Phát triển kỹ năng điều khiển tay

Kỹ năng điều khiển tay là quá trình phối hợp giữa ngón tay, bàn tay, cổ tay với mục đích giúp bé cầm, nắm, túm hay vận hành một món đồ chơi (đồ vật).

Tiếp đó, bé sẽ thành thạo trong việc cầm bút màu học vẽ, cài cúc áo, kéo khóa quần, dùng kéo cắt hình, nặn đất sét…

Tập cho bé điều khiển tay

1. Để bé tự do ăn bốc. Khoảng 9-10 tháng tuổi, dùng tay bốc thức ăn là một trong những cách để bé thực hành cách nhúm mẩu thức ăn, giữ thức ăn trong hai ngón tay và đưa lên miệng.

2. Chơi đong nước. Khi tắm, thử cho bé tham gia trò chơi với những chiếc cốc nhựa để bé đong nước vào cốc và đổ nước từ cốc ra chậu tắm. Điều này khuyến khích bé vận động cả hai tay và khám phá thế giới xung quanh cùng lúc. Nên chọn cốc nhựa với nhiều kích thước khác nhau, một số cái có thể đục lỗ nhỏ ở đáy cốc.

Ngoài giờ tắm, có thể dạy bé đong gạo (hoặc những đồ vật nhỏ) bằng cốc. Không nên bắt ép bé phải đong – đổ gạo thế nào cho đúng cách, nên để bé tự do vui chơi.

3. Chơi với phấn màu, bút chì màu. Không cần quan tâm quá vào kết quả, quan trọng là bé vui thích điều khiển bàn tay, ngón tay và cánh tay trong suốt hành trình. Nên chọn không gian an toàn cho bé học vẽ.

Trên khay đựng thức ăn riêng cho bé, có thể đổ vào đó chút bột (cháo) thừa và để bé nghịch ngợm với đôi tay. Đừng sợ bẩn, cứ để bé khám phá chuyển động của ngón tay, bàn tay với niềm thích thú.

4. Để bé giúp khi được mặc áo. Mỗi lần mặc quần áo cho bé, bạn nên tránh làm hết mọi việc; thay vào đó, nên khuyến khích bé tự luồn bàn tay qua ống tay áo. Để cho bé tự tháo tất chân và đi tất chân, nếu bé đủ lớn.

5. Xâu đồ vật. Nếu bé đã lớn, nên mua những khối hình nhựa (gỗ) đồ chơi, được đục lỗ, có độ lớn vừa phải để bé không bị hóc và dạy bé cách xâu chuỗi đồ vật.

6. Lật trang sách. Khi đọc sách, nên động viên để bé dùng tay lật, mở những trang sách. Bạn cũng sẽ nhận ra sự háo hức của bé với sách ngay sau đó. Lúc đầu, bé lật nhiều trang cùng lúc, bỏ qua thứ tự các trang nhưng chỉ ít lâu sau, bé sẽ biết cách lật từng trang, theo đúng số trang được đánh dấu.

7. Chơi với bóng bay. Thổi một quả bóng nhỏ và để bé học cách bắt bóng bằng tay. Dạy bé giữ quả bóng bằng cách mở rộng hai lòng bàn tay ở một vị trí nhất định. Chơi với bóng rất thú vị vì thế, bạn có thể thực hành khoảng 1h sau bữa phụ vào buổi chiều của bé.

8. Đồ chơi kéo, đẩy. Những món đồ chơi có thể kéo giãn hoặc đẩy đi rất tốt cho kỹ năng điều khiển tay. Nên chọn mua đồ chơi mà bé có thể chơi theo nhiều cách, vừa giúp bé tăng hứng thú, vừa khiến bé sáng tạo.

9. Chơi với nhạc cụ. Nhạc cụ đồ chơi là thứ bé dễ dàng rung, lắc, ấn phím hoặc vỗ bằng tay nên chúng giúp bé phát triển cơ tay. Bạn có thể mua nhạc cụ đồ chơi cho bé hoặc tự xếp những hạt đậu vào trong chiếc chai nhựa, được đậy nắp kín để bé dùng tay lắc chai.

Kỹ năng điều khiển bàn tay theo độ tuổi

- Giai đoạn 0-3 tháng tuổi: Chụm – xòe các ngón tay, túm lấy đồ chơi.

- 6 tháng: Chơi với các ngón tay; rướn người với lấy đồ vật; chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác; rung lục lạc.

- 9 tháng: Vẫy tay chào; chơi với đồ chơi.

- 12 tháng: Thành thạo kỹ năng bốc thức ăn; nhúm được đồ vật nhỏ bằng ngón trỏ và ngón cái; xếp những khối hình chồng lên nhau.

- 18 tháng: Kéo, đẩy và đập đồ vật; mở trang sách; dùng tay cởi mũ, găng tay, tất và giày; chơi với bút vẽ.

- 2 tuổi: Tự ăn bằng thìa; tự mở được nắp của một cái hộp; vẽ hình; tự chà xát các ngón tay khi cùng mẹ rửa tay.

Theo Ngọc Huê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.