Lo cho con!

"Có con rồi, phải lo cho con". Đó là cam kết của những người vừa "lên chức"... cha mẹ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách lo cho con.

Càng lo, càng rối!

Bà Triệu Thị Quỳnh Tiên, kế toán một công ty dệt, đến gặp chuyên viên tư vấn vì đứa con trai thi rớt đại học. Nhưng, số điểm ít ỏi của con không làm bà lo bằng chuyện "nó đi đâu suốt ngày, lúc về thì đóng cửa phòng không nói năng gì cả”. Bà chẳng có cơ hội để nói với con.

Con trai lên 10, vợ chồng bà chia tay, bà luôn nhắc nhở con: "Bố mày lấy vợ khác, mẹ ở vậy nuôi mày. Nếu mày không cố gắng học, tương lai mịt mù, ngày mẹ già yếu, thì ai lo cho?". Bà đâu biết, sống với bà mẹ mắc "bệnh" lo, con trai bà cũng bị "lây". Trước ngày thi của con, bà bồn chồn, ăn ngủ chẳng yên. Mỗi lần thấy con rời bàn học, bà lại cảnh báo: "Thi đại học không dễ đâu. Chỉ cần chủ quan, lơ là một chút, là không có giấy báo đi học đâu".

Cậu con trai không muốn nghe những lời "xúi quẩy" đó nên cố ý tránh mặt mẹ. Nhưng, sau những buổi ôn thi vất vả, cậu cũng bắt đầu lo: "Làm sao mình đậu đại học được đây?". Từ suy nghĩ đó, cậu giảm sút tự tin. Bà mẹ vẫn lo cho con đủ thức ăn bổ dưỡng, nhưng không thể giúp con làm đầy lòng quyết tâm.

Tại các trung tâm tư vấn, bà mẹ nào cũng mang theo nỗi lo: con yêu sớm, con mê chơi điện tử, con bỏ nhà đi, con bướng bỉnh... Bà Lê Thị Ngọc Trang, nhân viên tiếp thị của một hãng mỹ phẩm, có đứa con gái mới học lớp 7, mà đã "chat, meo" cả đêm với một anh học lớp 9. Bà lo con học hành sa sút, bà lo con có thai, bà lo chồng biết được sẽ trách bà không biết dạy con...

Rồi bà tìm cách chuyển trường cho con, đưa con đi học thêm để hết thời gian, không còn nghĩ đến những chuyện... tào lao, bậy bạ. Bà mua cho con điện thoại xịn, để mẹ con liên lạc. Đáp lại tất cả, con gái bà tuyên bố: "Con mệt quá. Đời con để con lo, sao mẹ cứ quấn chân con hoài vậy". Lời nói của con làm bà đau lắm. Nhưng, bà không thể bỏ mặc nó. Bà theo rình lúc con ra khỏi nhà, bà bí mật gắn camera vào phòng con gái, để nắm bắt tình hình.

Con cần quan tâm

Theo các chuyên viên tư vấn tâm lý, nếu bà Quỳnh Tiên muốn con bà thi đại học lần nữa, bà phải chuyển nỗi lo thành quan tâm. Có thể tư vấn cho con cách xếp lịch học tập rõ ràng, có cả thời gian nghỉ ngơi. Phải cùng con xem xét lại ngành học nào là phù hợp với khả năng của con, chứ không phải thi vào ngành nào đang "hot", hay chọn trường nào tuyển sinh viên điểm thấp.

Luôn động viên con, đừng để con bị ám ảnh bởi những lời "tiên đoán" u ám: "Làm sao đậu nổi". Mở tiếp cho con những cánh cửa vào đời, nếu con đã cố gắng hết sức mà không thể đậu đại học. Đó là sự quan tâm mang lại lợi ích cho con trẻ trong lĩnh vực học tập.

Bà Ngọc Trang cũng không thể lo cho con với thái độ không tin tưởng: yêu sớm là bậy bạ! Làm sao bà gần gũi con được với quan điểm như thế. Trong trường hợp này, khi lo lắng, bà dễ thốt ra những lời tiêu cực: "Yêu đương làm sao học, mới tí tuổi đã bày đặt...", khiến đứa con phản ứng. Nhưng nếu bà biết cách quan tâm, đứa con sẽ có một người bạn nhiều kinh nghiệm và hiểu biết.

Quan tâm có nghĩa là hướng dẫn con nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, biết trân trọng rung động đầu đời, biết nhận diện tình bạn, tình yêu và đặc biệt là biết dành thời gian, công sức ưu tiên cho nhiệm vụ học tập. Quan tâm đến con cần sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực. Chỉ có thế mới có thể đồng cảm và đồng hành với con, cùng con thực hiện những mơ ước.

Lúc nào thì đứa trẻ cần sự quan tâm của bố mẹ nhất? Trong một cuộc phỏng vấn của chương trình "Quà tặng cuộc sống" (VTV), dành cho các cháu mẫu giáo, câu trả lời khá bất ngờ đã được đưa ra: "Lúc con phạm lỗi". Với câu hỏi "Muốn cha mẹ đối xử thế nào?", tất cả đều mong cha mẹ giải thích rõ ràng, để con không phạm lỗi nữa. Thế nhưng, trong thực tế, khi phạm lỗi, trẻ thường bị cha mẹ la mắng, đánh đòn... khiến trẻ rất bực bội, cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm.

Khi bị đòn, trẻ mất hết khả năng sáng tạo và sự tự trọng. Dẫu biết như thế, nhưng khi con phạm lỗi, cha mẹ lại thiếu kiềm chế, lo con sẽ tái phạm, sẽ hình thành thói hư, tật xấu. Thật ra, trẻ cần được giáo dục, quan tâm, để trưởng thành chứ không cần bố mẹ lo lắng chúng sẽ bị hư hỏng.

Theo nhà giáo dục Trish Sumerfield, giám đốc Trung tâm Giá trị sống, lo lắng làm chúng ta căng thẳng, mất kiểm soát, còn sự quan tâm con cái sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc. Bởi khi đó, giá trị của mình tăng lên, được con yêu thương, biết ơn và tôn trọng.

Người lớn tuổi không muốn thay đổi bản thân nhưng lại muốn người trẻ phải thay đổi. Tiếc thay, những kiểu đổi thay của con cái lại không theo ý cha mẹ. Đó là lý do vì sao con hay nghĩ cha mẹ bảo thủ, còn cha mẹ hay bảo con cái bướng bỉnh. Tóm lại, nỗi lo sẽ biến mất, khi nó được chuyển thành quan tâm.

Theo Trường Sơn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.