Dạy con trước mặt người làm

Yến Thu ở quận 10 vừa về đến cổng đã nghe tiếng quát của người làm từ trong nhà vọng ra: “Đã bảo rồi mà không chịu nghe. Sao lì vậy hả? Đứng khoanh tay úp mặt vô tường mau lên!”

Thay chủ dạy con

Thu lật đật chạy vào thì thấy bé Thảo đang khóc thút thít, mặt úp vô tường. Hồng, người giúp việc đang chống nạnh đứng nhìn. Thu vỡ lẽ: “Mắng con mình y như… mình. Hèn chi con bé sợ còn hơn sợ mẹ”.

Minh Ngọc ở quận 3 thì dùng người giúp việc làm nhân chứng cho những lỗi lầm của con. Khi mắng con chuyện gì, nếu thằng bé bảo không có thì lập tức chị quay sang người giúp việc kiểm chứng. Cô giúp việc gật đầu thì thằng bé bị “y án”.

Có gia đình thì nhờ người giúp việc làm “camera” theo dõi con. Nếu con cái phạm lỗi gì thì phải “méc” lại.

Tất cả những chuyện trên góp phần cho chuyện người giúp việc có thêm “quyền” dạy con chủ. Nhiều bà mẹ lo xa, ngại chuyện la mắng con trước mặt người giúp việc vì sợ họ sẽ bắt chước, bắt nạt, la mắng con khi mình vắng nhà. Nỗi lo này không hẳn là vô lý vì chuyện của Yến Thu khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Việc dạy con có hiện diện của người giúp việc cũng ảnh hưởng tùy theo tuổi của đứa con. Nếu trẻ đang độ tuổi mới lớn thì việc bị la mắng trước mặt người khác là sự xúc phạm, sẽ khiến chúng cảm thấy xấu hổ. Với trẻ nhỏ tuổi thì vấn đề lại ở chỗ người giúp việc sẽ cậy quyền cha mẹ để dạy trẻ.

Nhưng không hẳn người giúp việc nào cũng thích chen vô chuyện dạy con của chủ. Nga, giúp việc cho một gia đình ở quận 7 nói: “Ông chủ dặn, nếu hai thằng nhóc ở nhà có quậy gì thì cứ la rồi méc ổng. Nhưng tôi mà la hay méc thì tụi nó còn quậy dữ hơn. Thôi, con ổng để ổng tự dạy”.

Chị Bé giúp việc cho gia đình chủ gần 20 năm. Ba đứa con chủ từ nhỏ đến lớn đều do chị chăm sóc. Nhưng mỗi khi tụi nhỏ bị mẹ la tuyệt đối không dám cầu cứu chị Bé. Chị Bé cho biết: “Tụi nhỏ biết thân lắm. Nếu đang bị la mà cầu cứu thì chỉ có tệ hơn thôi. Tôi thương tụi nhỏ nhưng cũng không dám bênh”.

Tuy nhiên, chuyện “cả gan” chen ngang việc dạy con của chủ thường chỉ có ở những người giúp việc lâu năm và có tuổi đời nhiều hơn chủ.

Khó xử

Hồng Hạnh ở quận Bình Tân có người giúp việc lớn tuổi, giúp việc đã khá lâu nên mỗi lần chị dạy con thì cứ chen vào. Bé Thanh, con Hạnh ấm ức: “Con không thích cứ mỗi lần bị mẹ mắng là dì Sáu cứ đứng đó đổ dầu vào lửa. Có khi mẹ vắng nhà, hễ một chút là mắng con còn hơn cả mẹ nữa”.

Hạnh tâm sự: “Tôi coi chị Sáu như người thân trong nhà. Nhưng lúc tôi dạy con, chỉ cứ chen vô. Tôi thấy phiền lắm nhưng không dám nói. Giờ chỉ có cách là hạn chế la con khi có mặt chị Sáu”.

Bích Lan ở quận 3 cho biết, khi có chuyện cần dạy con là chị kêu vô phòng riêng. Nếu la con trước mặt người làm, khi mình không có nhà thì người ta la hoặc đánh con mình thì sao? Mặc dù đã xác định như vậy nhưng đôi khi cơn giận bùng phát thì chị vẫn cứ “ra rả”.

Thanh Hà ở quận 11 thì có thỏa thuận từ ban đầu là lúc chị dạy con, người giúp việc tuyệt đối không được “xía” vô. Hà khẳng định, cách tốt nhất để người giúp việc không lướt quyền la mắng con mình khi vắng nhà thì không nên la con trước mặt họ.

Yến Thu tìm ra biện pháp sau nhiều ngày suy nghĩ, khi cần dạy con thì chị sẽ kêu ra một chỗ dạy riêng. Người giúp việc không có quyền chen vô nhưng nếu trẻ có phạm lỗi gì thì có thể báo lại để chị xử lý. Như vậy sẽ dung hòa được mâu thuẫn. Trẻ sẽ không xem thường người giúp việc nhưng cũng không bị bắt nạt.

Theo Trang Nhi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.