Những hiện tượng thường gặp ở bé sơ sinh

Nôn trớ là một trong những dấu hiệu bình thường ở bé. Phần lớn các bé bị nôn trớ sau hoặc giữa các cữ bú mẹ. Nôn trớ chỉ nguy hiểm khi bé không tăng cân, quấy khóc liên tục; bé bị ho và bị nghẹn.

Những hiện tượng khác ở bé sơ sinh, tổng hợp từ Keepkidhealthy:

1. Nấc

Với các bé lớn và người lớn, có rất nhiều mẹo để chữa nấc. Tuy nhiên, cha mẹ không nên áp dụng các cách chữa nấc của người lớn đối với bé sơ sinh. Các cơn nấc ở bé sẽ tự nhiên biến mất mà cha mẹ không cần lo lắng quá nhiều.

Nếu bé bị nấc kéo dài, khoảng 5-10 phút, có thể vắt sữa mẹ ra thìa và cho bé mút vài thìa sữa mẹ (với bé ở tuổi ăn dặm, có thể thay thế bằng nước lọc).

Để tránh nấc (nhất là nấc sau khi “ti mẹ”), bạn nên tránh để bé mút sữa quá nhanh hoặc nuốt phải nhiều không khí trong quá trình bú mẹ.

2. Xì hơi

Hầu hết các bé đều bị xì hơi, kể cả ban ngày hay ban đêm (lúc bé đang ngủ). Xì hơi ở bé có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của mẹ (với bé bú mẹ hoàn toàn) hoặc phản ứng với sữa ngoài (nếu bé bú bình).

3. Giảm cân tạm thời

Hiện tượng sụt cân ở bé là khá bình thường. Các bé có thể mất đi 5-7% trọng lượng sau khi chào đời trong vòng vài tuần lễ đầu tiên. Sau đó, bé sẽ đạt được mức tăng cân đều đặn, bắt đầu từ tuần thứ 2 trở đi.

4. Hắt hơi và ngạt mũi

Hắt hơi và ngạt mũi đều là dấu hiệu bình thường, có thể gây ra bởi sự kích ứng, như khi bé hít phải khói thuốc lá, bụi bẩn (nên tránh quạt trần trong phòng của bé vì quạt trần dễ phán tán bụi từ chỗ này đến chỗ kia), không khí khô (đặc biệt trong mùa thu, đông).

Để tránh cho bé bị hắt hơi và ngạt mũi, nên tránh những yếu tố gây kích ứng (lông động vật, khói thuốc lá, bụi bẩn), sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, dùng thuốc nhỏ mũi hoặc hút mũi đúng cách.

5. Quấy khóc

Khóc là tín hiệu ngôn ngữ bình thường ở các bé. Bé sử dụng tiếng khóc để gây sự chú ý hoặc bộc lộ những khó chịu trong người. Trong những tuần đầu tiên, khoảng gần 2h mỗi lần, bé có một trận khóc. Điều này thật sự là bài toán khó khi cha mẹ muốn giải mã tiếng khóc của con.

2 dấu hiệu phổ biến khi bé khóc là:

- Bé khóc vì đói. Nguyên nhân chính khi khóc vẫn là do bé bị đói; vì thế, bạn thử cho bé “ti mẹ” trước.

- Khóc vì đau. Tiếng khóc khác biệt với bình thường. Nó thường to, dai dẳng với “nhịp điệu” không đều.

Thử quan sát các dấu hiệu khác ở bé: Nếu bé khóc và hơi gập đầu gối lại thì có thể bé đang bị đau bụng; bé khóc và mặt đỏ lên, gồng mình khó chịu thì có thể bé đang bị đau người do mẹ quấn tã quá chặt.

6. Quấy khóc khi đi tiêu

Nếu phân mềm, có chứa nước thì việc quấy khóc khi đi tiêu ở bé là bình thường, không phải dấu hiệu bị táo bón. Nếu bé mắc “táo”, phân trở nên cứng, vo thành viên, giống như hạt lạc.

7. Nổi ban

Hầu hết các bé chào đời với làn da không được mịn, đẹp; thay vào đó là làn da khô hoặc có vết đỏ, lốm đốm. Nên đưa bé đi khám nếu làn da có triệu chứng nhiễm trùng, ngứa ngáy, tấy đỏ.

8. Phân có lẫn máu

Hiện tượng này là khá bình thường, không quá nghiêm trọng như cha mẹ đánh giá. Vài sợi máu đỏ, lẫn trong phân có thể là dấu hiệu dị ứng protein trong sữa. Thử hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa trong chế độ dinh dưỡng của mẹ hoặc đổi nhãn sữa công thức. Nếu tình trạng phân có lẫn máu kéo dài, nên đưa bé đi khám.

9. Những vệt máu đỏ trong mắt

Không phải mắt bị chảy máu mà sau khi chào đời, bạn có thể nhận thấy những vệt máu đỏ nổi trên phần lòng trắng trong mắt bé. Đây là hiện tượng xuất huyết trong tạm thời và nó sẽ biến mất mà không cần điều trị sau vài tuần hoặc vài tháng.

10. Ngực sưng lên

Nhiều bé, do ảnh hưởng bởi estrogen từ mẹ, xuất hiện một vài cục nhỏ ngay phía dưới núm vú. Hiện tượng này sẽ tự nhiên biến mất sau đó vài tháng (khi lượng estrogen đã ổn định).

11. Dịch tiết âm đạo

Do ảnh hưởng của estrogen từ mẹ, các bé gái xuất hiện sự tiết dịch ở vùng kín, trong 3-10 ngày đầu tiên. Dịch tiết thường trong hoặc có lẫn máu.

12. Vấn đề ở móng tay

Các bé có móng tay mềm, lớp da bao quanh đầu móng bị sưng lên, một số móng có xu hướng mọc ngược vào trong. Hiện tượng này là bình thường, không cần phải điều trị.

13. Mắt nhìn chéo

Khác với các bé lớn, bé sơ sinh không thể tập trung hai mắt, cùng nhìn một đồ vật, ở cùng một thời điểm. Nên đưa bé đi khám nếu bé còn tiếp tục nhìn chéo sau khoảng 3 tháng tiếp theo.

Những triệu chứng nên đi khám sớm

1. Sốt. Với bé dưới 3 tháng tuổi, nên đưa bé đi khám ngay nếu bé có dấu hiệu của sốt.

2. Kém ăn. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bé bú không đủ no, nhất là khi bé không lên cân hoặc đi tiểu ít hơn bình thường.

3. Nôn trớ hình vòi rồng. Đây có thể là dấu hiệu của chứng hẹp môn vị, thường khởi phát khi bé được khoảng 3 tuần tuổi.

4. Quấy khóc không ngừng. Khi bé quấy khóc không thể nguôi, trong thời gian dài, bạn nên đưa bé đi khám.

Theo Ngọc Huê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.