Đừng buộc con phải "đi hoang"!

Khi cuộc sống trở nên hối hả hơn, khi nỗi lo cơm áo bức thiết hơn, khi những hợp đồng kinh tế béo bở, những chuyến xuất ngoại công tác trở nên quá quan trọng với những bậc cha mẹ, và cả khi gia đình rạn nứt… không ít người đã bỏ lại sau lưng mình những đứa con mới bước vào tuổi lớn.

Lấp đầy sự trống trải, buồn chán, thất vọng về gia đình, nhiều đứa trẻ tập tễnh đi hoang.

Ai quan tâm đến em

Nhắc đến chuyện sinh nhật, L. bật khóc: “Ba mẹ em chưa bao giờ quan tâm đến em. Em như một đứa con rơi. Sinh nhật em là những ngày buồn. Tại sao họ lại sinh ra em khi không thể cho em tình thương và lòng bao dung...”. Cuộc đời vẫn còn đầy thứ để vui”. Rít từng hơi thuốc lá thật dài, cô bé 16 tuổi chậm rãi tâm sự về gia đình.

L. được sinh ra trong một gia đình khá giả trên phố Bà Triệu. Mẹ L. có hai đời chồng, L. là con người chồng thứ hai. Khi L. 8 tuổi, “sóng gió” bắt đầu ập đến căn nhà của em. Vì thua lô đề, từ một công chức ngành điện, bố L. phải bán căn nhà mặt phố (của mẹ L.) để lui về sống trong một ngõ hẻm ở làng Tám (Hoàng Mai).

Những bố mẹ ít quan tâm đến con cái hầu hết đều vì áp lực cuộc sống, mải làm ăn hơn, ly hôn...

Sau khi trả nợ, bố L. đã dùng số tiền dư ra hơn 1 tỷ đồng mua chiếc ô tô tải để chở hàng thuê. Cũng từ đó, hạnh phúc giữa bố mẹ L. nhạt dần. Họ bắt đầu cãi vã vì những lý do không đâu. Bố L. cả tháng mới về nhà một lần, mẹ L. vùi đầu thâu đêm vào những ván tá lả, chắn cạ. Căn nhà 3 tầng, rộng gần 200m2 trở nên quá trống trải và lạnh lẽo. L. bắt đầu làm quen với lũ bạn tóc xanh, tóc đỏ hay tụ tập trước cổng trường từ năm 13 tuổi.

“Lúc đó, em vẫn nhận thức được chuyện bỏ học để đàn đúm là hư nhưng không thể dứt ra được vì ở đó em được bọn con trai quan tâm. Tiếng nói của em được chúng lắng nghe và hưởng ứng. Em trượt dài với những đêm chát chít, đánh lộn, đi hoang. Có lần, bố em dùng dây lưng để đánh em đến bật máu. Em không khóc vì em chỉ thấy sự hận thù trong mắt ông ấy.

Ngoài tiền để đóng học phí, bố mẹ em không quan tâm đến chuyện em no, đói thế nào. Đã có lần, em khóc và nói với mẹ: “Con muốn bố mẹ hạnh phúc. Mẹ hãy ở nhà với con, đừng để con phải đi hoang”. Mẹ em lạnh lùng: “Mày giỏi thì cứ đi như thằng bố mày”(?!) Họ không có quyền hỏi tại sao em hư, vì chính họ đã là những tấm gương rất tối”, L. nghẹn ngào nói tiếp.

Tại Trung tâm Giáo dục - Lao động – Xã hội số 2 (Ba Vì), sau buổi diễn văn nghệ, tôi gặp một cô gái mới bước qua tuổi 17, có khuôn mặt đẹp như thiên thần. Câu chuyện của em làm tôi đi từ sốc đến xúc động. Cô gái đó là Lê Thị K. (nhà ở phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm), đang ở tình trạng “3 trong 1 (nghiện hút, bán dâm và nhiễm HIV).

Không một giọt nước mắt, K. kể lại: “Em được sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Căn nhà của em chỉ có sự thù hận giữa những người từng được gọi là vợ chồng. Bố mẹ em ly thân nhưng vẫn sống cùng một căn nhà rộng chưa đầy 30m2, ai cũng có bồ nhí nên sớm già trước tuổi. Em trở thành đàn bà từ năm 13 tuổi. Người đàn ông đầu tiên cặp với em đã có vợ. Một lần, sau khi đi phá thai về, thấy em quá đau đớn, anh ấy đưa cho em một gói nhỏ và nói, em hít thứ này sẽ hết đau. Về sau em mới biết thứ bột trắng đáng sợ ấy là heroin...

