Cha mẹ không biết những điều này, con dễ dàng bị bắt cóc

Các chuyên gia khuyến cáo, sự lơ đãng, thiếu quan tâm hoặc thói quen “khoe” con trên mạng xã hội của cha mẹ có thể là nguyên nhân khiến kẻ xấu dễ dàng lợi dụng ra tay bắt cóc trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, sự lơ đãng, thiếu quan tâm hoặc thói quen “khoe” con trên mạng xã hội của cha mẹ có thể là nguyên nhân khiến kẻ xấu dễ dàng lợi dụng ra tay bắt cóc trẻ.

Gần đây, cái chết thương tâm của bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình sau khi bị bắt cóc đã khiến dư luận hết sức hoang mang nhất là đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Vụ việc này cùng với các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trước đó cho thấy, đối tượng bắt cóc trẻ em ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường hơn trong việc tiếp cận và ra tay bắt cóc trẻ.

Bắt cóc trẻ có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ em ở nhiều lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở hay thậm chí là những em bé vừa mới chào đời.

Chúng có thể dựng lên nhiều “kịch bản” để bắt cóc trẻ như: Đóng giả làm người nhà đến thăm các sản phụ trong bệnh viện, sau đó, chờ gia đình sơ hở sẽ nhanh tay bế bé đi; tạo tình huống va chạm giao thông và giật lấy trẻ ngay trên xe của bố mẹ; nhân lúc trẻ chơi một mình, dùng kẹo dụ dỗ và bắt trẻ đi; giả làm người quen vào tận nhà để bắt cóc trẻ hoặc tại chỗ đông người, đánh lạc hướng chú ý của cha mẹ và dắt trẻ đi…


Các chuyên gia khuyến cáo, bắt cóc trẻ em đang là vấn đề khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo, bắt cóc trẻ em đang là vấn đề khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết:

Bắt cóc trẻ em đang là vấn đề gây ra nhiều lo lắng và bức xúc trong dư luận. Đối tượng bắt cóc trẻ em ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi hơn trong việc thực hiện hành vi của mình. Do đó, chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác, các bậc phụ huynh có thể mất con trong nháy mắt. Để hạn chế tình huống xấu có thể xảy ra, điều cha mẹ cần làm là phải biết cách nhận diện những hành động đáng nghi ngờ của kẻ xấu trong mọi tình huống, từ đó có các cách thức phản ứng tương ứng để bảo vệ con mình.

Chẳng hạn, những đối tượng bắt cóc trẻ em tại các bệnh viện thường đóng giả người quen đến thăm các sản phụ hoặc giả làm nhân viên y tế đến tiếp cận, hỏi han sức khỏe của mẹ và bé. Nếu gia đình sơ hở, chúng có thể lợi dụng bế trẻ đi.

Để đề phòng tình huống này, bố mẹ và người nhà cần hết sức cảnh giác trước sự quan tâm một cách “bất bình thường” của người lạ đối với trẻ. Không cho người lạ bế hoặc nhờ người lạ trông trẻ hộ dù chỉ một vài phút, tránh tạo điều kiện cho kẻ xấu có thời cơ ra tay bắt cóc trẻ.

Với tình huống kẻ bắt cóc giả làm người quen, người giao hàng, thợ sửa ống nước… đến tận nhà để tiếp cận trẻ, các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được để con chơi một mình ở nhà khi không khóa cửa cẩn thận. Trong trường hợp để trẻ ở nhà một mình, cần dặn trẻ tuyệt đối không mở cửa cho người lạ.

Khi bố mẹ đưa con đến những nơi đông người như công viên, khu vui chơi, siêu thị…cần phải luôn để mắt tới con, không để con chạy linh tinh vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Bên cạnh đó, khi thấy có người lạ thường xuyên nhìn về phía con và có nhiều dấu hiệu khả nghi, bố mẹ nên dắt tay trẻ và tránh đi vào những khu quá đông người. Bởi lẽ, lượng người qua lại đông đúc là điều kiện thuận lợi để những kẻ bắt cóc dễ dàng thực hiện hành vi của mình.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, với những trẻ trong độ tuổi đến trường, những kẻ bắt cóc có thể lợi dụng giả làm người nhà đến đón để bắt cóc trẻ.

Để đề phòng tình huống này, việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, nhất là thầy/cô giáo trực tiếp của trẻ là điều rất cần thiết. Bố mẹ nên cho thầy/cô giáo biết chính xác những ai là người sẽ đón trẻ sau khi tan lớp để tránh “trao nhầm” trẻ cho kẻ bắt cóc.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, sở dĩ kẻ bắt cóc dễ “đánh lừa” các giáo viên để bắt cóc trẻ là do chúng đã tìm hiểu khá kỹ những thông tin về trẻ. Tuy nhiên, điều tai hại là thói quen khoe hình ảnh con trên mạng xã hội hoặc thường đăng tải các thông tin về tên tuổi, trường học, thói quen của con chính là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng đóng giả người nhà để đón trẻ đi.

Một “kịch bản” mà những kẻ bắt cóc cũng hay áp dụng là tạo tình huống va chạm giao thông với cha mẹ và bé (thường là mẹ và bé) để nhân cơ hội bắt trẻ đi.

Trong trường hợp này, cha mẹ rất khó có thể nhận diện được kẻ bắt cóc vì không thể lúc nào cũng vừa đi đường vừa quan sát xung quanh. Tuy nhiên, việc bố mẹ có thể làm dự phòng trước đó là cho trẻ ngồi giữa khi trên xe có 3 người hoặc phải dùng dây an toàn trong trường hợp chỉ có mình mẹ đèo bé qua những đoạn đường vắng. Trường hợp trẻ bị giật khỏi tay mẹ, cần tri hô to để mọi người xung quanh có thể giúp đỡ khống chế kẻ bắt cóc.

Để tránh kẻ xấu có cơ hội bắt cóc trẻ, TS Nguyễn Tùng Lâm khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm, để ý đến con nhiều hơn; hạn chế đưa hình ảnh và thông tin của con lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân như: Nhớ tên bố mẹ; không đi theo hay nhận quà từ người lạ; khi người lạ bế đi cần phải biết kêu cứu…

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, bên cạnh việc dạy lý thuyết, bố mẹ cần cho con xem những phóng sự hoặc clip về những tình huống kẻ bắt cóc có thể dựng lên để dụ dỗ trẻ, đồng thời cho trẻ thực hành các tình huống giả định để “thoát thân” khỏi những kẻ bắt cóc.

Bên cạnh đó, nhà trường, các thầy cô giáo cần lồng ghép dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng cần thiết về những thủ đoạn của những đối tượng bắt cóc trẻ em, từ đó giúp trẻ nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống.

Theo GĐXH


bắt cóc trẻ em

khoe con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.