thương chồng đã bị “bế quan tỏa cảng” lâu quá. Bố cháu được giải tỏa cấm vận, như thể nắng hạn gặp mưa rào, mẹ cháu đang cho con bú, nhưng mỗi lần yêu chồng xong thì lại lo ngay ngáy, nhỡ ra thì… Thế là quyết tâm đi đặt cái vòng. Ai dè, vừa trình bày nguyện vọng xong thì chị bác sĩ đã làm tắt ngấm cái ý định đầy trách nhiệm của bà mẹ trẻ: “Em ơi, vì em sinh mổ nên chủ động tìm biện pháp khác đi, tử cung của em chưa ổn định nên không dùng được biện pháp này đâu”. Đã tẽn tò đi ra rồi chị bác sĩ còn nói vóng theo: “Nhiều người “dính” trong giai đoạn này lắm đấy, đừng chủ quan. Mà nếu có phải đụng đến giao kéo thì nguy hiểm khôn lường đấy”.

Trời đất, biện pháp nào đây, cái thứ của khỉ kia thì chắc ông xã không chịu rồi. Mà con con cái cái thế này làm sao mà nhớ đến giờ uống thuốc cho được cơ chứ… phải vạ nhà cái… đẻ mổ.

Theo Thu Hương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.