Từ đó, em lệ thuộc vào ma túy, sống với anh ấy, không một lần quay lại nhà mình nữa. Năm em 15 tuổi thì anh ấy bị bắt vì tội sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy, em rơi vào tuyệt vọng... Rồi em làm hồ sơ giả, xin vào làm tiếp viên tại khách sạn H. Tiền bo lúc có, lúc không nên em phải chấp nhận “đi khách” để lấy tiền thỏa mãn ma túy. Trong một lần qua đêm với khách, em bị bắt và bị phát hiện dương tính với HIV. Lúc đó, trời đất sụp đổ dưới chân em... Em khóc rất nhiều, giờ thì không thể khóc được nữa".

Số phận của Trần Văn T. ở Hào Nam (Đống Đa) cũng không kém phần bi thảm. T. sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nghệ thuật, thường xuyên đi diễn ở trong và ngoài nước, bỏ lửng hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những khoản tiền lớn của bố mẹ T. mang về không khỏa lấp được sự thiếu thốn tình cảm của hai anh em T. Mới chỉ 15 tuổi (cũng đang theo học ở một trường nghệ thuật tại Hà Nội), T. đã thuộc đủ ngón nghề ăn chơi và thường xuyên có mặt trong những đêm bay “mất người” cùng lũ bạn.

Một lần, T. bị bệnh zola phải nhập bệnh viện Bạch Mai. “Qua một số dấu hiệu từ căn bệnh của T., tôi đã cho thực hiện một số xét nghiệm và phát hiện, cậu bé đã nhiễm HIV. Khi tôi gọi bố T. vào để thông báo, ông gần như suy sụp, vã mồ hôi đầm đìa, mặt già đi mấy tuổi chỉ trong vài phút. Ông ấy nói, chính vợ chồng ông ấy đã giết con”, bác sĩ T. (bệnh viện Bạch Mai) kể lại.

Nhiều người còn chưa quên nhóm cướp tuổi teen đã gây ra nhiều vụ cướp tại Quảng Ninh và Hải Dương cuối năm 2007. Thủ lĩnh nhóm cướp 11 tên là Phạm Thị Út Ngân (18 tuổi, trú tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Ngân đã bình thản trả lời điều tra viên: “Thích thì bỏ nhà đi bụi, thế thôi...”. Vì ham mê game online, Ngân đã bỏ học, bỏ nhà ra đi và sống vật vờ tại các quán internet rồi cặp với Nguyễn Xuân Quang (19 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh, cũng bỏ nhà đi bụi) có hoàn cảnh gia đình rất éo le, bố mẹ bỏ nhau hoặc không ngó ngàng gì đến con cái.

Trách nhiệm chính thuộc về gia đình

Theo số liệu thống kê của VKSND TC, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp bắt nguồn từ việc không được quan tâm chăm sóc chu đáo. Một nghiên cứu mới đây của Bộ CA và Viện Tâm lý học cũng cho thấy, số lượng trẻ vị thành niên phạm pháp do ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình chiếm một tỉ lệ rất lớn.

Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí phạm tội, các em dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi tới các hành vi phạm pháp. Theo số liệu điều tra trong 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của cha mẹ.

Nhà Tâm lý Bùi Tuệ cho rằng: “Những bố mẹ ít quan tâm đến con cái hầu hết đều vì áp lực cuộc sống, mải làm ăn hơn, ly hôn nhiều hơn. Trong những hoàn cảnh như vậy, trẻ em thường không giữ được thăng bằng trong cuộc sống, rất dễ buồn chán, tiêu cực, dễ bị lôi kéo tụ tập với đám bạn xấu. Với tâm lý thích làm người lớn, thích nổi trội, thích bạn bè thán phục là chịu chơi, những đứa trẻ thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ rất dễ sa ngã, bỏ bê chuyện học hành, mải mê chát chít, đua đòi “bay, lắc”, thậm chí phạm tội. Trách nhiệm chính thuộc về gia đình.

Trẻ em không chỉ cần cuộc sống đầy đủ về vật chất như nhiều người lầm tưởng, chúng cần sự quan tâm của bố mẹ nhiều hơn. Sự ảnh hưởng của bố mẹ đối với con cái là rất lớn, muốn con ngoan thì bố mẹ không thể “hư”. Những ông bố, bà mẹ cần là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cái…”.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.