Muôn kiểu sai khi cho bé bú mẹ

Không phải mẹ nào cũng biết tận dụng lợi ích tối đa từ nguồn sữa mẹ.

Hầu như mẹ nào cũng biết rất rõ về lợi ích của sữa mẹ đối với sự phát triển thể chất và trí não của bé. Tuy nhiên, làm sao để tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn sữa mẹ thì không phải mẹ nào cũng thực hiện đúng phương pháp …

Muôn kiểu quan niệm cho bú sai từ mẹ

Mặc dù biết rằng sữa non rất tốt cho bé, nhưng lúc mới sinh bé Na, chị Hạnh (Dĩ An, Bình Dương) dù có cố cho bé bú mẹ vẫn không tiết được sữa, đã vậy bé ngậm mãi không được sữa thì khóc ngất, còn bầu vú mẹ đau nhói. Sợ con khát sữa, nghe lời khuyên của các chị cùng phòng trong bệnh viện, chị Hạnh quyết định nhờ bà ngoại pha sữa ngoài cho bé bú.

Kết quả bé bú rất hăng, nhưng từ đó về sau bé lại không chịu bú mẹ. Mặc cho bầu ngực mẹ căng đầy sữa, mỗi lần đưa miệng vào là bé lại khóc ré lên. Chị Hạnh đành chọn giải pháp vẹn cả đôi đường là vắt sữa rồi cho vào bình để bé bú. Nhưng do bé không trực tiếp bú mẹ, nên đến tháng thứ 4 sữa chị ít dần rồi mất hẳn. Do đó, dù muốn cho con bú mẹ, chị Hạnh vẫn đành chuyển qua nuôi bé bằng sữa công thức và chỉ còn biết trách bé nhà chị còn nhỏ mà đã “tinh tướng” và “cứng đầu”.

Trong khi đó, vốn có ngoại hình rất đẹp khi chưa có thai bé Minh, nên sau khi sinh bé, chị Quyên (Biên Hòa, Đồng Nai) liền lên ngay kế hoạch giữ gìn “nhan sắc” cho vòng 1. Nghe các mẹ có kinh nghiệm khuyên mỗi lần cho bé bú, cần phải cho bú đều cả hai bên bầu ngực để tránh bên to bên nhỏ, chị Quyên liền áp dụng ngay không do dự. Do sợ bé nút nhiều sẽ làm ngực chảy xệ, nên dù thương con, chị chỉ cho bé bú mỗi bên khoảng chừng 5 phút hơn.

Tuy nhiên, dù uống sữa ngon lành, nhưng càng lớn bé lại càng còi so với hồi mới sinh vốn rất bụ bẫm, gia đình chị lại phải bồng bế bé đến trung tâm dinh dưỡng để thăm khám. Tại đây chị “té ngửa” khi phát hiện đã cho bé bú hoàn toàn sai  cách, kết quả là bé không được hưởng lượng sữa chất lượng nhất từ mẹ.

Muôn kiểu sai khi cho bé bú mẹ - 1

Cho bé bú bình bằng sữa công thức ngay khi mới sinh sẽ dễ làm bé chê sữa mẹ, hạn chế sự tiết sữa ở mẹ. (Ảnh minh họa).

Khác với chị Quyên, chị Tình (Q.9, TP HCM) lại rất quy củ trong việc nuôi dạy con. Nghe các bạn kháo nhau khi cho bé bú phải tuân thủ giờ giấc, mỗi lần bé bú phải cách lần trước 3 tiếng đồng hồ, chị liền áp dụng ngay vì muốn sau này bé Ti con chị cũng được rèn theo nề nếp. Thế nên, lúc bé Ti khóc ầm lên đòi sữa thì chị vẫn cố cầm lòng không cho bé bú vì chưa đến giờ. Đến khi bé đã khóc mệt và ngủ thiếp đi chị lại vực bé dậy cho bú.

Chưa kể, để bé không quấn mẹ, chị áp dụng “kỷ luật sắt” là không ôm ấp hay vuốt ve bé dù cho bé có khóc mè nheo chăng nữa. Vì thế, mỗi lần cho bú xong là chị lại để bé nằm nôi mặc cho bé đòi mẹ khóc đến nôn trớ cả sữa vừa ăn được. Lợi ích tạo khuôn khổ cho bé đâu chưa thấy, nhưng anh Hùng chồng chị lại rất xót con. Anh đã ra “tối hậu thư” buộc chị phải xem lại việc chăm con, vì bé Ti ngày càng quấy khóc và có biểu hiện suy dinh dưỡng.

