Con "chậm lớn" vì bố mẹ

Đôi khi vô tình chính bố mẹ làm con cái mình trở thành "chậm phát triển" mà không hề hay biết. Các ông bố, bà mẹ hãy xem mình có mắc phải những lỗi dưới đây không nhé.

Chuyện thứ nhất: Vì sao con nói ngọng?

Một bà mẹ trẻ đến gặp tôi, than phiền: "Con cháu có vấn đề cô ạ. Ai đời 4 tuổi rồi mà vẫn ngọng líu ngọng lô". Cậu bé con 4 tuổi, bề ngoài sáng sủa, thậm chí có vẻ còn hoạt bát, thông minh hơn người, chẳng có biểu hiện gì là chậm phát triển cả. Nhưng, quả thật, khi bé cất lời thì như là một bé 2 tuổi tập nói, không tròn vành rõ chữ. Không cần mất nhiều thời gian, tôi cũng phát hiện ra "gốc bệnh" của cháu. Đó là khi bà mẹ trẻ bế con lên, nựng nựng: "Coong ơi, mẹ thươn lắm na. Con tui chậm nói mà tui vẫn phại thươn eng nha".

Thực ra không phải em bé có "vấn đề ở cơ quan phát âm" mà là do ảnh hưởng của mẹ. Để bày tỏ tình cảm với con, thay vì nói đúng ngữ điệu, bà mẹ lại cố tình giả trọng trẻ con, nói ngọng líu ngọng lô, thậm chí còn phát ấm sai từ khi nói với bé. Nào là con ơi thì thành coong ơi, mẹ thương thì thành mẹ thươn, ăn thành... ăng, uống sữa thì thành uốn sữa... Lâu dần, bé nhiễm tính của mẹ, cũng nghĩ rằng phải phát âm ngọng như khi mẹ nói mới là đúng.

Chuyện thứ hai: Vì sao con tham ăn?

Hôm đó, vợ chồng cháu họ tôi đưa các con đến nhà tôi chơi. Vào bữa ăn, tôi vừa bốc được miếng xúc xích, đưa cho cu em 3 tuổi ăn thì thằng cu anh từ đâu lao dến không nói không rằng, cướp miếng xúc xích trên tay em, bỏ tọt vào mồm nhai nhồm nhoàm. Loáng một cái, nó đã chén hết sạch trong khi thằng em lăn đùng ra nhà ăn vạ.

Thực ra, tính tham ăn của thằng cu anh không phải tự nhiên mà có. Hồi cháu còn nhỏ, cháu khá biếng ăn. Để kích thích con ăn, bố mẹ cháu thường xuyên đưa con ra sân tập thể chơi rồi khích tướng kiểu: Con không ăn nhanh, bạn đằng kia ăn hết. Để thêm phần sinh động, bố mẹ cháu còn dứ dứ cái thìa trước mặt mấy bé đang chơi trên sân, khi có cháu chìa tay ra, thằng cu anh sợ bạn ăn mất khóc thét lên thì mẹ lại giật ngay tay lại, đút thìa vào mồm con, miệng nói: Không cho bạn đâu, của cu anh tất, mình cu anh mới có thôi. Nhiều hôm, bố mẹ cháu còn nghĩ ra trò "đóng kịch". Bố cháu nấu một bát mỳ, bày ra bàn. Bố trả vờ đi lấy đũa ăn thì mẹ chạy đến, giật lấy bát mỳ và... ăn nhồm nhoàm hết sạch, bố thì dẫm chân, vờ khóc hu hu.

Biện pháp "giáo dục" con kiểu ấy, cũng có hiệu quả làm cho thằng cu anh háu ăn hơn thật (vì lúc nào cũng trong tâm trạng người khác sẽ cướp mất phần ăn của mình, kể cả đó là bố mẹ nó). Tuy nhiên, thằng cu anh cũng nảy sinh tính ích kỷ, không cho ai bất cứ cái gì. Chỉ cần món nào ngon, món nào mình thích là ăn cho bằng hết, không cần biết đến ai.

Chuyện thứ 3: Vì sao con không tinh anh?

Một cặp vợ chồng nọ có đứa con 5 tuổi. Nhưng, thay vì nhanh nhẹn hoạt bát như các bạn, cháu rất ít nói, thường ngồi im một góc, tự chơi lấy một mình. Khi gia đình đưa cháu đi khám mới phát hiện cháu bị bệnh trầm cảm. Thực ra, bệnh này của cháu không phải là do bẩm sinh mà là do môi trường sinh hoạt tạo cho cháu như vậy.

Bố mẹ cháu là công nhân, đi làm suốt ngày. Từ nhỏ đến lớn, cháu đã ở nhà với bà. Mà bà thì già yếu, chỉ trông cháu đã đủ mệt chứ chưa nói đến việc nói chuyện và ca hát cùng cháu. Nghĩ rằng, con ở nhà với bà sẽ tốt hơn đi lớp nên đến tận 5 tuổi, bố mẹ cháu vẫn không cho cháu đi học. Cháu gần như không được tiếp xúc với trẻ con cùng lứa. Bố mẹ đi làm về mệt, cũng chẳng chơi được với con vì không hiểu gì tâm lý trẻ mẫu giáo. Cháu chỉ biết tự chơi một mình trong môi trường của người lớn nên càng buồn hơn.

Sau khi nghe bác sỹ giải thích, bố mẹ cháu quyết tâm "chữa cháy" bằng cách gửi con đến trường học. Mất vài tháng đầu cháu khóc vì chưa quen với môi trường mới, nhưng sau thì cháu tiến bộ rõ rệt. Biết kể chuyện, hát bài trẻ em, biết tự mặc quần áo và tự đi vệ sinh... ai cũng mừng vì gia đình phát hiện "tâm bệnh" của con kịp thời...

Theo Nguyễn Thu Trà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.