Làm cách nào nói "chuyện ấy" với trẻ?

Giáo dục giới tính là một tiến trình suốt đời người, tạo nên nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. Giáo dục giới tính là chuyện phải làm hàng ngày ở mỗi gia đình, nhà trường, các cơ sở tôn giáo và qua truyền thông đại chúng.

>> Chuyện giới tính là chuyện... "rùng rợn"?

Giáo dục giới tính đúng nghĩa là giáo dục cho trẻ biết về cơ thể học, các cơ quan bộ máy sinh dục; về sinh lý học, hoạt động của các kích thích tố khác nhau giữa nam và nữ tạo nên những tính cách riêng cho mỗi giới, chẳng hạn nam tu nữ nhũ (trai thì có râu, gái thì có ngực), mỗi giới có những đặc điểm riêng về hình dáng, tâm sinh lý tạo nên sự hấp dẫn lẫn nhau khi đến tuổi chín muồi, có khả năng sinh sản.

Giáo dục giới tính cũng sẽ dạy về các mối quan hệ xã hội, tương tác của mỗi giới, vai trò vị trí của mỗi cá nhân trong nền tảng văn hóa chung của một chủng tộc, quốc gia. Dĩ nhiên có một phần về chuyện quan hệ tình dục, giao phối, những bệnh tật có thể xảy ra nếu không giữ đúng phép vệ sinh. Đồng thời cũng giáo dục cả những tình cảm, cảm xúc, sự tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Giáo dục giới tính cũng sẽ dạy cách chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực này cho thấy cha mẹ chỉ có thể nói chuyện giới tính, tình dục với trẻ thoải mái khi cha mẹ có thái độ cởi mở và nhất là chịu khó, biết cách lắng nghe trẻ. Kiểu rầy la “Mày biết gì mà nói”, chuyện tục tĩu, cấm nói hoặc chờ lớn lên thì biết là không phù hợp.

Lúc đó trẻ chỉ còn cách im lặng, lén lút tìm nguồn thông tin ngoài luồng, không đáng tin cậy mà còn có thể rất nguy hiểm nữa. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ có hiểu biết về tình dục thì không phạm phải những sai lầm đáng tiếc ở tuổi mới lớn, tuổi mà dưới ảnh hưởng của kích thích tố sinh dục phát triển mạnh mẽ có thể có những hành vi không kiểm soát được.

Vậy làm cách nào nói chuyện ấy với trẻ?

Trước hết cần chuẩn bị một thái độ cởi mở, chấp nhận, sẵn sàng lắng nghe và nếu thấy chưa đủ tự tin thì tìm đọc thêm sách hướng dẫn đứng đắn về vấn đề này để trong lúc trao đổi thì “nói có sách mách có chứng”. Ngẫm nghĩ thử xem mình có đủ “bản lĩnh”, có thấy cảm xúc xấu hổ, ngượng ngùng khi đề cập các vấn đề tế nhị này không. Phải vượt qua cảm xúc đó mới có thể làm “thầy” cho trẻ được.

Có câu chuyện ông bố thấy cậu con trai 15 tuổi đã lớn, kêu lại bảo: “Hôm nay bố muốn nói chuyện với con về vấn đề tình dục, đây là một chuyện khó nói…”. Cậu con vồn vã: “Bố cứ tự nhiên, có gì thắc mắc cứ hỏi đi ạ!” Cũng có khi phải học thêm kinh nghiệm của bạn bè, thậm chí phải hỏi ý kiến bác sĩ. Tôi biết có bà mẹ mua sách về giới tính giả vờ để quên trên bàn và con tò mò lấy đọc. Nhân dịp đó, chị thẳng thắn trao đổi với con như một bác sĩ với thân chủ của mình.

Trong lúc trao đổi, chị có dịp nhắc kinh nghiệm, quan điểm của chị, của gia đình. Trẻ có thể chưa đồng ý nhưng cũng đã ghi nhận những quan điểm về giá trị của mẹ mình, sau này có khi xuất hiện trong trí nhớ của em, thành một vũ khí bảo vệ trẻ. Trong những buổi họp hội phụ nữ, có thể đem chuyện làm cách nào giáo dục giới tính cho con ra bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm. Việc này thực chất góp phần làm xã hội lành mạnh, tránh bệnh tật và giúp gia đình hạnh phúc.

Không chỉ phải tìm hiểu, nghiên cứu cho đủ tự tin, bố mẹ còn phải nhớ rằng đây không chỉ là truyền trao kiến thức mà chính là thái độ, tình cảm, giá trị, niềm tin và những hành vi đúng sai, điều nào nên, điều nào không nên. Không áp đặt mà ngược lại cần thoáng mở trong trò chuyện.

Ta có thể tìm một cái cớ nào đó để gợi ý đưa vào cuộc trò chuyện: một cô hàng xóm có bầu, một người bà con vừa sanh em bé, hai anh chị vừa kết hôn… Đó là cơ hội để ta đề cập dễ dàng nhất. Chuyện cha mẹ thấy khó nói không có gì lạ. Không phải lỗi của cha mẹ. Ngày xưa có ai dạy họ đâu, ông bà cũng đâu có đề cập bao giờ. Nhưng như đã nói, xưa khác nay khác. Xưa chưa có AIDS, chưa có phim sex, chưa có internet…

Có thể bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách thú thiệt với con là chuyện này khó nói quá!. Hồi xưa bà cũng chẳng nói gì với mẹ nhưng bây giờ thời kỳ mới, mẹ muốn trao đổi với con, con có muốn hỏi gì mẹ không? Điều gì mẹ không rành, mẹ sẽ hỏi bác sĩ tiện hơn… Như vậy cuộc trao đổi có thể bắt đầu. Cũng có thể tìm một cơ hội: con thấy dì ba có cái bụng bự không? Có một em bé ở trong đó. Con có biết tại sao có em bé trong đó không?… Tùy tuổi, nhiều khi cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Em bé chui ra cách nào? Lúc em bé đủ lớn, mẹ nó sẽ mở một cái cửa cho nó chui ra. Vậy là đủ. Đó cũng là lúc cho trẻ thấy sự quan tâm chăm sóc của cả gia đình dành cho dì ba, nhất là của dượng ba là cha đứa bé.

Dạy trẻ thấy trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Sự chăm sóc từ thai nhi đến dạy dỗ, nuôi nấng con đến ngày khôn lớn, rằng công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Được nghe nói về lối sống, quan niệm sống của gia đình, của ông bà cha mẹ, dù trẻ không quan tâm nhưng cũng đã gieo vào tâm hồn trẻ một “hạt giống” lành. Khi đối phó với một tình huống nào đó, những lời cha mẹ dặn sẽ tái hiện trong trí nhớ và giúp trẻ ứng xử.

Một số bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ thấy dễ dàng trong chuyện trao đổi với trẻ về giới tính, nhưng cũng có một số khác thấy khó, ngại ngùng, nhất là không biết trả lời những câu hỏi “khó” của trẻ. Thẳng thắn, chân tình, cởi mở trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì, dậy thì và thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương hướng xử thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khỏe tình dục.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.