Cho bé bú đúng cách: dễ mà khó

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cho bé bú là tuy đơn giản nhưng nếu mẹ áp dụng không đúng cách, bé sẽ không nhận được lợi ích tốt nhất từ sữa mẹ, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, có khi làm cho mẹ không tiết được sữa, bé phải chuyển sang dùng sữa công thức. Và như vậy, bé của bạn sẽ thiệt thòi hơn so với các em bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những tháng đầu đời.

Một trong những sai lầm phổ biến của các mẹ chính là việc cho bé tập bú bình và làm quen với sữa công thức quá sớm, dẫn đến bé không muốn ti sữa mẹ như trường hợp của chị Hạnh. Đơn giản là vì sữa bột thường ngọt hơn so với sữa mẹ và núm vú của bình sữa thường dễ mút hơn so với ti mẹ, do đó sẽ làm bé mất cảm giác thích sữa mẹ vì không còn cảm giác đói. Chưa kể những trẻ bú bình sớm sẽ không biết cách ngậm vú mẹ đúng tư thế, gây nhiều khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, làm cho người mẹ dễ bị tổn thương về tinh thần do mất sự gắn kết giữa mẹ và con. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người mẹ dễ ngừng cho con bú sớm.

Với việc cho bú đều hai bên vú như chị Quyên, tuy đúng nhưng chưa đủ về thời gian bé bú. Thông thường, thời gian cho bé bú một bên vú khoảng 10 phút, tức là khi cho bú đủ thời lượng thường kéo dài gần 20 phút cho cả 2 bên vú. Bú như thế bé sẽ nhận được vừa sữa đầu (có vẻ trong) lẫn sữa cuối (có màu trắng đục). Sữa đầu là sữa có hàm lượng đường nhiều hơn, giúp bé thỏa mãn cơn khát, nhưng sữa cuối mới chứa hàm lượng chất béo nhiều, giúp bé tăng trưởng tốt. Nếu bé không được cung cấp sữa cuối thì dù cho bú nhiều bé vẫn không lên cân.

Tuy nhiên, các mẹ cũng lưu ý không nên cho bé bú quá lâu, vì khi đó bé sẽ bú vào nhiều không khí, dễ gây nôn trớ, làm bé tiêu hóa không tốt. Đồng thời, bé ngậm vú mẹ quá lâu có thể làm da mẹ bị nứt hoặc mềm nhũn, ảnh hưởng đến lần bú tiếp theo, tăng cơ hội nhiễm trùng vú.

Quan niệm cho rằng phải giữ đúng khoảng cách bú là 3 giờ một lần cũng là một cách cho bú sai phương pháp. Do bé mới sinh, lượng sữa mẹ tiết ra không nhiều, nên lượng sữa bé nhận được trong mỗi lần bú rất ít. Trong khi đó, thời gian bú của bé lại kéo dài, thường là chưa kịp no bé đã mệt và thiếp đi, nhưng khi tỉnh dậy, bé sẽ khóc vì đói, lúc này mẹ nên cho bé bú lại lần nữa.

Nếu mẹ cứ cố định giờ cho bé, đánh thức bé đang ngủ say, làm đảo lộn giờ sinh học bình thường của bé, khiến bé luôn trong tâm trạng bất an, sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của bé, đồng thời ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra. Chưa kể áp dụng “kỷ luật sắt” như chị Tình còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý sau này của bé sơ sinh, vốn rất cần ôm ấp vỗ về để phát triển tốt.

Ngoài ra, các mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn khi cho bé bú, không khiêng khem quá nhiều sẽ làm cho sữa không đảm bảo chất dinh dưỡng. Đồng thời hạn chế dùng các chất kích thích như trà, café, sô cô la, v.v… và các thức ăn gây nặng bụng, đầy hơi cho bé như bắp cải, súp lơ, dưa leo…; tận dụng tối đa lượng sữa non mới tiết cho bé bú; đảm bảo việc bé ngậm núm vú đúng cách: miệng bé phải ngậm cả quầng vú, khi bé mút vào, vú mẹ bị kéo dài ra, đầu vú chiếm 1/3 phần bé ngậm vào miệng, lưỡi bé sẽ đưa lên trên vòm miệng, dính vào phần vú mẹ, làm sữa tiết ra … Không cho bé bú khi mẹ đang trong trạng thái căng thẳng hoặc nóng giận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa…

Theo Eva



Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.